Sáng 27/10, các cổ động viên và thành viên ban tổ chức đứng tại vạch đích của giải Long Biên Marathon từ ngạc nhiên nhanh chóng chuyển sang phấn khích, khi trông thấy người đầu tiên của cự ly Half Marathon (21km) đang phăm phăm về đích lại là một chân chạy “lạ hoắc”, mà không phải bất cứ ai trong cộng đồng elite (các vận động viên ưu tú).
Xé băng khi đồng hồ điểm 1 giờ 16 phút 46 giây, người đàn ông dong dỏng cao, đen nhẻm, gương mặt chất phác cười giòn tan trong tiếng cổ vũ, hò reo của hàng chục người.
Trên bảng xếp hạng thành tích Marathon Việt Nam, cái tên Trần Tư Pháp xuất hiện ở vị trí thứ 79, hạng mục Half Marathon.
Những người trong cộng đồng runner (VĐV chạy bộ) tò mò tìm thông tin của Pháp trên các nền tảng mạng xã hội lại được thêm một bất ngờ khác, khi biết nhà vô địch này là một anh nông dân nghèo “chính hiệu” ở vùng núi Tuyên Quang.
Chỉ một ngày sau chức vô địch gây xôn xao giới cuồng chân, Trần Tư Pháp lại được cộng đồng mạng nhận diện với bộ quần áo bảo hộ, mặt lấm lem tay thoăn thoắt bẻ ngô trong livestream trên trang cá nhân của mình.
Nương ngô, vườn chanh, mấy cọc thanh long cũng chính là cả cơ nghiệp của anh Pháp cũng như bà con thôn 6 Minh Phú, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.
Theo ông Vũ Văn Sỹ, Chủ tịch xã Yên Phú, đây là một trong 6 thôn đặc biệt khó khăn của xã. Người dân trong thôn chủ yếu sống bằng nghề nông lâm nghiệp.
Từ Km47, Quốc lộ 2 đi sâu vào bên trong theo con đường nhỏ thêm khoảng 2km, chúng tôi tới được nhà anh nông dân Trần Tư Pháp.
Để trang trải kinh tế gia đình, vợ Pháp đi làm công nhân ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, mỗi tháng chỉ về được 2 ngày. Người đàn ông một mình gà trống nuôi 2 cậu con trai (đứa lớn là Trần Duy Long, 13 tuổi, cậu em là Trần Duy Hưng, 9 tuổi).
5h30, khi mặt trời vừa hửng sáng ở đằng Đông cũng là lúc một ngày mới của 3 bố con bắt đầu.
Trên chiếc xe máy cà tàng, anh Pháp chở hai con lên trường xã học, rồi lại ngược về đi làm công đến trưa.
“Ở thôn có ai gọi gì là tôi làm nấy, hôm thì cắt cỏ, hôm lại phun thuốc bảo vệ thực vật”, anh Pháp kể.
Ca sáng thường kết thúc lúc 11h30, anh chạy ù về nhà lo cơm nước trước khi đi đón con. Xong bữa trưa, người đàn ông cũng chỉ kịp rửa chén bát, xong lại tất bật đưa 2 con lên lớp rồi đi làm công.
Cứ khoảng 2 tuần một lần, anh Pháp lại không nhận công ca chiều để lên vườn cam chanh của mình chăm bón.
Mảnh vườn rộng khoảng 3 sào nằm tít trên đỉnh đồi cách nhà khoảng 4km.
100 gốc chanh và vài cây cam (anh trồng xen vào lấy quả cho các cháu) được Pháp gọi là tài sản giá trị nhất của mình, đánh đổi bằng những năm tháng rong ruổi trên cung đường Yên Bái – Hà Giang.
“Trước đây, cứ 3h là tôi lại lọ mọ sang Yên Bái để bắt lợn rồi mang lên Hoàng Su Phì, Hà Giang đem bán. Nhiều năm bươn chải đến 2019 tôi mới tích cóp đủ để mua được mảnh đất này”, anh nông dân giọng đầy tự hào khi kể về mảnh đất cơ nghiệp được gây dựng từ hai bàn tay trắng.
Men theo triền đồi dốc, Pháp thoăn thoắt chọn những quả chanh vừa tới lứa để thu hoạch. Chiếc xô mang theo dần được lấp đầy bởi những quả chanh to, tròn, căng bóng báo hiệu cho một năm được mùa.
“Tôi có khoảng 50 gốc chanh đã cho thu hoạch 5-6 tạ mỗi vụ. Năm nay vừa được mùa lại được giá”, vừa nói, Pháp vừa lấy tay quệt chiếc trán đẫm mồ hôi sau gần một tiếng phơi mình dưới nắng.
Thu được non nửa vườn, Tư Pháp lại chọn một phần đất bằng phẳng hiếm hoi dưới gốc chanh, đặt chiếc điện thoại ngay ngắn, bắt đầu livestream. Một thói quen mới có từ vài tháng trở lại đây.
– Lại là anh nông dân bán chanh anh em nhé!
– Chanh vụ này xanh và mọng lắm, mọi người mua thì nhắn tin cho mình.
…
Những buổi livestream vừa là niềm vui mới khi được kết nối với bạn bè bốn phương, vừa hỗ trợ Pháp tìm đầu ra cho nông sản. Nhờ lần livestream trước, anh kết nối được với một thương lái chỉ cách nhà chưa đến 10km bao tiêu cả tạ chanh.
Đọc được lời hỏi thăm của một chân chạy mới quen từ giải Long Biên, Pháp phấn khởi hẹn ngày tái đấu: “Đam mê không quên nhiệm vụ em ạ. Sau đam mê anh lại về với nghề của anh, lại là người nông dân hái chanh đi bán. Hẹn gặp lại anh em tháng 11 nhé”.
Giữa núi đồi vùng quê nghèo Tuyên Quang, tiếng cười nói của người nông dân hòa cùng ve, dế vang lên một góc.
Một khoảng tường còn nguyên màu xi măng của phòng khách nhà anh nông dân người Tày treo kín những tấm huy chương và giải thưởng về chạy bộ.
Lạ lẫm với giới chạy bộ ở Thủ đô, thế nhưng tại quê nhà Tuyên Quang, Trần Tư Pháp lại là cái tên chuyên “đứng bục” trong các giải chạy. Thậm chí có một giai đoạn dài, Pháp cứ thi là nhất.
Năng khiếu chạy bộ của Pháp được giáo viên dạy thể dục phát hiện ra từ cấp 2. Cuối lớp 9 (2001), Pháp được cô giáo đưa đi thi chạy giải 7km ở huyện và về đích ở vị trí thứ 7.
Một năm sau, Pháp tiếp tục đi thi huyện sau khi đạt giải nhất ở trường. Lần trở lại này, cậu học sinh lớp 10 giành thứ hạng cao nhất. Tiếp đà thắng, Pháp giành luôn giải nhất ở kỳ thi của tỉnh Tuyên Quang.
Phong độ ổn định, trong 3 năm học cấp 3, Pháp luôn là người nhất ở cự ly chạy 7km do tỉnh tổ chức.
Anh nông dân thật thà nhận năng khiếu chạy của mình có lẽ là do sinh ra trong gia đình nghèo khó.
“Từ khi học cấp 2, sáng đi học chiều tôi lại đi gánh gạch thuê. Thứ 7 chủ nhật được nghỉ thì vào rừng lấy măng, khi thì băm dăm cho chỗ làm giấy. Có lẽ do vậy mà thể lực của tôi cũng được cải thiện”, Pháp nhớ lại.
Học hết cấp 3, Trần Tư Pháp không lên đại học mà ở nhà làm công phụ giúp gia đình. Đam mê vẫn cháy bỏng. Cứ được gọi đi chạy, anh nông dân lại sắp xếp công việc để lên đường.
“Nói về chạy bộ, Pháp là một người rất nhiệt tình, trách nhiệm và hăng say. Trung bình mỗi năm ở xã có một giải chạy, huyện có một giải chạy, Pháp luôn là “hạt giống” của đội. Cậu không nề hà gì, dù có việc bận cũng cố gắng sắp xếp để tham gia, đóng góp cho phong trào của địa phương”, Chủ tịch xã Yên Phú Vũ Văn Sỹ nhận định.
Chỉ vài năm trước, người dân trong thôn vẫn hiếu kỳ khi cứ đến chiều lại thấy anh nông dân Trần Tư Pháp chạy qua trước cửa.
“Cái ông này đi làm suốt ngày mà về nhà còn chạy không biết mệt à?”, là câu hỏi Pháp thường xuyên nghe.
Con đường nhỏ trước mặt nhà đi sâu vào bên trong, uốn lượn theo những triền đồi, vắt qua các ruộng lúa, nương ngô cũng chính là nơi tôi luyện nên nhà vô địch Trần Tư Pháp.
Con đường “không chuyên dụng” xen lẫn giữa bê tông, đất đỏ, đá trắng.
Những buổi tập đầu, chân chạy này mò mẫm vào các ngóc ngách trong bản xa, tự vẽ cho mình các cung đường tập 5km, 10km rồi 21km.
“Từ nhà vào đến hồ sinh thái là 2,5km, khép vòng đủ 5km. Xa hơn là vào sâu trong rừng cọ, lên đồi rồi vòng về là hơn 10km. Để chạy 21km tôi có nhiều cung hơn.
Từ chỗ tôi sang nhà bố mẹ vợ là 12,22km hoặc có thể mở rộng cung 10km ra quốc lộ 2 hay chạy xuống thị trấn”, Pháp mô tả, nói vui rằng nhờ vẽ bản đồ chạy mà giờ biết đủ mọi ngóc ngách trong thôn.
Quần đùi, áo số, chân đất, Pháp cứ thế là chạy. Anh nói đã quen chạy chân đất từ sớm vì giày bata chỉ vài kilomet là đã bức bí, về phồng rộp hết cả chân còn giày thể thao chuyên dụng thì bằng “cả chục ngày công” sao mà mua.
Đồng hồ thể thao của Pháp là sự tự cảm nhận của anh về nhịp thở, nhịp tim. Giáo án chạy chính là những bài học tự rút ra từ buổi chạy trước: Đoạn nào tăng tốc, đoạn nào giảm tốc, xuống dốc thế nào, leo dốc làm sao cho đỡ mệt…
Vì thế mà khi có cơ hội tham gia các giải chạy chuyên nghiệp, anh nông dân tưởng mình như lạc vào thế giới khác.
Giải 21km đầu tiên Pháp tham gia là ở Hà Giang vào năm 2017. Nhìn thấy các runner ngậm ống uống nước mang theo, anh thắc mắc: “Quái lạ sao đi chạy lại thở oxy”.
Lại có lần chạy giải ở Đền Hùng, Pháp loay hoay không biết đã đến cây số bao nhiêu để còn phân phối sức, phải đến khi thấy tấm phù điêu quen thuộc mới biết mình sắp về đích.
“À lôi! Sao chạy mà phức tạp thế”, Pháp thốt lên khi được các chân chạy ở dưới xuôi nói về gel, muối, điện giải cho đến ty tỷ các thuật ngữ bằng tiếng Anh (“À lôi” là câu cảm thán đặc trưng của người Tày gần nghĩa với “Trời ơi”).
Hành trình từ đồi nương ra “biển lớn” tạo kỳ tích của Trần Tư Pháp được gom góp từ đôi giày, chiếc đồng hồ, bộ áo quần thể thao, bib, viên muối, gói gel cho đến những bài học vỡ lòng về chạy… của những anh chị em cùng đam mê.
Tại giải chạy “Mỗi bước chân một tấm lòng” do Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Tuyên Quang tổ chức 21/4/2021, Trần Tư Pháp gặp gỡ anh Trần Mạnh Cường – Chủ tịch CLB chạy Tuyên Quang Runners (TQR).
Nhận thấy tài năng và niềm đam mê của chân chạy này, anh Cường mời Pháp gia nhập CLB. Đây là bước ngoặt để Pháp có thể “chuyển mình” trở thành một vận động viên chuyên nghiệp.
Anh Cường ví Tư Pháp như một viên kim cương thô, có tố chất rất tốt, nhưng để ra “sân chơi lớn”, cần trải qua nhiều lần mài dũa.
Là quán quân của hàng loạt các giải chạy nhưng với mục tiêu mới, Pháp phải học lại từng bài học của người mới nhập môn.
“Nhịp 1-2, 2-4 là gì, cách lấy và uống nước trên đường chạy, cách bấm đồng hồ, đọc tracklog…, các anh chị trong CLB dạy cho tôi từng chút một”, anh nói.
Để đam mê của anh nông dân không bị vùi lấp bởi gánh nặng cơm áo gạo tiền, các thành viên trong CLB TQR hỗ trợ cho Pháp tối đa về mặt vật chất khi anh tham gia giải chạy.
“Các anh chị em hỗ trợ cho tôi mọi thứ, từ bib, đồng hồ thể thao, giày chạy cho đến chuyện ăn ngủ, đi lại, lo các thủ tục khi đi thi giải. Từ khi vào CLB đến nay, tôi đã tham gia 8 giải chạy và đều chỉ phải đi xe máy xuống thành phố Tuyên Quang, còn lại mọi người lo hết”, Tư Pháp chia sẻ, bày tỏ bản thân khó có thể đạt thành tích như hiện tại nếu không có sự đồng hành, san sẻ của CLB.
Đến nay, dù bận đến mấy, cứ mỗi tháng 2 lần, Pháp lại lái xe máy về thành phố Tuyên Quang để được hòa nhịp chân cùng đồng đội. Họ có với nhau một lời hẹn sẽ cùng chạy từ thành phố về nhà anh nông dân như một giải Marathon nội bộ.
3 năm sinh hoạt trong TQR và kho kinh nghiệm tích lũy được qua những giải Marathon chuyên nghiệp giúp chân chạy này dần có đủ độ “chín”, để tỏa sáng tại Long Biên.
Tờ mờ sáng ngày 27/10, trên vạch xuất phát của pen 2 giải Long Biên Marathon, Trần Tư Pháp hít một hơi thật sâu chờ tiếng còi báo hiệu của ban tổ chức.
3 ngày trước khi giải chạy khởi tranh, anh vẫn đang miệt mài phát cỏ, phun thuốc thuê cho vườn cây của một người trong thôn. Khoảng thời gian ít ỏi còn lại, Pháp dành để chạy tập với cự ly 10km.
4h25, hiệu lệnh xuất phát của ban tổ chức đã khiến cả một góc phố như bùng nổ, khi hàng nghìn con người hồ hởi cất những bước chân đầu tiên cho hành trình thách thức ý chí và giới hạn của bản thân.
Với pace 3,22-3,24 (3,22-3,24 phút/km), Pháp nhanh chóng bắt kịp các chân chạy elite được ưu tiên xuất phát ở pen một và vươn lên dẫn đầu chỉ sau 1km đầu tiên.
Rút kinh nghiệm từ các giải trước thường bị hụt hơi về cuối, do xuất phát với tốc độ cao, anh dần kìm chân và duy trì ở một tốc độ đủ nhanh để giữ khoảng cách an toàn với các đối thủ.
Qua 3km đầu, Pháp đưa tốc độ của mình về pace 3,32-3,34. Sau khoảng 13 phút, anh bắt đầu leo dốc để lên đê. Runner này thu nhỏ bước, đồng thời tăng guồng chân lên. Kỹ thuật này, theo anh, giúp lên dốc vẫn duy trì được tốc độ mà lại đỡ mỏi chân. Ngược lại, khi xuống dốc, anh lại tăng độ sải, để chân được nghỉ ngơi nhiều hơn.
Uống nước cũng là một bài học mới với anh nông dân này. Trước đây trong những lần tập chạy ở quê nhà, kể cả với cự ly 21km, Pháp không hề uống nước trong lúc chạy. Do đó, khi chạy giải, anh nhiều lần đau quặn bụng vì chưa quen cách tiếp nước tại trạm.
“Tại giải Long Biên, tôi học cách lấy nước dội vào 2 bên người cho cơ thể dịu đi rồi mới uống, thấy dễ chịu hơn hẳn”, anh kể.
Đến km12, pace duy trì 3,31 nhưng vẫn cảm thấy khỏe, Pháp cười thầm khi biết chiến lược kìm tốc độ giai đoạn đầu đã phát huy tác dụng.
“Những lần trước xuất phát nhanh nên cứ đến đoạn này là đuối. Nay vẫn chưa xi nhê gì là tôi chắc mẩm lần này ngon rồi”, chân chạy hào hứng.
Nửa cuối của chặng đua là lúc các runner giảm hẳn tốc độ vì đuối sức. Thế nhưng bước chân của Trần Tư Pháp vẫn tràn đầy năng lượng như những kilomet đầu tiên. Theo ghi nhận từ đồng hồ, pace trung bình của anh trong giải này là khoảng 3,35.
Vạch đích và tiếng hò reo dần xuất hiện ở phía xa cũng là lúc đồng hồ báo km21. Anh nông dân vỡ òa trong suy nghĩ “Vợ ơi hôm nay thắng rồi”.
Gần 100m cuối, Pháp nói mình như bước trên mây.
Vượt qua các elite và những cái tên có “số má” trong các câu lạc bộ chạy lớn tại Hà Nội, anh nông dân Tày Trần Tư Pháp, trở thành người đeo tấm huy chương vô địch chung cuộc cự ly Half Marathon.
Những ngày này, thôn 6 Minh Phú rộn ràng hơn. Người hay đọc báo, xem thời sự xôn xao chuyện anh Pháp gần nhà văn hóa thôn vô địch giải chạy, được lên TV.
“Chuyến này Pháp thành người nổi tiếng rồi”, họ kháo nhau.
Trở về từ phố thị, 24 giờ mỗi ngày của Pháp vẫn vậy, như cách anh giới thiệu về mình trên những buổi livestream lên nương, có thêm nhiều “khán giả” cách xa hàng trăm cây số: “Lại là anh nông dân mê chạy bộ đây cả nhà ơi”.
17h30, làm vườn về, Trần Tư Pháp cắm vội nồi cơm, khoác lên mình bộ đồ chạy. Người đàn ông vừa làm bố, vừa làm mẹ của hai con tận hưởng trọn vẹn khoảng thời gian hiếm hoi dành cho riêng mình.
Người già và trẻ con sâu trong bản Tày, bản Dao giờ cũng đã quen với hình ảnh anh nông dân chạy bộ, thỉnh thoảng lại dẫn thêm vài ba người chạy cùng.
Pháp khoe nhờ chạy bộ mà những vấn đề sức khỏe do lao động nặng nhọc gây ra đã giảm hẳn.
“Trước đây tôi đi chụp X-quang, đốt sống I và II như dính vào nhau. Nhiều hôm đi làm tê hết từ mông đến chân. Thế nhưng từ ngày duy trì chạy đều, máu lưu thông tốt dễ chịu hơn hẳn”, anh nói.
Những bước chạy cũng giúp anh nông dân mở mang về thế giới bên ngoài lũy tre làng.
Pháp kỳ vọng cuối năm nay sẽ chinh phục cự ly Full Marathon với thời gian dưới 3 tiếng và xa hơn là một mục tiêu, mà anh mới đặt ra từ sau chức vô địch tại Long Biên: Có tên trên bảng vàng Marathon Việt Nam.
Để tỏa sáng ở “sân chơi lớn” đương nhiên không chỉ cần mỗi bản năng. Thế nhưng chuyến “ra khơi” của anh nông dân cuồng chân này chỉ mới bắt đầu.
19/11/2024 – 06:41