Ngày 1/5, Sở Y tế TPHCM cho biết, những ngày cuối tuần và nghỉ lễ vừa qua, các bệnh viện trên địa bàn Thành phố đã cứu sống nhiều trường hợp bệnh nhân nguy kịch, nhờ phát huy hiệu quả quy trình báo động đỏ nội viện và liên viện.
Trường hợp thứ nhất xảy ra vào tối 28/4, khi Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh) tiếp nhận một trường hợp người lớn có vết thương do dao đâm ở vùng ngực phải và vùng bụng ngay vị trí gan.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng bứt rứt, môi tím tái, mạch tứ chi khó bắt, huyết áp khó đo… Ngay lập tức, ekip trực đã băng ép các vết thương cầm máu, đặt nội khí quản, truyền dịch chống sốc, truyền máu, truyền thuốc trợ tim adrenaline, đồng thời kích hoạt báo động đỏ liên viện, với Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Trưng Vương (quận 10).
Thời điểm này, bệnh nhân được chẩn đoán sốc mất máu, vết thương thấu bụng xuyên phổi, xuyên cơ hoành và gan, đứt xương sườn số 9, nguy cơ tử vong rất cao. Chỉ trong vòng 30 phút, các bác sĩ 2 bệnh viện bạn đã có mặt tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố để tham gia phẫu thuật.
Sau 1 giờ hồi sức tích cực, bệnh nhân được chuyển vào phòng mổ của bệnh viện chuyên khoa Nhi. Ekip điều trị phối hợp giữa 3 bệnh viện đã phẫu thuật khâu vết rách của phổi, cầm máu động mạch ở sườn, khâu cơ hoành và nhu mô gan bị rách cho bệnh nhân.
Hậu phẫu, bệnh nhân diễn tiến ổn định, dự kiến sẽ được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 điều trị tiếp tục.
Đến rạng sáng 29/4, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tiếp nhận 2 trường hợp là chiến sĩ công an và dân quân tự vệ bị đâm trọng thương khi đang làm nhiệm vụ. Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp nguy kịch với vết thương phức tạp và sâu vùng cổ, chảy máu nhiều.
Trước tình trạng người bệnh xấu dần, huyết áp tụt, ekip trực đã nhanh chóng hội chẩn và kích hoạt báo động đỏ, chuyển phòng mổ tối khẩn. Sau nhiều giờ mổ, khâu cầm máu và hồi sức, tình trạng các bệnh nhân đã dần ổn định.
Từ ngày 6/10/2016, Sở Y tế TPHCM ban hành khuyến cáo triển khai quy trình báo động đỏ tại các bệnh viện trên địa bàn.
Đến nay, khuyến cáo này đã phát huy hiệu quả trong nhiều trường hợp. Nhờ sự chuẩn bị và phản ứng nhanh chóng của đội ngũ nhân viên y tế trực gác, cũng như sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bệnh viện đã giúp cứu sống nhiều bệnh nhân trong tình huống khẩn cấp.