Sáng 16/11, chia sẻ tại hội nghị Nội tiết – Đái tháo đường và Hội chứng chuyển hóa Hà Nội mở rộng lần thứ X tại Hà Nội, với thông điệp “Tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý nội tiết – đái tháo đường”, PGS.TS Đỗ Trung Quân cho biết, đái tháo đường là bệnh lý có tốc độ phát triển nhanh nhất trong thế kỷ XXI.
Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 7 triệu người mắc bệnh này, nhưng đến một nửa số đó không biết mình mắc bệnh. 55% người bệnh đái tháo đường gặp biến chứng, gồm 34% biến chứng về tim mạch, 39% mắt và thần kinh, 24% thận.
Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng làm tăng chi phí y tế, giảm chất lượng cuộc sống. Đây là thách thức lớn với y tế Việt Nam nói chung và y tế Hà Nội nói riêng.
Phát biểu tại hội thảo, TS.BS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội có khoảng 500.000 người bị đái tháo đường và 1,5 triệu người mắc tiền đái tháo đường.
“Trong năm 2023, Quỹ BHYT Hà Nội chi khoảng 1.000 tỷ đồng điều trị bệnh lý này cho người dân. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi trong thực tế, nhiều bệnh nhân đái tháo đường phải mua thêm thuốc ở bên ngoài; nhiều người mắc bệnh đái tháo đường nhưng không biết mình mắc bệnh”, ông Hưng nói.
Theo PGS Quân, một nửa số người đái tháo đường không biết mình mắc bệnh cảnh báo mối nguy sức khỏe rất lớn. Bởi khi phát hiện sớm, kiểm soát được, biến chứng đái tháo đường sẽ đến muộn hơn.
Trong khi đó, nếu không được kiểm soát, điều trị, đái tháo đường có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như biến chứng tim, thận, mắt, tổn thương thần kinh, bàn chân… Bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ bị suy tim gấp 5 lần so với người không mắc bệnh. Một nửa trong số đó có nguy cơ tử vong trong 5 năm.
Không chỉ gia tăng nhanh số người mắc bệnh, mà đái tháo đường ngày càng trẻ hóa. “Thực tế, có những bệnh nhân 14-15 tuổi đã mắc đái tháo đường type 2”, PGS Quân thông tin.
Theo chuyên gia này, đái tháo đường là bệnh mãn tính phải điều trị suốt đời bằng thuốc, điều chỉnh dinh dưỡng, vận động. Kiểm soát tốt đường huyết, người bệnh có sức khỏe ổn định.
Tuy nhiên, người bệnh đái tháo đường đang rất hoang mang vì những quảng cáo tràn ngập trên Internet, mạng xã hội về “một liệu trình chữa khỏi bệnh tiểu đường”, khiến không ít bệnh nhân bỏ thuốc, từ đó nguy cơ tăng nặng biến chứng, thậm chí tử vong.
Vì thế, PGS Quân khuyến cáo, mỗi người có thể phòng ngừa nguy cơ mắc đái tháo đường, bằng cách tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh để duy trì cân nặng vừa phải, tránh béo phì.
Mỗi người cần kiểm soát huyết áp và nguy cơ mắc các bệnh mạn tính. Theo dõi, kiểm soát lượng đường máu: Việc này rất cần thiết, đặc biệt là với những người có yếu tố nguy cơ và đang được điều trị.
“Kiểm soát các yếu tố nguy cơ: Tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tình trạng thừa cân béo phì là các yếu tố cần được quan tâm hàng đầu. Kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều trị bệnh đái tháo đường ngay khi được chẩn đoán và tuân thủ phác đồ theo hướng dẫn”, PGS Quân khuyến cáo.
Ông Quân cũng lưu ý, ai cũng có nguy cơ mắc tiểu đường, tuy nhiên nguy cơ cao hơn ở những người thừa cân, béo phì; tiền sử gia đình có người mắc bệnh; tiền sử đái tháo đường thai kỳ; tiền sử tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, gout, người sinh con trên 3,5 kg…
Vì thế, đây là nhóm đối tượng cần lưu ý tầm soát để phát hiện bệnh sớm, nếu có. Xét nghiệm phát hiện đái tháo đường rất đơn giản, chi phí thấp.
Hội nghị Nội tiết – Đái tháo đường và Hội chứng chuyển hóa Hà Nội mở rộng lần thứ X năm 2024 có sự tham gia của các báo cáo viên, chủ tọa đoàn là những giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành trên cả nước đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh nội tiết phức tạp.
Đây là diễn đàn trao đổi, cập nhật và đào tạo những kiến thức chuyên môn mới nhất về chẩn đoán, điều trị và phòng chống các bệnh lý liên quan về nội tiết, bệnh rối loạn chuyển hóa để nâng cao năng lực cho các bác sĩ, kỹ thuật viên và điều dưỡng trên khắp cả nước.