Trên TikTok, một người đàn ông hòa một thìa giấm táo vào cốc nước, uống và ăn hai lát bánh pizza. Sau đó, anh ta kiểm tra lượng đường trong máu của mình, kết quả cho thấy lượng đường trong máu thấp hơn nhiều so với khi anh ấy ăn pizza không có giấm.
Trong các bài đăng khác, người dùng TikTok ca ngợi khả năng vượt trội của giấm táo trong việc giúp họ giảm cân, ổn định dạ dày và khi thoa lên da làm sạch mụn trứng cá và bệnh chàm.
GS.TS Carol Johnston chuyên về dinh dưỡng tại Đại học bang Arizona (Mỹ), cho biết, giấm táo đã được sử dụng như một phương pháp điều trị tại nhà để chữa lành vết thương, giảm ho và làm dịu cơn đau dạ dày trong hàng ngàn năm.
Dù vậy theo TS Johnston, một số tuyên bố về lợi ích sức khỏe của giấm táo có thể có cơ sở khoa học, nhưng nhiều tuyên bố vẫn chưa được nghiên cứu. Đây là những gì chúng ta biết về giấm táo và một số lưu ý quan trọng cần ghi nhớ nếu bạn dùng thử.
Giấm táo có lợi cho sức khỏe như thế nào?
Trên The New York Times, TS Johnston cho biết giấm táo được tạo ra thông qua quá trình lên men, trong đó nấm men và vi khuẩn chuyển hóa carbohydrate trước tiên thành rượu, sau đó thành axit axetic, khiến giấm có vị và mùi hăng và có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe, theo nghiên cứu.
PGS.TS Chris Damman, khoa Tiêu hóa tại Trường Y thuộc Đại học Washington (Mỹ), cho biết, giấm làm từ táo và các loại trái cây khác cũng chứa các hợp chất gọi là polyphenol, có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, đồng thời có thể góp phần mang lại lợi ích sức khỏe tiềm ẩn.
Kiểm soát lượng đường trong máu
Vào đầu những năm 2000, TS Johnston tình cờ thấy một nghiên cứu từ năm 1988 cho thấy rằng axit axetic có thể làm giảm lượng đường trong máu tăng đột biến ở chuột sau khi chúng được cho uống dung dịch tinh bột.
Bà đã rất tò mò và quyết định thử nghiệm ý tưởng này ở những người mắc bệnh tiểu đường túyp 2 và có tình trạng kháng insulin.
Kể từ đó, TS Johnston và các nhà nghiên cứu khác đã phát hiện ra trong một số nghiên cứu nhỏ rằng uống 1-2 thìa giấm táo hoặc các loại giấm khác pha với nước ngay trước bữa ăn có nhiều carbohydrate sẽ khiến lượng đường trong máu ít tăng đột biến hơn so với bữa ăn không có giấm.
Một số nghiên cứu cho thấy giấm có thể làm chậm quá trình di chuyển của thức ăn qua đường tiêu hóa và can thiệp vào một số enzyme phân hủy carbohydrate thành đường đơn, dẫn đến lượng đường trong máu thấp hơn.
Paul Gill, nhà nghiên cứu tại Đại học Monash, Australia, cho rằng, cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh giấm táo an toàn và có lợi khi sử dụng lâu dài.
Giảm cân
Một số nghiên cứu nhỏ, ngắn hạn ở những người trưởng thành được phân loại là thừa cân hoặc béo phì đã tìm thấy mối liên hệ giữa giấm táo và việc giảm cân.
Ví dụ, trong một nghiên cứu năm 2009 trên 155 người trưởng thành ở Nhật Bản, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người uống 2 thìa giấm táo pha nước mỗi ngày trong 3 tháng sẽ giảm được khoảng 1,8kg.
Và trong một thử nghiệm năm 2024 với 120 người từ 12 đến 25 tuổi ở Lebanon, các nhà nghiên cứu đã báo cáo rằng những người uống một thìa giấm táo với nước mỗi sáng trong 3 tháng sẽ giảm trung bình gần 7kg.
Nhưng một nghiên cứu theo dõi những người tham gia sau khi họ ngừng dùng giấm táo cho thấy, trung bình, họ tăng cân trở lại trong vòng một tháng. Và cũng giống như nhiều nghiên cứu trên các nhóm người tương tự, không tìm thấy mối liên hệ nào với việc giảm cân.
Do thiếu dữ liệu chắc chắn và khung thời gian nghiên cứu ngắn, Beth Czerwony, chuyên gia dinh dưỡng tại Phòng khám Cleveland, nói rằng cô không khuyến nghị bệnh nhân của mình sử dụng giấm táo để giảm cân.
“Nghiên cứu trên động vật cũng chỉ ra rằng axit axetic có thể làm giảm sự tích tụ chất béo trong một số mô và có thể giúp tăng tiết hormone báo hiệu cảm giác no. Vì vậy, mặc dù các bằng chứng ở người còn chưa thống nhất, nhưng việc cho rằng giấm có thể giúp giảm cân là hợp lý, TS Damman nói.
Sức khỏe đường ruột
Tamara Duker Freuman, một chuyên gia dinh dưỡng ở TP New York chuyên về các bệnh tiêu hóa, cho biết nhiều bệnh nhân của cô nhận xét rằng uống giấm táo trước hoặc sau bữa ăn giúp giảm triệu chứng trào ngược axit.
Tuy nhiên, cô lưu ý, hàng trăm bệnh nhân khác bị chứng trào ngược kinh khủng đã nói rằng giấm khiến các triệu chứng của họ trở nên trầm trọng hơn.
Tiến sĩ Nitin K. Ahuja, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Penn Medicine, cho biết, hiện tại chưa có dữ liệu nào cho thấy axit từ giấm khiến dạ dày sản xuất ít axit hơn.
Các nghiên cứu được thực hiện trên đĩa petri cho thấy giấm táo có thể tiêu diệt một số vi khuẩn nhất định, có khả năng tạo ra những thay đổi về hệ vi sinh vật đường ruột có thể làm giảm đầy hơi. Nhưng một lần nữa, ông cho biết thêm, điều này chưa được nghiên cứu ở người.
Tình trạng da
Tiến sĩ Lydia Luu, bác sĩ da liễu tại Trường Y Đại học Virginia, cho biết, bôi giấm táo pha loãng lên da từ lâu đã được sử dụng như một phương pháp điều trị bệnh chàm tại nhà. Và sau khi một số bệnh nhân hỏi về phương pháp điều trị như vậy, cô và các đồng nghiệp đã quyết định thử nghiệm nó.
Trong nghiên cứu năm 2019, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu 22 người tham gia, một nửa trong số họ mắc bệnh chàm, ngâm một cánh tay vào nước máy và một cánh tay vào giấm táo pha loãng trong 10 phút mỗi ngày trong hai tuần.
Sau đó, không có sự khác biệt giữa làn da của những người tham gia về độ pH, vi khuẩn hoặc khả năng giữ ẩm. 16 người tham gia nghiên cứu đã báo cáo các triệu chứng như bỏng nhẹ hoặc ngứa, chủ yếu ở cánh tay được điều trị bằng giấm, một người bị ngứa dữ dội, bỏng vừa phải và có vết loét nhỏ và một người khác bị phát ban nổi lên.
Tiến sĩ Luu nói: “Thật không may, giấm táo không hữu ích lắm đối với bệnh chàm và có thể làm cho các triệu chứng của bạn trở nên tồi tệ hơn”.
Một số bệnh nhân của TS Luu nói rằng họ dùng giấm táo để loại bỏ mụn cóc và trên TikTok có rất nhiều video gợi ý phương pháp điều trị mụn trứng cá, vết thâm hoặc loại bỏ mụn thịt dư thừa trên da. Nhưng TS Luu cho biết, chưa có nghiên cứu tốt nào về những công dụng này và giấm táo có thể gây bỏng hóa chất và để lại sẹo trên da.
Có an toàn để thử không?
Tiêu thụ giấm táo, ngay cả khi pha loãng, có thể tương tác với một số loại thuốc, bao gồm một số loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường và tim mạch, cũng như thuốc lợi tiểu. Giấm táo cũng có thể làm giảm lượng kali trong máu, đây có thể là một vấn đề đối với những người vốn đã có lượng kali thấp. Vì vậy, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thử nó.
TS Luu cho biết lời khuyên tương tự cũng áp dụng cho việc sử dụng giấm táo trên da.
Nếu bạn muốn sử dụng giấm để kiểm soát lượng đường trong máu, TS Johnston khuyên bạn nên pha loãng một hoặc hai thìa giấm bất kỳ vào nước và uống, nhưng không vượt quá hai đến bốn thìa mỗi ngày. Ngay cả khi pha loãng, giấm có thể làm mòn men răng, vì vậy cô khuyên nên uống giấm bằng ống hút.
TS Ahuja cho biết, nếu bạn uống nó mà không pha loãng, bạn cũng có nguy cơ bị ăn mòn niêm mạc thực quản.
TS Damman gợi ý một cách tiếp cận an toàn hơn và ngon hơn là sử dụng giấm táo trong nấu ăn. Bạn hãy trộn nó với dầu giấm hoặc cơm sushi, kết hợp với dầu ô liu để chấm cho bánh mì, hoặc kết hợp nó thành đồ uống có ga. Nếu có bất kỳ lợi ích sức khỏe nào có thể thu được, bạn cũng có thể sẽ nhận được chúng theo cách này.