Mất mạng vì tin quảng cáo “nổ” về An Cung Ngưu Hoàng
Đang ngồi trong nhà, người phụ nữ lớn tuổi bất ngờ kêu đau ngực, mệt mỏi rồi lịm dần.
Thay vì đưa đến bệnh viện, người nhà nghĩ rằng, bà bị đột quỵ nên nhanh chóng cho uống An Cung Ngưu Hoàng được trữ sẵn trong nhà (sản phẩm được quảng cáo giúp phòng và chữa đột quỵ).
Tuy nhiên tình trạng của nữ bệnh nhân không những không cải thiện mà càng xấu dần đi.
Một lúc sau, người nhà mới quyết định đưa người phụ nữ vào bệnh viện thì bà đã ngừng tim và tử vong.
Đây là một trường hợp bệnh nhân mà ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam nhiều lần dùng hai từ “tiếc nuối” khi chia sẻ. Chỉ vì thiếu kiến thức, tin vào “quảng cáo nổ” của người bán hàng, không chỉ bệnh nhân này, mà nhiều người đã phải trả cái giá rất đắt.
“Với bệnh nhân đột quỵ thời gian là vàng. Khi bệnh nhân có dấu hiệu của đột quỵ, điều quan trọng nhất là phải gọi cấp cứu càng sớm càng tốt, sau đó tiến hành sơ cứu cho bệnh nhân.
Thế nhưng tin vào công dụng thần kỳ được quảng cáo của An Cung Ngưu Hoàng, người nhà lại chăm chăm cho bệnh nhân uống, bỏ qua hết các vấn đề còn lại. Đến khi nhận ra tính chất nghiêm trọng của sự việc thì đã quá trễ”, BS Mạnh cho hay.
Bên cạnh bỏ lỡ thời gian vàng điều trị, việc xử trí bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ bằng An Cung Ngưu Hoàng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo BS Mạnh, An Cung Ngưu Hoàng thường được giải thích giúp phòng chống đột quỵ bởi đặc tính làm tan cục máu đông, giúp thông lại mạch máu.
Tuy nhiên, BS Mạnh cho biết, ngoài đột quỵ nhồi máu não do cục máu đông, còn có nhiều nguyên nhân khác gây đột quỵ
“Một dạng khác phổ biến là đột quỵ do xuất huyết não, xảy ra khi mạch máu não bị vỡ do bất kỳ nguyên nhân nào. Trong trường hợp này, uống An Cung Ngưu Hoàng khiến máu không cầm được lại càng nguy hiểm hơn cho bệnh nhân”, BS Mạnh cảnh báo.
Chuyên gia này cũng nêu bất cập liên quan liều lượng khi sử dụng. Theo ông, một người nặng 80kg không thể dùng chung liều lượng với một người 40kg. Nếu uống quá liều, sau khi tiêu được sợi huyết, lại tiếp tục gây chảy máu trong não. Như vậy bệnh nhân lại chuyển từ đột quỵ do nhồi máu não sang xuất huyết não.
Trên các nền tảng mạng xã hội, không khó để bắt gặp quảng cáo bán An Cung Ngưu Hoàng với những từ có cánh như “viên uống chống đột quỵ”, “thuốc phòng đột quỵ”…
Với tác dụng tan cục máu đông, ổn định huyết áp, người bị cao huyết áp lâu năm nên dùng 2 viên mỗi năm để phòng đột quỵ”, thông tin trong một bài quảng cáo sản phẩm An Cung Ngưu Hoàng.
Đáng chú ý, nhiều người bán còn khẳng định các gia đình nên cất trữ sản phẩm này để xử trí khi người thân không may bị đột quỵ.
“Sử dụng để hỗ trợ cấp cứu người tai biến, đột quỵ, hạn chế di chứng về sau”, thông tin được in đậm trong bài đăng bán hàng ở một nhóm chung cư.
“Người dân hiểu sai bản chất về đột quỵ nên tự đặt mình vào nguy hiểm khi tin vào các quảng cáo không đúng sự thật về An Cung Ngưu Hoàng”, BS Mạnh cảnh báo.
Nữ bệnh nhân kể trên không phải là trường hợp cá biệt. Tháng 8 vừa qua, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận người đàn ông 50 tuổi bị chảy máu não trầm trọng sau khi dùng An Cung Ngưu Hoàng chữa đột quỵ.
Trước thời điểm vào viện khoảng một giờ, bệnh nhân đột ngột đau đầu, nôn, nói khó, liệt nửa người trái, đo huyết áp 200/120 mmHg.
Người nhà bệnh nhân cho biết, khi xuất hiện các biểu hiện trên đã tự đánh giá rằng bệnh nhân bị đột quỵ não, nên tự cho uống An Cung Ngưu Hoàng có xuất xứ ở nước ngoài.
Tuy nhiên, sau uống thuốc, các triệu chứng có biểu hiện nặng hơn, bệnh nhân được người nhà đưa vào cấp cứu.
BS Phạm Duy Hoàng, Khoa Cấp cứu cho biết, kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não dựng hình mạch máu não (CTA) cho thấy, hình ảnh xuất huyết não vùng nhân xám trung ương phải, không có bất thường mạch máu não.
Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa Khoa Đức Giang cũng từng tiếp nhận một bệnh nhân nam 76 tuổi có tiền sử tăng huyết áp.
Trước khi vào viện 7 ngày, bệnh nhân nghe quảng cáo tác dụng kỳ diệu của “thần dược” An Cung Ngưu Hoàng trong việc dự phòng tai biến đã uống 2 viên, sau uống bệnh nhân mệt mỏi dần, ăn uống kém, tiểu ít, nhịp tim chậm, hoa mắt chóng mặt.
Gia đình lập tức đưa vào bệnh viện cấp cứu tại khoa Nội Tim mạch với chẩn đoán: Suy thận cấp, tăng Kali huyết/ Suy tim, tăng huyết áp, mà nguyên nhân suy thận cấp nghi ngờ do tác dụng phụ của thuốc An Cung Ngưu Hoàng gây ra.
Bong tróc da toàn thân vì dùng 7 loại thực phẩm chức năng
Bệnh viện Da Liễu TPHCM từng cứu sống một trường hợp mắc hội chứng Lyell rất nặng, tiên lượng tỷ lệ tử vong đến 50%. Nguyên nhân cũng đến từ thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
Bệnh nhân là chị V.T.H. (25 tuổi, Lâm Đồng) đến bệnh viện khám trong tình trạng cơ thể mệt, da xuất hiện các ban đỏ, bóng nước và vết trợt chiếm hơn 60% diện tích cơ thể, kèm theo tổn thương niêm mạc mắt, miệng, mũi…
Đáng chú ý, khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết có bệnh vảy nến, được người quen giới thiệu một số loại thực phẩm chức năng để điều trị, tăng cường sức đề kháng, làm đẹp da, thải độc tố… nên đã mua cả bộ 7 sản phẩm, với giá gần 5 triệu đồng.
Sau khi sử dụng khoảng 5-7 ngày, bệnh nhân xuất hiện các nốt ban nhỏ nhưng được người bán trấn an rằng, sản phẩm đang phát huy tác dụng thải độc.
Đến ngày thứ 18, trong miệng cô gái xuất hiện nhiều mụn nước, cơ thể mệt mỏi, sốt li bì và xuất hiện nhiều vết lạ trên da… Tưởng sốt siêu vi, bệnh nhân mua thuốc hạ sốt về uống nhưng tình trạng không cải thiện, các vết trợt nổi thành từng bọc nước.
BS Nguyễn Trúc Quỳnh, khoa Lâm sàng 1 cho biết, sau khi thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán bị hoại tử thượng bì nhiễm độc (hay còn gọi là hội chứng Lyell) do sử dụng thực phẩm chức năng.
Đây là một phản ứng dị ứng thuốc nặng, do sự đáp ứng miễn dịch bất thường của cơ thể với một vài loại thuốc hoặc chất chuyển hóa trong thuốc. Ngoài tổn thương trên da, bệnh nhân còn có nguy cơ viêm dính kết mạc mắt, loét giác mạc, nặng hơn có thể mù lòa nếu không điều trị kịp thời.
Với những người mắc hội chứng này, nguy cơ tử vong khoảng 30-50%, thường do các biến chứng như: nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn phổi, rối loạn nước – điện giải, xuất huyết tiêu hóa, dinh dưỡng kém…
Dùng thực phẩm chức năng vì sợ uống thuốc: Nguy hiểm đủ đường
Việc đánh tráo khái niệm thực phẩm chức năng có thể chữa bệnh, thay thế thuốc điều trị cũng thường xuyên xuất hiện trong các quảng cáo sản phẩm cho bệnh nhân tiểu đường.
Điều này đánh đúng vào tâm lý “sợ” uống thuốc tây cả đời để kiểm soát bệnh của bệnh nhân tiểu đường.
Như Dân trí đã đưa tin, khi đặt vấn đề cần mua sản phẩm hỗ trợ kiểm soát tiểu đường, người tư vấn của trang “Thảo dược quý – Đặc trị tiểu đường” khẳng định, chỉ cần uống một lộ trình 2 tháng với 6 hộp sản phẩm có tên H.H.A.Đ. thì tình trạng sẽ ổn định hoàn toàn.
“Nó ổn định hết hoàn toàn triệu chứng, biến chứng mạch máu. Chúng tôi cam đoan điều đó nhưng phải kiên trì uống đều đặn, đừng bỏ dở”, người này thông tin.
Đáng chú ý, theo người tư vấn, nếu đã hết triệu chứng và ổn định đường huyết thì có thể ngưng hoàn toàn thuốc kiểm soát đường huyết.
Theo BS Đoàn Dư Mạnh với bệnh nhân tiểu đường, nếu nghe theo các quảng cáo này, bỏ hoàn toàn việc kiểm soát đường huyết theo chỉ định điều trị của bác sĩ là rất nguy hiểm.
“Mục tiêu điều trị với bệnh nhân tiểu đường là kiểm soát đường huyết theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh thuốc men, người bệnh cần duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học cho người tiểu đường và vận động cơ thể.
Với bệnh nhân tiểu đường lâu năm, kể cả khi muốn giảm liều thuốc phải theo liệu trình mất một thời gian tương đối. Còn nếu chỉ sử dụng thực phẩm chức năng, thảo dược mà sau 2 tháng có thể khỏi hoàn toàn biến chứng, ổn định đường huyết, không cần phải dùng thêm thuốc gì nữa là phản khoa học”, BS Mạnh cảnh báo.
Thực phẩm chức năng không thể thay thế thuốc chữa bệnh
Không khó để bắt gặp quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như “thần dược” trên mạng xã hội. Nhiều bệnh lý mãn tính khiến y học thế giới phải bó tay như: tiểu đường, cao huyết áp nhưng lại được người bán thực phẩm chức năng khẳng định “chữa khỏi hoàn toàn”, “một liệu trình là dứt điểm”.
Trong phiên trả lời chất vấn sáng 12/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin, Luật An toàn thực phẩm quy định thực phẩm chức năng được phân thành 4 nhóm, trong đó có 3 nhóm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng trong chế độ ăn đặc biệt, được quản lý chặt chẽ.
Bộ trưởng cho biết, thực tiễn vừa qua có người lợi dụng buôn bán thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng. Bộ Y tế đã tuyên truyền rộng rãi về vấn đề này, như trường hợp mắc bệnh phải đến cơ sở y tế khám và chữa trị, không nghe quảng cáo trên mạng xã hội để tự chữa bệnh.
Bộ Y tế khẳng định, không có thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào thay thế thuốc chữa bệnh. Khi có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết, nguy hại về quảng cáo gian dối trong lĩnh vực y tế không chỉ về tài chính.
“Những quảng cáo “cam kết chữa khỏi” là vi phạm với quy định về thực phẩm chức năng (không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh). Mua những sản phẩm này về dùng không khỏi, người bệnh có thể bỏ lỡ thời gian vàng điều trị, ảnh hưởng tới hiệu quả xạ trị, phẫu thuật. Thậm chí còn có các sản phẩm có chứa chất cấm”, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm thông tin.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng khẳng định: “Về pháp luật chúng ta đã có chế tài quy định xử lý vi phạm quảng cáo. Vì thế, các cơ quan truyền thông tuyên truyền mạnh mẽ thực phẩm chức năng không thể chữa bệnh”.