Cứu nhiều bệnh nhân nặng trong bão lũ, sạt lở nhờ công tác chỉ đạo tuyến


Sáng 8/11, tại “Hội nghị tổng kết công tác Đào tạo, Chỉ đạo tuyến và Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 – 2024” tại Bệnh viện Việt Đức, TS.BS Dương Đức Hùng cho biết, nhiều bệnh nhân nặng do thiên tai, sạt lở được cứu sống, là minh chứng sống động cho hiệu quả của công tác chỉ đạo tuyến thời gian qua.

Ví như sự kiện sập cầu Phong Châu (Phú Thọ), lũ quét ở Lào Cai… ngay khi xảy ra sự cố, Bệnh viện đã kết nối trực tuyến với các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện để hội chẩn trực tuyến các ca bệnh khó.

Cứu nhiều bệnh nhân nặng trong bão lũ, sạt lở nhờ công tác chỉ đạo tuyến - 1

Một nạn nhân của lũ lụt được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức cấp cứu, sau khi bệnh viện hội chẩn trực tuyến, đánh giá là ca nặng (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

“Chúng tôi hội chẩn trực tuyến, không nhất thiết phải sử dụng những hệ thống máy móc nhiều tỷ đồng, mà nhiều khi qua điện thoại, từ cuộc gọi video, trên những kết quả ban đầu có thể cùng đồng nghiệp đưa ra đánh giá, tiên lượng và hướng xử lý thích hợp cho người bệnh”, TS Hùng nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, công tác chỉ đạo tuyến của bệnh viện đã được triển khai nhiều năm. Bệnh viện đã chuyển giao, giúp nhiều bệnh viện tuyến dưới, nhất là các tỉnh biên giới, vùng cao làm chủ được nhiều kỹ thuật, từ đó, đã giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến và tử vong.

“Mục tiêu của công tác chỉ đạo tuyến, đầu tiên vì người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm. Chúng tôi muốn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, người dân ở tuyến tỉnh, huyện cũng được hưởng dịch vụ y tế như tại Bệnh viện Việt Đức.

Qua công tác chỉ đạo tuyến, chúng tôi đưa những kỹ thuật từ tuyến đầu ngành xuống tuyến tỉnh, huyện, giúp người dân được hưởng chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất, giúp giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giảm biến chứng, giảm nguy cơ mổ lại…”, PGS Khánh nói.

Cứu nhiều bệnh nhân nặng trong bão lũ, sạt lở nhờ công tác chỉ đạo tuyến - 2

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Ảnh: TT).

PGS Khánh cho biết thêm, bệnh viện đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát, đánh giá chất lượng nhân lực, nhu cầu, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng của bệnh viện tuyến dưới để thực hiện chuyển giao kỹ thuật phù hợp.

Đến nay, Bệnh viện Việt Đức vẫn tiếp tục tiến hành nhiều khóa đào tạo liên tục, hội chẩn trực tuyến 24/24, chuyển giao nhiều gói kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới.

Như chuyển giao gói ghép thận cho các bệnh viện Nghệ An, Thanh Hóa, Bệnh viện Việt Tiệp; đang chuyển giao tiếp cho Bệnh viện Lào Cai, Phú Thọ, Uông Bí…

Đào tạo chuyển giao gói ghép tim cho Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Y dược TPHCM…

“Tại hội nghị này, nhiều kinh nghiệm thực tiễn được chia sẻ, các bệnh viện tuyến dưới có thể trực tiếp đề xuất, từ đó chúng tôi thảo luận, đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến và khám, chữa bệnh từ xa trong thời gian tới”, PGS Khánh nói.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao việc Bệnh viện Việt Đức chuyển giao kỹ thuật “cầm tay chỉ việc”, chuyển giao đúng và trúng nhu cầu của cơ sở y tế nơi tiếp nhận; kịp thời kết nối các điểm cầu, hội chẩn từ xa giúp các cơ sở y tế tuyến dưới xử lý những ca bệnh khó, giúp người dân được tiếp cận, thụ hưởng y tế có chất lượng ngay tại nơi mình sinh sống.

“Nhờ sự hỗ trợ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức về chỉ đạo tuyến cũng như công tác khám chữa bệnh từ xa đã giúp các thầy thuốc tuyến dưới xử lý được nhiều ca bệnh khó, khẩn cấp ngay tại cơ sở”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Bệnh viện Việt Đức tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn của bệnh viện, tiếp tục chuyển giao cho tuyến dưới, đặc biệt những kỹ thuật ngoại khoa như chấn thương chỉnh hình hay cơ xương khớp, hoặc thận tiết niệu…


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *