Bệnh cúm gia cầm A(H9) nguy hiểm như thế nào?


Theo dõi sát những người tiếp xúc gần với ca mắc cúm gia cầm A(H9) đầu tiên

Liên quan đến ca mắc cúm gia cầm A(H9) đầu tiên tại nước ta, ngày 6/4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, Viện Pasteur TPHCM.

Theo đó, Cục đề nghị ngành y tế Tiền Giang điều tra nguồn lây và xử lý triệt để ổ dịch, tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp mắc mới, phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương trong việc giám sát phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm.

Cục cũng yêu cầu Viện Pasteur TPHCM khẩn trương tiếp tục điều tra, giám sát và theo dõi các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc mới, tiếp tục thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để xác định phân nhóm virus…

Bệnh cúm gia cầm A(H9) nguy hiểm như thế nào? - 1

Bệnh cúm A(H9N2) phát hiện lần đầu trên người tại Trung Quốc vào năm 1998 (Ảnh: H.L).

Theo thông tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa và thời tiết có nhiều thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển.

Vì vậy, Cục Y tế dự phòng nhận định nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người luôn tiềm ẩn.

Mức độ nguy hiểm của cúm A(H9N2)

Ca mắc cúm A(H9) đầu tiên của Việt Nam đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Trước đó, ngày 10/3, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt và tự mua thuốc điều trị nhưng không thường xuyên. Ngày 16/3, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM và được chẩn đoán viêm phổi nặng nghi do virus.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, trước đó, cúm A(H9N2) ở nước ta mới ghi nhận trên đàn gia cầm (lưu hành cúm A(H5N1) trên người). Cúm A (H9N2) thường lưu hành ở đàn gia cầm và có thể lây sang người nhưng chưa thấy dịch lớn xảy ra, mới chỉ có ca bệnh lẻ tẻ.

Dù vậy, chuyên gia cho rằng chúng ta cũng cần phải đề phòng vì các chủng virus rất dễ biến đổi thành chủng nặng hơn hoặc vẫn chủng đó nhưng biến đổi có độc lực cao hơn, lây lan nhanh hơn, triệu chứng nặng hơn…

Bệnh cúm gia cầm A(H9) nguy hiểm như thế nào? - 2

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) (Ảnh: T.D).

“Người dân cần thực hiện phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh”, PGS Phu khuyến cáo.

Bệnh cúm A(H9N2) phát hiện lần đầu trên người tại Trung Quốc vào năm 1998, đến nay đã có 135 ca ở toàn cầu. 

Từ năm 2015 đến nay, khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận 98 trường hợp mắc cúm A(H9N2). Trong đó 96 trường hợp bệnh được ghi nhận ở Trung Quốc và 2 trường hợp tại Campuchia. Cả hai trường hợp tử vong, đều là có bệnh nền.

Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước đây tại nước ta từng phát hiện virus cúm A(H9N2) lưu hành trên đàn gia cầm. Đây là virus cúm gia cầm độc lực thấp thường gây triệu chứng nhẹ và không gây chết gia cầm hàng loạt.

Tuy nhiên, con người vẫn có thể bị lây nhiễm và mắc bệnh cúm gia cầm A(H9N2) nếu tiếp xúc và sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhiễm bệnh.

Đề phòng cảnh giác với chủng cúm gia cầm độc lực cao

Cúm gia cầm tiếp tục lây lan trong các quần thể chim hoang dã ở Liên minh châu Âu (EU). Theo các nhà khoa học có nhiều yếu tố có thể khiến virus lây lan hiệu quả ở người, do đó làm tăng khả năng gây đại dịch.

Hiện nay việc lây truyền cúm gia cầm A(H5N1) từ gia cầm sang người là rất hiếm. Tuy nhiên, theo một báo cáo mới đây của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu và Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu, các chủng mới mang đột biến tiềm năng để thích nghi với động vật có vú có thể xảy ra.

Ngày 5/4, Cục Thú Y và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) Việt Nam cũng kêu gọi cộng đồng cảnh giác với khả năng lây nhiễm virus cúm gia cầm độc lực cao A(H5N1) khi phát hiện chủng virus tái tổ hợp trên gà và ngan được phát hiện thông qua giám sát chủ động tại Việt Nam. 

Việc tái tổ hợp này không chỉ cho thấy khả năng thích ứng của virus trên người mà còn hiện hữu nguy cơ về sự xuất hiện của các chủng mới, có độc lực cao hơn.

Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã phát hiện 129 trường hợp người nhiễm virus cúm gia cầm độc lực cao loại A (H5N1), trong đó có 65 trường hợp tử vong.

Trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm A(H5) trên người gần đây nhất được báo cáo vào tháng 10/2022 tại Phú Thọ và một trường hợp tử vong khác do cúm gia cầm A(H5N1) được báo cáo vào tháng 3 tại Khánh Hòa. 


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *