Xử lý thế nào khi bị chó cắn, mèo cào để tránh bệnh dại?


Ngoài việc đồng tình chủ trương kiểm soát chó, mèo trong khu dân cư của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất lên UBND TPHCM, người dân còn mong muốn hạn chế nuôi các loài chó dữ.

Một số người ở TPHCM đã trải qua không ít lần thót tim khi đối mặt với những con chó to khỏe, hung tợn, không đeo rọ mõm chạy rông nơi công cộng.

Ám ảnh chó dữ

Cách đây vài tháng, ông Bình (38 tuổi, ngụ tại quận 4) dắt con đi dạo tại một công viên nơi mình sinh sống. Bất ngờ, anh phát hiện Pit Bull không rọ mõm tiến gần lại mình. Ông vội vàng bế đứa con đi ra góc khác của khu vui chơi để tránh nguy hiểm.

“Tôi luôn khuyến khích cháu chơi đùa với các loài động vật để cải thiện kỹ năng mềm và khám phá môi trường xung quanh. Nhưng đối với các giống chó dữ như Pit Bull thì không. Chúng đủ khỏe để giằng dây xích của chủ và trở nên khó kiểm soát khi bị kích động”, ông Bình quả quyết.

Sau khi nghe thông tin về đề xuất các quy định trong quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn, ông Bình bày tỏ đồng tình khi trách nhiệm của chủ vật nuôi sẽ được nâng cao, những người xung quanh cũng tránh được nhiều phiền toái.

Xử lý thế nào khi bị chó cắn, mèo cào để tránh bệnh dại? - 1

Anh Thắng cho biết bản thân ủng hộ với các đề xuất quy định quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn (Ảnh: NVCC).

Anh Văn Thắng, quản trị nhóm facebook cộng đồng nuôi thú cưng Việt Nam với hơn 12.000 thành viên, bày tỏ sự ủng hộ với các đề xuất quy định quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn. Anh góp ý, việc ai nuôi chó, mèo cũng cần đăng ký là không cần thiết, tuy nhiên, họ phải chăm sóc vật nuôi một cách có trách nhiệm, không gây ồn ào, mất vệ sinh môi trường và làm ảnh hưởng đến người xung quanh.

Anh Thắng kể lại về vụ việc, một hộ dân tại quận 4 nuôi cả trăm con chó trong một diện tích nhỏ khiến hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng bởi vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, mất vệ sinh môi trường trong thời gian dài, thậm chí có hộ phải chuyển nơi ở. Do đó, điều quan trọng là các cấp chính quyền địa phương cần vào cuộc xử lý, có giải pháp ngay khi nhận phản ánh từ người dân liên quan đến các phiền toái do vật nuôi gây ra.

Một điều quan trọng khác là chủ của vật nuôi cần xích, rọ mõm đối với các loại chó có trọng lượng lớn, từ 10kg trở lên. Đây là những loài vật có thể gây nguy hiểm cho người xung quanh và chủ phải luôn để mắt khi đưa ra ngoài.

“Pitbull là loài đặc biệt nguy hiểm rồi. Tuy nhiên, ngay cả chó ta có trọng lượng trên 10kg là đã có nguy cơ gây nguy hiểm, cần có biện pháp quản lý phù hợp”, anh Thắng chia sẻ.

Chủ một cơ sở thú y tại quận Bình Thạnh chia sẻ, việc quản lý thông tin của chó, mèo là cần thiết nhằm quản lý vấn đề dịch tễ, xử lý kịp thời nếu có dịch bệnh xảy ra. Đặc biệt trong bối cảnh, những dấu hiệu đáng quan tâm về bệnh dại đang diễn ra.

Theo người này, vấn đề quản lý chó, mèo đã được nhắc tới cách đây vài năm. Thời điểm đó, các đoàn kiểm tra, cơ quan chức năng đã phổ biến và khuyến khích các cơ sở thú y, Pet Shop (cửa hàng bán đồ cho thú cưng) cung cấp thông tin dịch tễ, đặc điểm của thú cưng, thông tin của chủ thông qua phần mềm.

Xử lý thế nào khi bị chó cắn, mèo cào để tránh bệnh dại? - 2

Pitbull là giống chó dữ, hiếu chiến, gan lì, được mệnh danh là sát thủ máu lạnh (Ảnh: Nypost).

Tuy nhiên sau đó một thời gian, việc này gần như không còn được nhắc tới. Các cơ sở thú y và dịch vụ thú cưng đều sử dụng mẫu sổ thông tin bằng giấy cấp riêng cho khách, lưu lại bằng phần mềm nội bộ.

“Điều này một phần vì chủ cơ sở muốn giữ chân khách hàng cho mình. Việc phát hành sổ thông tin thú cưng bằng mẫu riêng của từng cơ sở là một yếu tố giúp chủ nuôi tiện theo dõi thông tin và sẽ quay lại vào lần sau nếu có nhu cầu sử dụng các dịch vụ, tiêm phòng, thăm khám sức khỏe chó, mèo”, đại diện cơ sở phân tích.

Bệnh dại nguy hiểm thế nào?

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, mỗi năm trên thế giới có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, phải đi điều trị dự phòng bằng vắc xin dại. Có khoảng 60.000 – 70.000 người bị chết do bệnh dại, phần lớn được báo cáo từ các nước thuộc vùng nhiệt đới. Từ năm 2004 đến nay, bệnh dại tăng lên rõ rệt ở các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. 

Theo bệnh viện, bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại.

Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tạng bị nhiễm vi rút dại.

Thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2-8 tuần, có thể khoảng 10 ngày hoặc dài trên một năm hoặc hai năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn.

Giai đoạn tiền triệu chứng kéo dài 1- 4 ngày. Người bệnh có biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi vi rút xâm nhập.

Xử lý thế nào khi bị chó cắn, mèo cào để tránh bệnh dại? - 3

Ông Ngô Thanh Nhàn (63 tuổi, ngụ quận 1) cho biết, tiêm véc xin là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh dại cho chó và bảo vệ người xung quanh (Ảnh: An Huy).

Giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, nạn nhân còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp. Bệnh thường kéo dài từ 2- 6 ngày, đôi khi lâu hơn và cuối cùng tử vong do liệt cơ hô hấp.

Để đề phòng bệnh dại, các bác sĩ khuyến cáo khi bị chó, mèo cắn, nạn nhân cần sơ cứu theo các bước ngay lập tức và đến cơ sở y tế để được khám và tiêm phòng.

Cụ thể, rửa ngay thật kỹ vết cắn bằng xà phòng, sau đó rửa lại bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn, muối để làm giảm lượng vi rút tại vết cắn. Chỉ khâu vết thương trong trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày.

Việc khám bệnh nhân bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc để có chỉ định điều trị dự phòng bằng vắc xin dại hoặc vắc xin, huyết thanh kháng dại phải thực hiện càng sớm càng tốt.

Đến nay, chưa ai dám khẳng định súc vật đã tiêm phòng thì không bị bệnh dại. Vì vậy, ngay khi bị cắn, người bệnh vẫn phải xử trí tại chỗ vết thương ngay và đến các cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng dại.

Không có loại thuốc uống, bôi, đắp nào có thể chữa được bệnh dại. Biện pháp duy nhất để cứu người khi bị dại là tiêm vắc xin dại và huyết thanh dại càng sớm càng tốt. Khi đã lên cơn dại thì 100% bệnh nhân tử vong.

Sau khi tiêm vắc xin dại, người bệnh cần tránh làm việc quá sức, tuyệt đối không uống rượu và các chất kích thích, không được dùng các thuốc làm giảm miễn dịch như corticoid, ACTH trong vòng 6 tháng.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *