Mỗi ngày hàng vài chục ca đến khám vì tổn thương do kiến ba khoang
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Thu, Phó trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, thời gian gần đây, khoa khám bệnh tiếp nhận nhiều trường hợp viêm da tiếp xúc do côn trùng, trong đó có kiến ba khoang đến khám. Có ngày hàng vài chục ca bệnh.
“Các bệnh nhân đến khám thường có tổn thương da bỏng rát, đỏ, có trường hợp tổn thương loét, bội nhiễm”, bác sĩ Thu thông tin.
Như trường hợp nam bệnh nhân 30 tuổi ở Hải Dương đến Bệnh viện Da liễu khám sáng 12/11.
Toàn bộ vùng cổ của bệnh nhân đỏ rát, khó chịu. Bệnh nhân mô tả, cổ áo chỉ động nhẹ anh đã giật thót người vì đau rát.
Trước đó một hôm, anh ngủ dậy thấy đỏ vùng cổ nhưng không nghĩ nghiêm trọng. Đến tối và sáng hôm sau, vết đỏ càng rát hơn, nổi mụn mủ nhỏ đau rát khó chịu. Anh có tự bôi một số loại thuốc nhưng không đỡ nên đã đến viện khám.
Càng chà xát mạnh, tổn thương càng sâu
Bác sĩ Thu cho biết, hầu hết bệnh nhân đến khám đều đã trải qua quá trình tự điều trị, từ theo phương pháp dân gian đến thuốc bôi, nhưng không đỡ, đến khi tổn thương nặng, lan rộng mới đến viện.
Có nhiều người không phát hiện kiến ba khoang tấn công khi nào, qua một đêm ngủ dậy thấy đỏ rực. Nhưng cũng có người, khi phát hiện có kiến ba khoang trên da liền đập mạnh, thậm chí chà xát cho kiến chết, khiến độc tố giải phóng nhiều trên da, gây tổn thương rộng và sâu.
Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin (C24H43O9N), độc tính mạnh gấp 12 – 15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn nhưng sẽ khiến vùng da tiếp xúc tổn thương, bỏng rát.
Khi tiếp xúc với độc tố kiến ba khoang, tổn thương thường gặp ở vùng da hở như mặt, hai tay. Vết thương thành vệt dài hoặc thành đám. Ban đầu là những nốt ban đỏ rồi sưng lên thành mụn mủ.
Thông thường kiến ba khoang không tiết độc tố nếu không bị nghiền nát, chà xát. Vì thế, khi phát hiện kiến ba khoang đang bám trên da, thay vì đập nát con kiến (hậu quả khiến vùng da tiếp xúc kiến bỏng rát), hãy thổi phù cho kiến bay đi rồi dùng khăn giấy xử lý con kiến.
Rửa tổn thương giảm tổn thương sâu
Bác sĩ Thu khuyến cáo, ngay khi phát hiện vùng da đỏ, phù nề, có mụn mủ nghi ngờ do kiến ba khoang, cần nhanh chóng rửa bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý hoặc sản phẩm không có tính tẩy mạnh, nhằm loại bỏ độc tố của kiến ba khoang khỏi da.
Hãy cố gắng rửa nhẹ nhàng để không làm trầy xước hoặc vỡ vết thương. Việc rửa này nhằm trung hòa hoặc giảm bớt các yếu tố dị ứng, kích ứng da.
Nếu kịp rửa độc tố ngay sẽ giảm nguy cơ tổn thương da. Tuy nhiên, nhiều người khi phát hiện vùng da đỏ rát, tổn thương là mua thuốc về bôi, không rửa qua.
“Tiếp đó có thể bôi hồ nước để làm dịu da, sau đó nên đi khám để bác sĩ đánh giá có cần bôi thêm các loại thuốc chuyên biệt như corticoid bôi, uống kháng histamin, uống kháng sinh khi có dấu hiệu bội nhiễm theo chỉ định của bác sĩ”, bác sĩ Thu khuyến cáo.
Chuyên gia này cũng cảnh báo, con kiến ba khoang rất nhỏ, nếu không để ý, chúng có thể bám vào quần áo, chăn màn, khăn rửa mặt và khi tiếp xúc với da, nọc độc của kiến ba khoang có thể khiến da bị tổn thương. Vì thế, quần áo sau phơi khô cần rũ mạnh, trước khi mặc đồ cũng phải rũ mạnh quần áo, rũ mạnh khăn rửa mặt…
Trước khi ngủ cần kiểm tra chăn chiếu, buông màn để ngăn nguy cơ côn trùng xâm nhập. Nên hạn chế bật đèn trong nhà, chỉ bật đèn ban công. Còn nếu bật đèn trong nhà thì nên đóng chặt các cửa.