Bệnh viện “không giấy” chữa bệnh… sợ khám


“Kính mời khách hàng N.H.G., số thứ tự dự kiến 13, mã 973…, 08h30, ngày 1/4/2024, tới phòng khám tai mũi họng – 404…”, đoạn tin nhắn gửi chỉ vài phút sau khi đặt lịch khám qua ứng dụng điện thoại, giúp chị N.H.G., 35 tuổi, sống tại Hà Nội trong tích tắc giải quyết loạt thủ tục phiền hà.

Bệnh viện không giấy chữa bệnh… sợ khám - 1

“Trước đây, mỗi lần có bệnh phải đi khám đối với tôi như đi “đánh trận”. Tôi phải lên viện xếp hàng lấy số thứ tự từ sáng sớm. Sau đó, đi bàn này, bàn kia làm thủ tục. Bên cạnh đó là thời gian chờ để đến lượt cũng cả tiếng đồng hồ”, chị G. chia sẻ, nói thêm rằng, hôm nào xác định đi khám là phải xin nghỉ phép nguyên cả buổi sáng.

Bệnh viện không giấy chữa bệnh… sợ khám - 2
Bệnh viện không giấy chữa bệnh… sợ khám - 3

8h tại cơ sở Cầu Giấy của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Số 10 Trương Công Giai, Dịch Vọng), chị G. đến theo lịch hẹn. Không cần lấy phiếu, không cần mua sổ khám bệnh hay qua bàn tiếp đón, người phụ nữ này trực tiếp lên tầng 4, chờ đến số thứ tự của mình để vào khám.

2 năm trở lại đây, khi Bệnh viện Đại học Y Hà Nội triển khai hệ thống đặt lịch khám online, cách đi khám “nhàn tênh” như chị G. trở nên quen thuộc với nhiều bệnh nhân.

Bệnh viện không giấy chữa bệnh… sợ khám - 4

Theo ThS.BS Đỗ Thu Trang, Phó trưởng phòng khám đa khoa Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở Cầu Giấy, việc triển khai đặt lịch khám cho bệnh nhân, thông qua ứng dụng của bệnh viện hoặc qua số điện thoại hotline, giúp đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, đặc biệt là tiết kiệm thời gian.

“2 năm qua, đặt lịch khám trực tuyến đã được triển khai trên toàn bộ cơ sở bệnh viện. Đáng chú ý, trong một năm trở lại đây, bệnh nhân sau khi đặt lịch có thể lên thẳng phòng khám chờ đến lượt mà không cần qua quầy tiếp đón”, BS Trang cho hay.

Bệnh viện không giấy chữa bệnh… sợ khám - 5

Cùng với đặt lịch khám trực tuyến, việc triển khai 100% bệnh án điện tử và sổ khám bệnh điện tử tại cơ sở y tế này, người dân có thể đi khám và nhận kết quả hoàn toàn… “không giấy”.

“Mỗi bệnh nhân có một mã số riêng. Thông qua đó, bác sĩ và bệnh nhân có thể truy cập hồ sơ khám để xem kết quả, phim chụp của bất kỳ lần khám nào. Đương nhiên, với các bệnh nhân có nhu cầu, chúng tôi vẫn sẽ cung cấp bản cứng như: phiếu khám bệnh, kết quả khám, phim chụp”, BS Trang thông tin.

Bệnh viện không giấy chữa bệnh… sợ khám - 6

Mắc nhiều bệnh nền từ gout, tiểu đường cho đến cao huyết áp, trước đây, mỗi lần đi khám được ông Quang (tên nhân vật đã được thay đổi), 70 tuổi, sống tại Hà Nội mô tả như cực hình.

“Mỗi tháng tôi phải đi khám một lần. Trước đây, mỗi lần đi đều phải đem theo cả tập hồ sơ bệnh án dày cộp, để bác sĩ xem lại kết quả, chỉ định thuốc, các chỉ số sức khỏe để ra y lệnh.

Tuổi cao, ở viện đông đúc nên việc cầm theo đống giấy tờ rất mệt mỏi. Thêm vào đó, trong quá trình lưu trữ tại nhà đôi khi lại thất lạc giấy tờ”, ông Quang nói.

Bệnh viện không giấy chữa bệnh… sợ khám - 7

Bên cạnh nhập mã số bệnh nhân hoặc số điện thoại bệnh nhân dùng để đăng ký, y bác sĩ có thể kiểm tra hồ sơ khám bệnh qua việc quét mã vạch trên phiếu khám.

Với bệnh nhân có sử dụng ứng dụng của bệnh viện, việc này càng tiện lợi hơn khi thông tin của tất cả các lần khám tại viện đều được lưu trữ trên đó. Thay vì tập hồ sơ bệnh án, bệnh nhân chỉ cần một chiếc điện thoại.

Bệnh viện không giấy chữa bệnh… sợ khám - 8
Bệnh viện không giấy chữa bệnh… sợ khám - 9

“Số hóa hồ sơ bệnh án đặc biệt có lợi cho bệnh nhân mắc bệnh mãn tính vì họ cần đi khám nhiều và bác sĩ cũng cần tra cứu nhiều thông tin về bệnh sử xem diễn biến bệnh thế nào, đơn thuốc cũ.

Ngoài ra, các kết quả thăm khám được lưu trữ trực tuyến sẽ giúp tránh tình trạng thất lạc giấy tờ. Khi người dân đi du lịch không may mắc bệnh sẽ rất thuận tiện cho cả bệnh nhân và bác sĩ, tối ưu hiệu quả điều trị”, BS Trang phân tích.

Bệnh viện không giấy chữa bệnh… sợ khám - 10

Theo ghi nhận thực tế, nhu cầu khám sức khỏe, tầm soát bệnh lý định kỳ của người dân đã gia tăng mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây.

“Riêng tại cơ sở Cầu Giấy, mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận trung bình 200 lượt bệnh nhân đến thăm khám. Trong số này, có đến gần một nửa là các bệnh nhân nội soi đường tiêu hóa để tầm soát ung thư. Bên cạnh đó, cũng có nhiều bệnh nhân đến theo dõi định kỳ các bệnh lý mãn tính”, BS Trang cho hay.

Việc ứng dụng chuyển đổi số đơn giản hóa thủ tục khám bệnh giúp giải quyết tình trạng bệnh nhân “ngại” khám, rồi tự đi mua thuốc. Đây vốn là thực trạng rất nhức nhối ở Việt Nam dẫn đến nhiều hệ lụy như kháng kháng sinh, uống sai thuốc khiến bệnh nặng hơn…

Ảnh: Mạnh Quân


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *