Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Hồ Thiên Hương, khoa Hô Hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) chia sẻ, hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em là những đợt tắc nghẽn đường thở trên (một phần hoặc toàn bộ) xảy ra trong khi ngủ và dẫn đến ngưng thở.
Triệu chứng thường thấy của bệnh bao gồm: ngáy và đôi khi ngủ không yên, đổ mồ hôi về đêm, nhức đầu vào buổi sáng và khó tập trung, thường kéo dài 10-30 giây và có thể lên đến 400 lần trong đêm. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh thường do amidan hoặc hạch hạnh nhân họng (VA) quá lớn, làm cản trở luồng khí đi ra và đi vào phổi.
Hiện tượng ngưng thở khi ngủ thường gặp ở trẻ em béo phì (chiếm đến 60%). Song song đó, trẻ bị dị ứng mũi, ở gần người lớn hút thuốc và có tiền sử gia đình bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn cũng được phát hiện là các yếu tố nguy cơ gây bệnh ở trẻ em.
Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ dẫn đến hiện tượng ngưng thở khi ngủ bao gồm:
– Cấu trúc hàm trên nhỏ, bất thường ở hộp sọ hoặc mặt;
– Sử dụng thuốc an thần có hoặc không có opioid;
– Yếu cơ lưỡi và cơ vùng cổ họng;
– Mắc hội chứng Down, bệnh hồng cầu hình liềm, bại não.
Theo thống kê, tỷ lệ ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em chỉ khoảng 2%, nhưng thường không được chẩn đoán và có thể dẫn đến di chứng nghiêm trọng, làm chất lượng giấc ngủ của trẻ không tốt, không có tác dụng giúp cơ thể trẻ nghỉ ngơi và hồi phục.
Với trẻ lớn, ngưng thở khi ngủ là nguyên nhân dẫn đến rối loạn hành vi cá nhân, chậm phát triển, rối loạn ứng xử và nhân cách, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), ảnh hưởng đến việc học tập và các vấn đề sức khỏe trẻ như tình trạng cao huyết áp.
Với những ảnh hưởng nguy hiểm nêu trên, câu hỏi được đặt ra là khi nào phụ huynh cần nghi ngờ con mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ?
Bác sĩ Hương tiết lộ 8 dấu hiệu cơ bản. Đó là trẻ thường xuyên ngủ ngáy, khó thở khi ngủ, ngủ không ngon giấc, hay phải trở mình luôn trong khi ngủ, hay nằm sấp khi ngủ, hay đái dầm, hay phải thở bằng miệng và ngủ ngày quá nhiều.
Khi con em có các tình trạng trên trên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ, để được thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán, như đa kí giấc ngủ (Polysomnogram), đa kí hô hấp. Để điều trị bệnh, tùy vào mức độ, bác sĩ có thể cho bé phẫu thuật cắt amidan, nạo VA, điều chỉnh chứng hàm nhỏ bẩm sinh, thở CPAP, điều trị tốt viêm mũi dị ứng…
Vì béo phì là một yếu tố nguy cơ đối với ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, nên trẻ có thể được hỗ trợ tích cực cho việc giảm cân, để làm giảm mức độ nặng của hội chứng nêu trên.