Bán thuốc qua thương mại điện tử: Giải pháp nào để hài hòa lợi ích?


Ngày 21/11, theo chương trình của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Dược sửa đổi, bổ sung cho quy định hiện hành (Luật Dược 2016). Những ngày qua, các đại biểu Quốc hội và chuyên gia ngành y, dược đã có nhiều đóng góp, tranh luận xoay quanh nội dung này.

Trong đó, có vấn đề quản lý việc bán thuốc qua phương thức thương mại điện tử (TMĐT) nói chung, bán thuốc kê đơn qua TMĐT nói riêng.

Một số ý kiến cho rằng, hoạt động mua bán thuốc kê đơn online phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro về sức khỏe, khi hiện nay tràn lan việc buôn bán hàng giả, thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng gắn mác thuốc tốt.

Do đó, cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, thậm chí nên chăng cấm hẳn bán thuốc kê đơn qua mạng, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân.

Có nên cấm bán thuốc kê đơn qua TMĐT?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Bà Trần Thị Huyền – Trưởng phòng Pháp chế FPT Retail – đơn vị quản lý chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu cho biết, việc chuyển đổi số, mua hàng qua TMĐT hiện nay là một xu thế.

Bán thuốc qua thương mại điện tử: Giải pháp nào để hài hòa lợi ích? - 1

Người dân đi mua thuốc trực tiếp (Ảnh: Biên Thùy).

Nhu cầu mua thuốc của người dân qua phương thức TMĐT cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Phía FPT Long Châu khẳng định, đơn vị hiểu những quan ngại, nỗi lo của các quan điểm cho rằng cần cấm bán thuốc kê đơn qua phương thức TMĐT. Tuy nhiên, đơn vị này cho rằng, có nhiều khía cạnh bất hợp lý nếu chọn cách cấm, như:

Chưa đồng bộ với chính sách khám bệnh từ xa của Luật khám bệnh, chữa bệnh; Thiếu linh hoạt khi cần sửa đổi để phù hợp với xu thế phát triển công nghệ với tốc độ rất nhanh hiện nay. 

Theo FPT Long Châu, thay vì cấm, cơ quan chức năng và cộng đồng có thể tìm các giải pháp để vừa hạn chế rủi ro, vừa vẫn đáp ứng được yêu cầu của người dân.

“Chúng tôi rất đồng tình với ý kiến của bà Lê Thị Hà – Trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã chia sẻ trong một hội thảo được tổ chức vào tháng 10 vừa qua.

Đó là công nghệ cho phép làm mọi thứ, vấn đề “đặt đầu bài” tới đâu, chúng ta sẽ có cách để làm tới đó”, bà Huyền nói.

Đại diện FPT Long Châu góp ý một số giải pháp có thể áp dụng, đưa vào Luật Dược sửa đổi.

Thứ nhất, nên quy định thêm các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể để một cơ sở được cung ứng thuốc qua phương thức TMĐT phải đáp ứng.

Ví dụ, cơ sở phải định danh được người mua, người bán bằng các tính năng xác thực tương tự như ứng dụng ngân hàng đang sử dụng hiện nay; ghi nhận được lịch sử giao dịch giữa người mua, người bán…

Thứ hai, các cơ quan quản lý công bố công khai, minh bạch danh sách đơn vị cung ứng đủ điều kiện lên các cổng thông tin của ngành y tế, để người dân có thể dễ dàng tiếp cận và lựa chọn các địa chỉ mua thuốc uy tín, tin cậy, tiện lợi.

Cùng quan điểm trên, giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối dược phẩm, vaccine, vật tư y tế có trụ sở ở TPHCM cho biết, thống kê cho thấy, có hơn 79% dân số Việt Nam tiếp cận với internet, trong khi độ tuổi  dân số bình quân Việt Nam cũng khá trẻ.

Việc người dân gia tăng tiếp cận các nền tảng trực tuyến (mua sắm online) là theo xu hướng phát triển nhu cầu xã hội.

Do đó, cơ quan chức năng phải định nghĩa rõ công ty, nhà thuốc kinh doanh hợp pháp theo quy định pháp luật và kinh doanh online, livestream không hợp pháp.

Bên cạnh đó, nhà nước cần quy định cấp phép kinh doanh online (Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược), cũng như ban hành, quản lý danh mục thuốc kê đơn và không kê đơn.

Ở phía cơ quan quản lý, Bộ Y tế, Sở Y tế địa phương cần công bố danh sách các công ty, nhà thuốc đủ điều kiện kinh doanh online; có sự quản lý, giám sát và gia tăng trách nhiệm với các nền tảng dịch vụ hiện đại.

Bán thuốc qua thương mại điện tử: Giải pháp nào để hài hòa lợi ích? - 2

Nhà thuốc tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM (Ảnh: Biên Thùy).

Bên cạnh đó, vai trò của giáo dục nhận biết của người tiêu dùng rất quan trọng. Cần có các biện pháp truyền thông ở nhiều phương tiện đại chúng, để người dân có kiến thức và ý thức mua đúng công ty, nhà thuốc, mua hàng phải có hóa đơn giá trị gia tăng…

“Chúng ta quản lý chặt chẽ các yếu tố trên sẽ nhận những điều tích cực của xã hội, như giảm tỷ lệ hàng hóa không có nguồn gốc, kém chất lượng; dễ dàng so sánh giá giúp thị trường tự giám sát và tự điều chỉnh giá phù hợp; tiết kiệm thời gian; có hệ dữ liệu minh bạch, dễ thống kê, phân tích”, vị giám đốc phân tích.

Quản lý tốt sẽ an toàn, hiệu quả hơn mua thuốc trực tiếp

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm phân tích, việc quản lý thuốc kê đơn mua tại nhà thuốc, cơ sở khám chữa bệnh hoặc mua qua mạng có bản chất giống nhau, khi đều mua thuốc trong danh mục, có toa thuốc từ bác sĩ được cấp phép khám và kê đơn.

Hiện tại, ở một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, bệnh nhân đã được tư vấn, khám bệnh trên các nền tảng ứng dụng khám sức khỏe online có sự cấp phép của cơ quan quản lý y tế. Sau khi khám sàng lọc đánh giá và bệnh nhân các đủ điều kiện, bác sĩ cho toa sẽ gửi mã toa thuốc.

Từ đó, bệnh nhân đến nhà thuốc quét mã mua thuốc, hoặc trình mã đơn đẫ yêu cầu nhà thuốc giao thuốc. Bệnh nhân cũng được tư vấn 24/7 về việc sử dụng thuốc, theo dõi, cập tình trạng sức khỏe trên các app có khai báo đúng tiêu chuẩn.

Vị trên đề nghị, hệ thống quản lý thuốc kê đơn online cần có sự đồng bộ toàn diện. Thứ nhất, đồng bộ danh sách cơ sở khám chữa bệnh, bác sĩ được khám và kê toa online. Thứ hai, quản lý đơn thuốc điện tử. Thứ ba, đồng bộ hệ thống truy cập liên thông toa thuốc đến các công ty, nhà thuốc doanh nghiệp kinh doanh dược.

Bán thuốc qua thương mại điện tử: Giải pháp nào để hài hòa lợi ích? - 3

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bán thuốc qua môi trường điện tử nếu quản lý tốt sẽ đảm bảo an toàn và hiệu quả (Ảnh minh họa: techmoss).

Dễ dàng truy xuất đường đi của hàng hóa

Theo phân tích, thực tế, việc bán thuốc qua môi trường điện tử nếu đáp ứng đầy đủ các giải pháp quản lý sẽ an toàn và hiệu quả hơn hoạt động mua thuốc tại nhà thuốc hiện nay.

Thực tế hiện nay, hầu hết người bệnh không thể ra nhà thuốc trực tiếp mua mà nhờ người nhà mang toa đi mua. Trong khi đó, thân nhân bệnh nhân hầu hết không nắm được tình trạng của người bệnh, còn các nội dung tư vấn của dược sĩ không đến trực tiếp được người bệnh mà phải truyền tải qua trung gian.

Việc người bệnh trực tiếp gửi đơn thuốc qua ứng dụng chuyên biệt cho nhà thuốc, dược sĩ gọi điện tư vấn trực tiếp cho họ và sau đó giao thuốc đến tận tay, đúng địa chỉ người bệnh, cũng như hướng dẫn cách sử dụng thuốc đầy đủ chắc chắn sẽ hiệu quả hơn về tư vấn. Qua đó, giúp người bệnh tuân thủ điều trị tốt hơn.

Đặc biệt, nếu trong tình huống có sự cố ngoài ý muốn, việc truy xuất đường đi của hàng hóa sẽ đơn giản và chính xác hơn rất nhiều. Tất cả các “điểm chạm” nêu trên nếu thực hiện qua môi trường điện tử sẽ minh bạch và dễ dàng kiểm soát cho các cơ quan chức năng hơn rất nhiều.

Chúng tôi ví dụ, nội dung tư vấn có thể được ghi âm, vận chuyển thuốc có thể theo dõi hành trình chi tiết, việc giao nhận thuốc với người bệnh có đối chiếu qua hình ảnh, ký tá xác nhận về số lượng, chất lượng và lưu giữ bằng chứng trên môi trường điện tử.

Do đó, nếu phục vụ truy xuất vài tháng sau đó vẫn khả thi”, vị này chia sẻ.

Trong lần chia sẻ gần đây tại tọa đàm “Thương mại điện tử và dược phẩm – xu hướng, thách thức và giải pháp” do báo Dân trí tổ chức, tiến sĩ Đào Hà Trung- Chủ tịch hội Công nghệ cao TPHCM cũng cho rằng các công nghệ tiên tiến có thể áp dụng quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng thuốc, thậm chí từ lúc nghiên cứu, đến khi nộp hồ sơ, cho đến kê đơn cho bệnh nhân đều có thể áp dụng công nghệ tiên tiến để ghi nhận, xác thực.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *