Nguồn tin của phóng viên Dân trí cho biết, thời gian qua, Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM) đã tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho hàng loạt trường hợp biến chứng thẩm mỹ nặng sau khi tiêm chất làm đầy (filler) tại các cơ sở trôi nổi.
Từ Hà Nội vào TPHCM cầu cứu sau khi tiêm filler mông
Trong đó, có trường hợp của chị L.T.H. (38 tuổi, ngụ quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết cách nhập viện 7 ngày có đến một thẩm mỹ viện ở Hà Nội thực hiện tiêm filler (không rõ loại) ở mông. Sau tiêm vài ngày, người phụ nữ thấy 2 bên mông nóng đỏ lên và sưng đau, vùng mông phải nhiều hơn bên trái, đồng thời tình trạng ngày càng nặng nề.
Lúc này thông qua sự giới thiệu của người quen, chị H. di chuyển gấp vào TPHCM, đến khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện Trưng Vương “cầu cứu”.
Thời điểm tiếp nhận bệnh nhân, qua thăm khám và dựa vào triệu chứng, các bác sĩ chẩn đoán chị H. bị áp xe mông phải nặng sau tiêm filler. Ekip điều trị đã tiến hành phẫu thuật mở ổ áp xe, nạo lấy filler hai mông và cho bệnh nhân dùng kháng sinh, kháng viêm , giảm đau, chăm sóc vết thương tích cực.
Một trường hợp khác là anh D.X.C. (27 tuổi, quê Vũng Tàu). Trên giường bệnh, anh C. kể lại, vì thấy vùng trán của mình hơi lõm nên nghĩ đến việc tiêm chất làm đầy để cho đẹp, hợp phong thủy. Bệnh nhân nhờ một người “chị xã hội” mua giúp filler và tiêm 2cc vào trán.
Khoảng 4-5 tiếng sau tiêm, chàng trai có dấu hiệu sưng, sụp mí và nhức, nhói vùng mắt. Anh C. tiếp tục nhờ người chị nêu trên tiêm thuốc làm tan filler nhưng tình trạng không cải thiện, nên ngay hôm sau đã vào Bệnh viện Trưng Vương kiểm tra.
Tại đây, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân hoại tử nặng vùng trán, lan xuống gần hết mũi. Bệnh nhân được chẩn đoán đã tắc mạch máu nặng sau tiêm filler, được xử lý nhiễm trùng, dùng kháng viêm, theo dõi vết thương.
“Bác sĩ bảo phải theo dõi thêm 1 tuần nữa mới tính tiếp được. Trước giờ tôi cũng có đọc báo phản ánh các ca tai biến filler, nhưng nghĩ chỉ có tiêm mũi mới nguy hiểm, đâu ngờ ở trán cũng biến chứng nặng như vầy. Tôi khuyên mọi người có muốn làm đẹp cũng chọn nơi uy tín, đừng tự tiêm tại nhà…”, chàng trai ngậm ngùi tâm sự.
Có thể tốn hàng trăm triệu đồng xử lý biến chứng
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Phương Đông, khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương chia sẻ, gần đây, trung bình một tháng khoa phải xử lý 5-10 ca biến chứng sau tiêm filler. Có trường hợp đã thực hiện từ 6 năm trước nhưng khi được hỏi, bệnh nhân cũng không biết mình được tiêm chính xác loại chất gì.
Theo bác sĩ Đông, trên thị trường thẩm mỹ hiện nay có rất nhiều chất làm đầy, nhưng chỉ một số loại được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) hay các cơ quan y tế uy tín cấp phép.
Trong khi đó, những filler trôi nổi, giá rẻ thường kèm nhiều tạp chất, không thể tan hết khi tiêm vào cơ thể. Với các trường hợp thực hiện sai kỹ thuật, tiêm trực tiếp vào mạch máu có thể gây tắc động mạch võng mạc, dẫn đến mù vĩnh viễn.
Khi bệnh nhân bị biến chứng nặng, bác sĩ phải phẫu thuật mở ổ áp xe xử lý phù nề, nhiễm trùng, bơm rửa từng ngóc ngách của vết thương, bao gồm lớp mỡ dưới da, lớp cơ…
Tuy nhiên, filler một khi đã len lỏi vào các tổ chức dưới da thì không thể lấy hết hoàn toàn, sau một thời gian xử lý lại tái biến chứng. Do đó, bệnh nhân phải chịu đựng việc mổ nhiều lần và điều trị kéo dài, thậm chí có thể tốn hàng trăm triệu đồng xử lý hậu quả.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần biết nhận thức, tỉnh táo đến cơ sở làm đẹp có chuyên môn và được cấp phép, cũng như tìm hiểu kỹ về phương pháp mình muốn thực hiện, để tránh tiền mất, tật mang.