Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về số ca ghép tạng mỗi năm


Lần đầu tiên chia tách gan người hiến thành công

Ca hiến tạng từ người cho chết não tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí vừa qua đánh dấu “2 lần đầu tiên” trong tiến trình phát triển của lĩnh vực hiến – ghép mô tạng của Việt Nam.

Đây là thông tin được PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cung cấp tại buổi họp báo “Điều phối đa tạng của bệnh nhân chết não từ bệnh viện tuyến tỉnh”.

Sự kiện được diễn ra tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chiều 8/4.

Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về số ca ghép tạng mỗi năm - 1

Ca phẫu thuật lấy đa tạng kéo dài 4 giờ (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Theo đó, từ nguồn tạng được lấy từ bệnh nhân D.M.Đ. chết não, một tim, một tạng thận, một phần gan (gan trái) được điều phối tới Bệnh viện Trung ương Huế; một phần gan (gan phải), một tạng thận được điều phối tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; 2 giác mạc được điều phối tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Hiện tất cả các tạng được lấy từ người hiến chết não được ghép đều có tiến triển tốt, đã mang lại sự sống cho các bệnh nhân khác.

Thành công của ca hiến có hai đặc điểm lớn:

– Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên chưa ghép tạng thực hiện chẩn đoán chết não – Hồi sức chết não.

– Lần đầu tiên chia tách gan người hiến chết não thành công để ghép cho hai người (một trẻ em, một người lớn).

“Đây là cột mốc quan trọng trong việc xây dựng nòng cốt, hình thành và mở rộng mạng lưới hiến tạng trong toàn quốc, mà trong thời gian qua trung tâm đã nỗ lực xây dựng”, PGS Đồng Văn Hệ nói.

Tính tới thời điểm hiện tại, cả nước có 6/26 bệnh viện ghép tạng đã thực hiện chẩn đoán chết não về hiến tặng mô tạng. Điều này là một trong những lý do khiến tỷ lệ chết não hiến mô, tạng tại Việt Nam rất thấp và không tăng trong hơn 10 năm qua.

Vì vậy, PGS Hệ nhận định triển khai chẩn đoán và hồi sức chết não tại các bệnh viện hiến (bệnh viện chưa ghép tạng) theo mô hình các nước phát triển, là định hướng của Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia.

Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về số ca ghép tạng mỗi năm - 2

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Ảnh: Minh Nhật).

Sau khi đưa vào thí điểm xây dựng mạng lưới 16 bệnh viện vận động hiến tặng mô, tạng, trung tâm đã hỗ trợ 4 bệnh viện triển khai thành công chẩn đoán chết não, hồi sức và hiến mô tạng.

“Mô hình xây dựng tổ tư vấn tại 16 bệnh viện cho thấy tín hiệu khả quan và khả thi. Bên cạnh đó Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia cũng đã tổ chức đào tạo cho 68 bệnh viện. Tổng cộng đã có 595 người được đào tạo”, PGS Hệ thông tin.

Cũng theo chuyên gia này, Việt Nam hiện là nước có tổng số ca ghép tạng mỗi năm cao nhất Đông Nam Á. Chúng ta cũng là nước ASEAN duy nhất ghép được hơn 1000 ca mỗi năm.

Tuy nhiên, Việt Nam lại đứng ở vị trí rất thấp về tỷ lệ hiến mô tạng từ người chết não và chết tim với 0,15%. Về chỉ số này, Thái Lan đang nhiều hơn chúng ta 70 lần, với Singapore là 40 lần.

Cũng theo ông, nếu mỗi bệnh viện trong 68 bệnh viện của mạng lưới thuyết phục thành công 1-2 ca chết não hiến tạng mỗi năm, chúng ta đã có thêm khoảng 100 trường hợp chết não hiến mô tạng để thắp lên các cuộc đời mới

Y bác sĩ cần trực tiếp vận động hiến tạng

Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, trong hơn 30 năm phát triển của lĩnh vực hiến – ghép mô tạng, hiện chúng ta đã ghép được đầy đủ các tạng như thế giới có thể làm được.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng bày tỏ sự trăn trở với việc nguồn hiến tạng từ người cho chết não ở Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thấp nhất thế giới.

“Có hàng nghìn người bệnh vẫn trông chờ được ghép mô tạng từng ngày, từng giờ”, Thứ trưởng Thuấn bày tỏ.

TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phân tích, để tăng được số lượng người chết não hiến tạng, một bệnh viện không làm được mà phải có mạng lưới phổ rộng trên toàn quốc từ tuyến cơ sở lên tuyến trên.

Do đó, mỗi bệnh viện phải bắt đầu việc này bằng tập huấn, truyền thông để mỗi cán bộ y tế đều là tình nguyện viên vận động.

“Trước mắt cần làm ngay đó là thay đổi ý thức của nhân viên y tế trong vận động hiến ghép”, TS Hùng cho hay.

Ông Hùng dẫn chứng thực tế tại bệnh viện, có những trường hợp người của trung tâm ghép tạng đến tư vấn về hiến tạng, nhưng sẽ không hiệu quả bằng các y bác sĩ. Họ vốn là người theo dõi và tiếp xúc với gia đình bệnh nhân hàng ngày.

“Y bác sĩ phải là người tham gia tư vấn hiến tạng. Khi y bác sĩ phối hợp cùng với người của trung tâm ghép tạng tư vấn, vận động sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều”, TS Hùng chia sẻ.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *