Nam thanh niên ngã gục, ngừng tim ngay trước vạch đích giải chạy Tây Hồ


 Bệnh nhân ngay lập tức được cấp cứu ngừng tuần hoàn tại chỗ, rồi chuyển đến Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2 cấp cứu. Hiện bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, tiên lượng nặng.

Nam thanh niên ngã gục, ngừng tim ngay trước vạch đích giải chạy Tây Hồ - 1

Giải có số lượng VĐV tham dự đông kỷ lục (Ảnh: THHM).

Theo báo cáo sơ bộ, vận động viên là nam giới, sinh năm 1990. Vào khoảng 5h55 phút, bệnh nhân gục ngã ngay trên đường chạy, cách vạch đích khoảng 100m.

Ngay lập tức, trưởng nhóm y tế giải chạy đã tiến hành khám, đánh giá tình trạng bệnh nhân.

Kết quả cho thấy bệnh nhân ngừng tuần hoàn, ekip y tế đã tiến hành biện pháp sơ cấp cứu như ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng, thở oxy, tiêm Adrenalin, truyền dịch.

Theo bác sĩ, bệnh nhân đã được cấp cứu ngừng tuần hoàn tại chỗ 30 phút nhưng kém hiệu quả, có 5 lần có mạch trở lại nhưng lại mất mạch sau 20 giây. Đánh giá bệnh nhân có bệnh tim mạch nền, rối loạn nhịp, ekip đã chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2 cấp cứu.

Bệnh nhân được xe cứu thương và ekip cấp cứu chuyển đến Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2 lúc 6h25.

Tại đây, bệnh nhân đã được khoa cấp cứu áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực, hội chẩn trực tuyến với bệnh viện bạch mai, được ekip cấp cứu ngoại viện của Bệnh viện Bạch Mai đến tăng cường hỗ trợ trực tiếp tại bệnh viện.

Bệnh nhân được đặt ECMO, chuyển về Bạch Mai khoảng 12h trưa ngày 14/4. Hiện tình trạng bệnh nhân tiên lượng rất nặng.

Theo bác sĩ tim mạch Ngô Tiến Thái, bất cứ vận động viên nào, dù phong trào hay chuyên nghiệp, cũng cần có sự chuẩn bị kĩ lưỡng cả về sức khỏe và sự tập luyện trước cuộc thi để phòng rủi ro.

Không nên chỉ vì sự động viên của bạn bè hay hội nhóm mà đăng kí một cự ly vượt khả năng của bản thân. Đồng thời, nên đi khám sàng lọc sức khỏe để đánh giá sự ảnh hưởng của việc tập luyện tới bản thân.

“Tập luyện sức khỏe là tốt, tuy nhiên cần phải có cường độ tập luyện phù hợp với từng cá nhân”, BS Ngô Tiến Thái nhấn mạnh.

Theo BS Thái, rủi ro trong thể thao luôn có nguy cơ xảy ra, ngay cả với vận động viên chuyên nghiệp. Vì thế, ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong quá trình luyện tập, ngay trong cuộc đua, mỗi người cũng cần lắng nghe cơ thể, nhận biết các dấu hiệu bất thường để có sự điều chỉnh tốc độ chạy phù hợp với bản thân trong quá trình gắng sức.

“Nếu cảm giác sức khỏe không đảm bảo thì không nên cố quá”, BS Thái nhấn mạnh.

Theo đó, nếu trong quá trình chạy, bạn thấy có những cơn đau tức ngực lạ thường mà không xuất hiện ở trong các buổi tập; nhịp tim nhanh lên một cách bất thường, không đúng với việc gắng sức (theo dõi qua đồng hồ thể thao); cảm giác mệt mỏi, ngưỡng gắng sức kém đi so với cùng mức độ tập luyện ở ngày thường… đều là những dấu hiệu cảnh báo bạn nên giảm tốc độ, báo y tế để được kiểm tra, theo dõi kĩ lưỡng.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *