Cấp cứu người phụ nữ khó thở, dọa sốc sau khi 2 ăn con “đặc sản”


Đó là trường hợp của chị Hương (33 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long, tên đã thay đổi).

Theo bệnh sử, khoảng 3 tiếng đồng hồ sau khi ăn 2 con đuông dừa, chị Hương có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, da nổi mẩn đỏ, ngứa khắp người kèm theo cảm giác mệt, khó thở, dọa sốc, phải nhập viện cấp cứu.

Cấp cứu người phụ nữ khó thở, dọa sốc sau khi 2 ăn con đặc sản - 1

Người phụ nữ nổi mẩn đỏ, ngứa khắp người sau khi ăn con đuông dừa (Ảnh: BV).

Qua thăm khám và khai thác bệnh lý, bác sĩ xác định bệnh nhân bị dị ứng do ăn đuông dừa, nên nhanh chóng tiến hành các bước xử trí, điều trị như truyền dịch, dùng thuốc kháng histamin, corticoid.

Nhờ được điều trị tích cực, bệnh nhân đỡ mệt, huyết áp ổn định, qua giai đoạn nguy hiểm và được chuyển về khoa Nội tổng quát để tiếp tục theo dõi. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân tốt, không còn xuất hiện mề đay và dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.

Đại diện ekip điều trị cho biết, đuông dừa là một loài ấu trùng chỉ ăn cổ hủ dừa, có hàm lượng chất đạm, chất béo và vitamin (như A, C, B1) khá cao, là đặc sản được nhiều người ưa chuộng.

Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân có cơ địa dị ứng với loại thực phẩm này. Ngoài ra, một số bào tử nấm độc trong môi trường sinh sống có thể nhiễm vào con đuông dừa, dẫn đến nguy cơ người dân gặp các biến chứng nguy hiểm khi ăn phải.

Biểu hiện của dị ứng sau khi ăn đuông dừa thường là nổi mề đay, phát ban từng vùng hoặc khắp người gây ngứa, người nôn nao khó chịu, nôn, đau quặn bụng, tiêu chảy, khó thở… Nặng hơn, bệnh nhân có thể biến chứng sốc phản vệ, nếu không được xử trí kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Trước đây, đã từng có một trường hợp người đàn ông 32 tuổi tên B.V.T. (quê Vĩnh Long) bị tím tái toàn thân, mạch nhanh, huyết áp không đo được sau khi ăn đuông dừa. Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng, phải tiến hành cấp cứu chống sốc.

Cấp cứu người phụ nữ khó thở, dọa sốc sau khi 2 ăn con đặc sản - 2

Đuông dừa là đặc sản nhưng có thể gây nguy hiểm với người có cơ địa dị ứng (Ảnh: BV).

Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị ngộ độc thức ăn có nguồn gốc là côn trùng, nếu còn tỉnh táo, cần tự gây nôn. Trong trường hợp đã lâm vào tình trạng nặng, khó thở và thở yếu, tùy theo các biểu hiện của nạn nhân mà có cách sơ cứu phù hợp, như thực hiện hô hấp nhân tạo. Sau khi sơ cứu, cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới các cơ sở y tế để được xử trí và điều trị kịp thời.

Để đề phòng ngộ độc do ăn con đuông nói riêng và côn trùng nói chung, người dân, đặc biệt là người có cơ địa dị ứng không nên ăn những loài lạ hoặc chưa từng thử qua.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *