Thầy thuốc ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Thành Toàn hiện là Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM).
Bên cạnh hơn 20 năm gắn bó với bệnh viện lão khoa đầu ngành, ông còn là Trưởng bộ môn, Phó chủ nhiệm bộ môn Chấn thương Chỉnh hình tại Đại học Khoa học Sức khỏe (ĐHQG TPHCM), Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đồng thời là giảng viên thỉnh giảng tại hàng loạt trường y khoa khác.
Trong cuộc đời “đưa đò” của mình, Phó giáo sư Võ Thành Toàn đã hướng dẫn không ít bác sĩ bảo vệ luận văn tốt nghiệp, góp phần đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho ngành y tế nước nhà.
Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Báo Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Phó giáo sư Võ Thành Toàn, để hiểu hơn về hành trình theo đuổi con đường y nghiệp của ông và vai trò của người thầy trong ngành y.
Chàng trai làng chài nghèo một mình ôm hành trang ra Bắc học y
Cơ duyên nào khiến Phó giáo sư bén duyên với ngành y?
– Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng chài ngoại thành Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Vào những năm 1980 thời ấy, quê tôi chỉ là một thị xã nhỏ, việc tiếp cận với y tế rất khó khăn. Cả làng chài vài nghìn người dân chỉ có một y sĩ sơ cấp đảm nhận công việc điều trị gần như mọi loại bệnh.
Đến một ngày, biến cố xảy ra với gia đình, khiến lần lượt bà nội và em trai tôi phải vào bệnh viện. Lúc này, tôi bắt đầu nhen nhóm ước mơ làm bác sĩ để điều trị cho người thân và những người xung quanh.
Ở nơi tôi sống, người dân đã quen với biển cả, nên thường cho con nghỉ học rất sớm để phụ giúp gia đình. Lên cấp 3, cả làng chỉ còn mình tôi được đi học đầy đủ. Lúc đó, với tôi, việc có thể đi học đã là một sự may mắn và nỗ lực rất lớn. Và việc đỗ trường y càng là điều rất khó thực hiện. Nhiều người phải thi đến năm thứ hai, thứ ba, thậm chí có người thi đến 6 năm mới đỗ.
Năm 1992, tôi may mắn là một trong hai người đỗ vào trường y từ lần đầu tiên của tỉnh. Khi đang phân vân giữa ở lại miền Trung hay ra Bắc, một người thầy đã khuyến khích tôi đến Hà Nội để có thể học hỏi nhiều hơn. Thế là tôi – cậu bé 18 tuổi còn non nớt – một mình ôm hành lý từ Bình Định ra Bắc học y.
Hành trình học Y ở Hà Nội của ông chắc hẳn có nhiều khó khăn?
– Tại thời điểm tôi học, giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh miền trong vô cùng khó khăn. Đường sá xa xôi, đầy bụi đỏ, phương tiện đi lại cũng không được tiện nghi như bây giờ. Mỗi lần từ quê ra thủ đô học, tôi mất tới 2 ngày một đêm trên xe khách, người phờ phạc, bám đầy bụi vì xe không có kính chắn.
Giao thương khó khăn cũng khiến chúng tôi có ít thông tin về Hà Nội. Với một cậu bé tỉnh lẻ, trong đầu tôi luôn nghĩ thủ đô là nơi xa vời, người Hà Nội khó gần, khó hiểu. Vì nỗi sợ tự vẽ ra như vậy, tôi còn nhớ trong lần đầu tiên ra Bắc, hành lý mình mang theo có thể đủ để 3 tháng không cần giao tiếp với xã hội.
Thế nhưng, vào ngày đầu tiên nhập học, tôi đã bất ngờ. Vì là dân ở tỉnh xa, tôi được ưu tiên làm thủ tục và nhận phòng ký túc xá sớm. Bạn bè và đàn anh, dù không biết đến quê hương Bình Định hay ngôi trường cấp 3 tôi từng theo học, vẫn rất tích cực hỗ trợ tôi những ngày đầu.
Thời gian đầu vào học, tôi gặp khó khăn không ít vì xuất phát điểm không như các bạn học, kết quả học tập bị đuối hơn các đồng môn. Nhiều lần, tôi cảm thấy mình như con chim đơn độc, tự nhủ bản thân phải cố gắng gấp nhiều lần để bắt kịp các bạn.
Dần dà, kết quả học tập của tôi tốt dần qua từng năm. Đến cuối khóa, tôi là một trong hai sinh viên duy nhất được kết nạp Đảng khi đang học đại học.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, tôi may mắn đỗ bác sĩ nội trú bộ môn Ngoại. Thời điểm đó, dưới sự hướng dẫn của Phó giáo sư Tôn Thất Bách, nguyên Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ nội trú như chúng tôi phụ trách triển khai kỹ thuật ghép gan giai đoạn đầu tại Việt Nam.
Tôi cũng được thầy khuyên chọn theo chuyên khoa này. Nhưng cuối cùng, tôi đã từ chối và xin chuyển vào TPHCM công tác.
Đâu là nguyên nhân khiến Phó giáo sư bỏ qua cơ hội trở thành một trong những người đi đầu ở lĩnh vực ghép tạng để quyết tâm vào Nam và theo đuổi ngành Chấn thương chỉnh hình?
– Khi thầy Bách khuyến khích tôi tiếp tục theo đuổi lĩnh vực ghép tạng, tôi trăn trở rất nhiều. Tại thời điểm cuối thập niên 90, ghép gan nói riêng và ghép tạng nói chung vẫn đang là một kỹ thuật rất mới. Chúng tôi khi học nội trú cũng chỉ mới được thực hành trên mẫu lợn nghiên cứu. Thực tế, phải đến năm 2004, Việt Nam cũng mới có ca ghép gan đầu tiên.
Song song, tôi cũng nhìn lại đam mê và ước mơ của mình lúc nhỏ. Tôi cũng nhận ra hàng ngày, xung quanh mình vẫn còn đầy rẫy người qua đời, thương tật vì tai nạn giao thông. Vì lẽ đó, tôi cảm thấy chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình vẫn phù hợp với mình hơn cả.
Ký ức về những người thầy lớn xin từng cây kim, viên thuốc cho bệnh nhân điều trị
Vì sao ông bén duyên với công việc giảng dạy?
Là bác sĩ, ai trong chúng tôi cũng đều phải nhớ điều đầu tiên của lời thề Hippocrates: “Tôi sẽ truyền đạt những nguyên lý, những bài học truyền miệng và tất cả vốn hiểu biết của tôi cho các con tôi, các con của các thầy dạy tôi và cho tất cả các môn đệ cùng gắn bó bởi một lời cam kết và một lời thề đúng với Y luật mà không truyền cho một ai khác”.
Do đó, từ xưa đến nay, sinh viên y khoa luôn có một truyền thống, là đàn anh đi trước sẽ dạy cho đàn em khóa sau. Đến lúc tốt nghiệp rồi học nội trú, truyền thống này càng rõ ràng hơn.
Bác sĩ nội trú được xem là tinh hoa của lớp sinh viên, được giữ lại với định hướng sau này sẽ làm giảng viên cho bộ môn. Ngay từ lúc này, chúng tôi đã được giao trách nhiệm rất nặng, là vừa tích lũy kiến thức chuyên môn, vừa phải học kỹ năng sư phạm từ các thầy, vừa phải thực hành giảng dạy với đàn em khóa dưới.
Thời chúng tôi, bác sĩ nội trú tuyển rất ít chỉ tiêu, một năm chỉ tuyển 9-10 người. Trong quá trình học nội trú, tôi có cơ duyên học hỏi, làm việc với các “cây đa cây đề” của ngành y, như Phó giáo sư Tôn Thất Bách, Giáo sư Đặng Hanh Đệ, Giáo sư Nguyễn Bửu Triều…
Phó giáo sư Võ Thành Toàn cùng các sinh viên y khoa là học trò của mình (Ảnh: BS).
Các thầy dù công việc rất bận nhưng luôn dành thời gian rút kinh nghiệm cũng như truyền đạt kiến thức cho bác sĩ nội trú ở các buổi giao ban. Với tôi, đó là một đặc ân rất lớn, cũng là nguồn thôi thúc tôi đến với công việc giảng dạy sau này.
Trong những “cây đa cây đề” của ngành y có cơ duyên được học tập, người thầy nào khiến ông không thể quên?
– Với tôi, người thầy gồm 2 nhóm. Nhóm đầu tiên là những người trực tiếp giảng dạy, truyền lại kiến thức, như thầy Triều, thầy Bách… Tôi xem các thầy như một tượng đài về sự uyên bác và tận tâm, tận lực.
Ở thời của chúng tôi, thông tin, sách vở, thiết bị không nhiều. Các thầy đi học ở nước ngoài xin từng cây kim, sợi chỉ, thậm chí từng viên thuốc về điều trị cho bệnh nhân cũng như cho chúng tôi học tập. Các thầy cũng như “bách khoa toàn thư”, nên với tôi, thầy nào cũng đáng quý, cũng là một tượng đài.
Sau khi học hỏi ở các thầy đủ nhiều, đến khi ra trường, chúng tôi sẽ gặp tiếp người thầy thứ hai là những bệnh nhân. Với người làm nghề y, đây có thể xem là những người thầy lớn.
Tôi vẫn luôn cho rằng, sách vở cho kiến thức bệnh lý cơ bản, còn người bệnh – với tình trạng khác nhau – giúp chúng tôi soi chiếu và thực hành kiến thức được học, từ đó đúc rút kinh nghiệm cho bản thân mình trong cuộc đời hành nghề.
Tôi vẫn luôn nhắc nhở học trò của mình, bên cạnh rèn giũa kiến thức chuyên môn, các em cũng cần lăn lộn ở lâm sàng, bám lấy bệnh nhân, bởi họ chính là những người thầy quan trọng nhất đối với hành trang làm nghề.
Điều trị là cứu cả cuộc đời bệnh nhân
Hàng chục năm làm nghề, hẳn Phó giáo sư cũng phải cứu sống những “người thầy” đặc biệt, để lại cho ông nhiều bài học đắt giá?
Tôi gặp rất nhiều bệnh nhân khiến mình nhớ mãi. Có lần, tôi tiếp nhận một cậu bé mới 13 tuổi, bị tai nạn xe tải cán qua người. Khi vào viện, cậu đã bất tỉnh, nửa người dưới dập nát, tiên lượng phải cắt cụt các chi. Sau đó, chúng tôi phải phẫu thuật từ 23h hôm trước đến 6h hôm sau và may mắn giữ được một phần chi thể bệnh nhân.
Những ngày sau đó, chứng kiến cậu bé hồi phục hàng ngày, tôi vui nhưng trong lòng vẫn đau đáu một nỗi lo, không biết cuộc sống cậu sẽ ra sao khi mất một phần cơ thể như vậy.
Suốt 30 năm làm nghề, tôi đã phẫu thuật rất nhiều ca tương tự. Thực tế, chúng tôi chỉ cứu một bộ phận cơ thể. Nhưng về mặt xã hội học, thứ chúng tôi cứu được là cả tương lai của một con người, thậm chí là gia đình hay con cái của họ.
Tôi còn nhớ thầy tôi từng dạy, bác sĩ cần xem xét bệnh lý trên từng cá thể bệnh nhân để điều trị. Mục tiêu làm nghề của chúng tôi không chỉ đơn thuần là điều trị khỏi bệnh hay phẫu thuật thành công. Với bác sĩ, cần nhìn ở góc độ xa hơn, làm sao để cứu được cuộc đời của người ấy. Đây cũng là điều tôi học được ở các thầy và luôn nhắc lại đối với các đàn em sau này.
Theo giáo sư, việc giảng dạy có vai trò như thế nào trong nghề y?
– Ngày xưa, dân gian có rất nhiều bài thuốc cổ, quý hiếm bị thất truyền, vì người ta biến đó làm công cụ để trở thành thứ kiếm sống. Hiện nay, y học hiện đại không còn để xảy ra tình trạng này nhờ công tác giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho đàn em, sinh viên.
Bên cạnh đó, nhờ giảng dạy, tôi không thể trực tiếp cảm ơn, chữa bệnh từng người thầy thì vẫn có thể mang kiến thức của các thầy truyền lại cho thế hệ kế cận. Không chỉ phục vụ công tác điều trị, các hậu bối có thể mở rộng và phát triển những đề tài, những dự án mà thế hệ các thầy hay chúng tôi vẫn còn dang dở.
Do đó, khi Bệnh viện Thống Nhất phát triển và trở thành cơ sở thực hành y khoa của sinh viên trường y tại TPHCM, tôi lại có thêm cơ hội để đứng trên bục giảng, tiếp nối sứ mệnh các thầy giao phó, đào tạo thêm nhiều thế hệ sinh viên, bác sĩ cho tương lai.
Ngoài ra, mỗi người đều có thế mạnh cũng như điểm yếu riêng. Song song với công tác giảng dạy, những người thầy cũng cần tích cực học tập và nghiên cứu suốt đời. Bên cạnh đó, thầy cô cũng là những người nắm bắt ưu điểm, nguyện vọng của học trò để định hướng con đường y nghiệp, giới thiệu những người thầy khác phù hợp, giúp các em giỏi chuyên môn hơn.
Xin cảm ơn Phó giáo sư đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện. Chúc ông có một mùa 20/11 ý nghĩa!
Thực hiện: Diệu Linh