Thông tin trên được cho biết tại hội thảo khoa học với chủ đề “Cập nhật điều trị ngoại khoa bệnh trào ngược dạ dày – thực quản”, diễn ra ở Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) ngày 6/4.
Hội thảo có sự tham gia báo cáo của nhiều chuyên gia phẫu thuật trong lĩnh vực ngoại tiêu hóa, cập nhật thông tin về quản lý và điều trị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản. Hơn 200 bác sĩ, chuyên gia y tế từ nhiều bệnh viện và trường đại học y khoa tại TPHCM cũng đến dự chương trình.
Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) là tình trạng trào ngược dịch và thức ăn từ dạ dày, gây triệu chứng hoặc biến chứng. Bệnh xuất hiện do những biến đổi tại van dạ dày – thực quản, khiến van này không thể đóng kín, làm dịch từ dạ dày (bao gồm cả axit và dịch mật) trào ngược lên thực quản.
Theo Hội Nội khoa Việt Nam, có 7 triệu người Việt bị trào ngược dạ dày – thực quản (thống kê năm 2022). Trong đó, khoảng 60% người bệnh không điều trị kịp thời, dẫn đến biến chứng nguy hiểm như hẹp thực quản, ung thư thực quản…
Trào ngược dạ dày – thực quản dễ xuất hiện ở người thừa cân, béo phì, căng thẳng kéo dài, viêm loét dạ dày tá tràng, hay có thói quen ăn uống không lành mạnh và một số loại thuốc.
Bệnh gây nhiều khó chịu cho người mắc, như tình trạng viêm họng, ợ chua, hôi miệng, nuốt vướng, nuốt khó, nôn thức ăn hoặc chất lỏng chua, đau ngực, viêm thanh quản, ho dai dẳng kéo dài, khó thở… Các triệu chứng trên có thể tương tự như trong nhiều bệnh tiêu hóa hoặc tai mũi họng.
Nếu không can thiệp hiệu quả, người bệnh có thể phải chịu đựng những triệu chứng của bệnh suốt đời, gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
Để điều trị, thông thường người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc ức chế bơm proton (PPI) trong khoảng 8 tuần, sau đó đánh giá lại để đưa ra quyết định tiếp tục uống thuốc hoặc phẫu thuật. Trong trường hợp chọn mổ, người bệnh cần được thăm khám chuyên sâu để đánh giá kỹ lưỡng.
Trong khuôn khổ hội thảo, có 2 người bệnh trào ngược dạ dày – thực quản phức tạp đã được các chuyên gia tiến hành can thiệp phẫu thuật thị phạm.
Trường hợp thứ nhất là một cụ bà 72 tuổi, có tiền căn cao huyết áp, thoái hóa khớp gối, đã từng phẫu thuật điều trị gãy cổ xương đùi, đi khám vì ợ chua nhiều, uống thuốc PPI không khỏi.
Ca còn lại là một người đàn ông 54 tuổi, đã xuất hiện triệu chứng ợ chua nặng và có tiền căn tăng men gan, rối loạn mỡ máu. Ảnh CT scan ngực của bệnh nhân phát hiện có một phần dạ dày chui lên lồng ngực.
Cả hai trường hợp trên đều được phẫu thuật tạo hình van chống trào ngược dạ dày thực quản bằng kỹ thuật Omega 300 AP. Sau mổ, sức khỏe các bệnh nhân dần ổn định.