Cửa đóng then cài, trùm kín như “ninja” vì kiến ba khoang
Vừa chuyển từ nhà mặt đất lên sống ở tầng 29 của một chung cư tại quận Nam Từ Liêm, chị Hà Phương (32 tuổi) không thể ngờ vẫn gặp “kiếp nạn” kiến ba khoang.
“Hôm đó tôi phát hiện một vệt đỏ trên tay con trai. Ban đầu, cứ tưởng cháu bị dị ứng nhưng khi tìm thấy xác một con kiến ba khoang gần cửa sổ, tôi mới tá hỏa”, chị Phương chia sẻ, nói thêm rằng, không thể nghĩ ra được kiến ba khoang lên cao như vậy bằng cách nào.
Từ khi chạm trán kiến ba khoang, nhà chị Phương luôn trong trạng thái đóng kín cửa, rèm kéo chặt, đến mức gần như không dám mở cửa sổ.
Để kiến không vào nhà, gia đình chị còn phải hạn chế bật đèn gần cửa sổ vào buổi tối.
“Chúng tôi cứ nghĩ sống ở tầng cao sẽ không phải lo lắng về côn trùng, nhưng hóa ra lại không tránh được. Cả nhà giờ như sống trong lồng kính”, chị Phương thở dài.
Trùm kín mặt như “ninja” là cách bà Thủy (54 tuổi, sống tại quận Hà Đông) ra đường kể từ khi mặt bị tổn thương bởi kiến ba khoang.
“Một tuần trước tôi ngủ dậy thấy đau rát ở vùng má bên phải và chỉ đến trưa, da đã phồng rộp lên thành một vệt dài. Từng bị viêm da do kiến ba khoang, nên tôi đoán được ngay thủ phạm”, bà Thủy nói.
Vết thương thành vệt dài chạy dọc từ mi mắt xuống cằm, được bà Thủy mô tả, nhìn như vết sẹo rất khó coi. Do đó, một tuần nay mỗi khi có việc phải ra đường, chủ yếu là đi bộ ra chợ, bà cũng phải trùm mặt kín mít.
Giữa đêm lật tung chăn màn soi kiến
Không chỉ chịu cảnh ngột ngạt, nhiều gia đình tại Hà Nội còn mất ngủ vì kiến ba khoang. Anh Phúc Duẩn (40 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể về những đêm cả nhà phải “huy động” lực lượng để tìm kiếm loài côn trùng đáng sợ này.
“Mỗi tối, tôi cầm đèn pin rọi từng góc tường, kiểm tra kẽ hở và các chậu cây ngoài ban công. Vợ tôi thì kiểm tra chăn màn, quần áo, còn hai đứa con nhỏ được giao nhiệm vụ soi sáng hỗ trợ. Có hôm chúng tôi bắt được vài con kiến, nhưng có đêm không thấy gì mà vẫn chẳng thể ngủ yên”, anh Duẩn chia sẻ.
Từng bị bội nhiễm vết thương do kiến ba khoang phải điều trị dài ngày, Duẩn nói mình bị “ám ảnh”. Mỗi khi nghe thông tin kiến ba khoang vào mùa là như ngồi trên đống lửa.
Nhiều hôm đang ngủ, chỉ cần có cảm giác châm chích ở da, hai vợ chồng lại bật dậy giữa đêm soi đèn tìm kiến trong chăn màn.
Chi tiền triệu, loay hoay tìm cách diệt kiến
Với mong muốn loại bỏ kiến ba khoang ra khỏi nhà, nhiều gia đình không ngần ngại chi hàng trăm nghìn đồng, thậm chí là tiền triệu để mua các sản phẩm được quảng cáo có khả năng diệt hoặc đuổi kiến.
Nửa tháng qua, chị Thùy Dương (35 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) vất vả tìm kiếm giải pháp đối phó với kiến ba khoang, nhưng kết quả lại không như mong đợi.
“Tôi lên mạng xã hội tìm kiếm các biện pháp đuổi kiến. Loại thuốc nào cũng được quảng cáo là hiệu quả, an toàn, thế là tôi mua hết. Xịt chống côn trùng sinh học, bẫy kiến, máy đuổi côn trùng siêu âm, tinh dầu quế đuổi kiến… nhưng đến giờ vẫn chưa thấy có tác dụng rõ rệt”, chị Dương chia sẻ.
Mỗi tuần, chị Dương lại nhận thêm vài gói hàng từ các shop online bán sản phẩm trị kiến.
“Có loại thì được bảo là công nghệ Nhật, có loại là hàng Đức. Họ nói chỉ cần dùng một lần là kiến không bao giờ quay lại. Nhưng thực tế thì kiến vẫn xuất hiện đều đều”, chị nói.
Không chỉ mất tiền, chị Dương còn mất thời gian kiểm tra, sử dụng thử các sản phẩm mới.
Độc tố kiến ba khoang mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ
Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết số lượng bệnh nhân đến khám vì viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang gia tăng mạnh. Có ngày, khoa tiếp nhận hàng chục ca bệnh, trong đó nhiều trường hợp tổn thương nặng do xử lý sai cách.
Theo ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam, độc tố trong kiến ba khoang rất mạnh. Loài côn trùng này không cắn hoặc chích mà chỉ vô tình chúng ta bị tiếp xúc hay cọ vào chúng.
Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin (C24H43O9N), độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn, nhưng sẽ khiến vùng da tiếp xúc tổn thương, bỏng rát.
Ban đầu bệnh nhân thấy hơi ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da, sau 6-12 giờ sẽ thành một đám hơi nề, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều 1-5mm. 1-3 ngày sau sẽ hình thành phỏng nước, phỏng mủ. Lúc này cảm giác đau, rát càng tăng.
Theo BS Thành, nhiều người sai lầm khi coi viêm da tiếp xúc là bệnh zona. Điều trị bằng acyclovir là không đúng, khiến tổn thương lan rộng hơn.
“Một số người còn chủ động bắt kiến ba khoang với hy vọng chữa được bệnh nấm da, hạt cơm… Cách làm này rất nguy hiểm, có thể khiến cho độc tố của kiến ba khoang phát tán, gây sốt, nhiễm trùng ở da”, BS Thành phân tích.
Trên thực tế, theo chuyên gia này, viêm da do kiến ba khoang thường khỏi nhanh trong vòng một tuần nếu xử trí đúng cách, tuyệt đối không nên đắp lá cây hoặc tự ý bôi thuốc theo quan điểm dân gian để tránh bị nhiễm trùng và sẹo.
Kiến ba khoang vào mùa: Cần làm gì?
Để hạn chế nguy cơ, BS Thành đưa ra một số biện pháp phòng ngừa như sau:
– Kiểm tra kỹ quần áo, chăn màn: Sau khi phơi quần áo, cần rũ mạnh để loại bỏ kiến bám vào. Kiểm tra khăn rửa mặt, chăn màn trước khi sử dụng.
– Đóng kín cửa, lắp lưới ngăn côn trùng: Sử dụng rèm cửa, lưới chống côn trùng tại các cửa sổ và lỗ thông khí. Hạn chế bật đèn gần khu vực cửa vào ban đêm.
– Vệ sinh môi trường sống: Phát quang cây cối, bụi rậm xung quanh nhà. Giữ nhà cửa sạch sẽ, không để vật dụng thừa tạo nơi trú ẩn cho côn trùng.
– Xử lý đúng cách khi phát hiện kiến ba khoang: Không dùng tay không chạm vào hoặc đập kiến. Thay vào đó, hãy dùng khăn giấy hoặc vật dụng để loại bỏ. Nếu kiến tiếp xúc với da, cần rửa ngay bằng nước sạch, nước muối sinh lý hoặc xà phòng nhẹ để loại bỏ độc tố.
– Thăm khám sớm: Khi vùng da có dấu hiệu đỏ, rát hoặc mụn nước nghi ngờ do kiến ba khoang, cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng cách.
“Điều quan trọng là không được để dịch tiết của kiến ba khoang tiếp xúc với cơ thể. Nếu nhìn thấy kiến ba khoang trên người thì không nên dùng tay không để đập, mà tốt nhất nên có tờ giấy để kiến bò ra giấy sau đó lấy ra khỏi người.
Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý, xà phòng, tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác. Sau đó, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên tự điều trị để tránh các biến chứng”, BS Thành nhấn mạnh.