Liên tiếp các vụ ngộ độc liên quan sushi
Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) đang tiếp nhận điều trị hàng loạt trường hợp bệnh nhi nghi ngờ ngộ độc thực phẩm.
Theo báo cáo, từ 9h ngày 2/5, Bệnh viện Lê Văn Thịnh có tiếp nhận tổng cộng 15 học sinh từ 4 trường tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức đến cấp cứu với các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm như: ói, sốt, chóng mặt, buồn nôn.
Các học sinh trong nhóm 7-11 tuổi, được chẩn đoán ban đầu là nhiễm trùng đường tiêu hóa.
Đáng chú ý, khi bác sĩ khai thác dịch tễ để truy tìm nguyên nhân gây bệnh, có 10 em học sinh cho biết xuất hiện triệu chứng ói sau khi ăn sushi.
Đầu tháng 4, một học sinh lớp 5 sau khi ăn sushi, uống nước ngọt khoảng 30 phút thì có biểu hiện muốn nôn, sùi bọt mép. Em đã được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong ngoại viện.
Theo thống kê của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, giai đoạn nắng nóng hiện nay là “cao điểm” về ngộ độc thực phẩm.
Ẩn họa những miếng sushi siêu rẻ trước cổng trường
Trên thực tế, nguyên nhân ngộ độc có thể do hóa chất, độc tố tự nhiên của thực phẩm nhưng trên hết vẫn là do vi sinh vật, bởi kiểu thời tiết đặc trưng của mùa hè là điều kiện lí tưởng để các loại vi sinh vật phát triển.
Nhận định về vụ việc này, BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các nguyên liệu cấu thành khiến sushi là một trong những món có nguy cơ cao nhiễm khuẩn, ký sinh trùng. Đặc biệt, nguy cơ sẽ càng cao nếu quá trình chế biến và bảo quản không được tuân thủ nghiêm ngặt.
Trước hết là thành phần cơm trong sushi, BS Thiệu chia sẻ: “Trong cơm chứa hàm lượng gluxit cao cho nên rất dễ bị thiu.
Nếu bạn bảo quản cơm nguội ở nhiệt độ phòng bình thường, hoặc khi cơm bị thiu, sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Lúc này chúng sẽ gây rối loạn tiêu hóa, nặng thì ngộ độc”.
Thành phần có nguy cơ rất cao trong sushi là các loại cá, hải sản sống như: cá hồi, cá ngừ, mực, bạch tuộc…
Cá hồi sống có thể bị nhiễm các loại vi khuẩn và ký sinh trùng khác nhau như Salmonella, Vibrio, Anisakis và Diphyllobothrium.
Cùng với đó, nguyên nhân gây ngộ độc hàng đầu đối với hải sản là các vi khuẩn thuộc nhóm phẩy khuẩn sống trong môi trường nước biển và nước lợ.
“Một trong những loại khuẩn gây bệnh quen thuộc nhất là phẩy khuẩn tả (Vibrio cholerae) gây bệnh tả. Người mắc bệnh tả có biểu hiện lâm sàng là tiêu chảy, nôn nhiều lần nhanh chóng dẫn đến mất nước, mất điện giải. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ diễn tiến trụy tim mạch, suy kiệt và tử vong.
Bên cạnh vi khuẩn tả, các loại hải sản còn có thể chứa Vibrio vulnificus gây ra hiện tượng viêm cân mạc hoại tử”, BS Thiệu phân tích.
Thậm chí ngay cả với các thành phần hải sản đã được nấu chín, nếu không được bảo quản đúng cũng dễ bị nhiễm khuẩn.
BS Thiệu chia sẻ: “Các loại hải sản giàu đạm, nếu không ăn sớm sau khi chế biến sẽ dễ bị vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào và phát triển.
Một số loại hải sản như cá thu, cá ngừ nếu bị nhiễm khuẩn thì thịt cá bị biến thành chất độc Histamine, nếu ăn vào sẽ gây đỏ da, nóng bừng, đau đầu, khó thở…”.
Bên cạnh phẩy khuẩn, hải sản còn là nơi trú ngụ của nhiều loại ký sinh khác như virus viêm gan siêu vi A, giun sán. Nếu ăn hải sản không nấu chín kĩ thì có nguy cơ mắc các bệnh kí sinh trùng, viêm gan A…
Chuyên gia này cũng bày tỏ quan ngại với các loại sushi giá rẻ được bày bán khá phổ biến ở gần khu vực trường học.
“Với các quán cóc, thậm chí là xe đẩy bán hàng, sushi khó có thể được bảo quản đúng cách. Nhiều trường hợp món ăn được bày bán giữa nắng gắt từ sáng đến chiều.
Với thời tiết hiện nay rất dễ dẫn đến hiện tượng nhiễm khuẩn. Đó là còn chưa kể đến vấn đề về nguồn gốc nguyên liệu tạo nên các loại sushi này, khi có giá thành rất rẻ chỉ khoảng 5.000 đồng mỗi miếng”, BS Thiệu phân tích.