“Thuốc đắng” tiền triệu vắt kiệt bệnh nhân ung thư


Thuốc đắng tiền triệu vắt kiệt bệnh nhân ung thư - 1

 Nhìn vỉ thuốc vơi đi một nửa, chị Bùi Thị Xiền (43 tuổi, Hòa Bình), bệnh nhân ung thư vú thở dài, lòng nặng trĩu. Số tiền giắt túi chữa bệnh vay mượn của người thân gần cạn sau 9 tháng bám trụ tại Hà Nội, lại sắp sửa vơi đi.

Chồng mất từ năm 2011, chị Xiền một mình nuôi 2 con với đồng lương ít ỏi từ công việc phụ hồ, sau đó là làm công nhân.

Tháng 3/2022, chị Xiền phát hiện hạch ở gần nách bên trái, phải vào viện mổ. Đến tháng 9/2023, người phụ nữ lần thứ hai phải lên bàn mổ khi phát hiện u xơ tử cung.

Thế nhưng cái số bệnh tật vẫn không tha, lời của người mẹ đơn thân, chỉ 4 tháng sau chị Xiền phát hiện mình bị ung thư vú.

Thuốc đắng tiền triệu vắt kiệt bệnh nhân ung thư - 3

Khoản tiền lương chỉ hơn 5 triệu mỗi tháng không đủ cho người phụ nữ có nổi cho mình một khoản tích cóp phòng thân.

Chị Xiền lên Hà Nội chữa bệnh với gần 50 triệu đồng gom góp được từ các anh chị em thân thích.

“Tôi nhập viện vào ngày 30/1. Lúc này các bác sĩ xác định u đã to và lan sang hạch ở nách nên phải đi truyền hóa chất.

Sau khi truyền xong 8 mũi thì được bác sĩ chuyển đi mổ. Mổ xong về chờ một thời gian lại được bác sĩ gọi đi xạ trị 25 mũi”, chị Xiền nói.

Có bảo hiểm y tế 80%, chi phí hóa trị, phẫu thuật và xạ trị được san sẻ đáng kể. Tuy nhiên, bệnh nhân này cho biết, tiền thuốc mua ngoài lại là một gánh nặng lớn.

“Tổ ấm” bất đắc dĩ của chị Xiền trong 9 tháng qua là một phòng trọ rộng chỉ 5 mét vuông, kê đủ một chiếc giường và một cái kệ nhỏ có giá thuê 3 triệu đồng/tháng.

Chị Xiền ở cùng một nữ bệnh nhân ung thư khác để giảm chi phí. May mắn có cơm từ thiện của các nhà hảo tâm phát hàng ngày, giúp bệnh nhân này giảm được đáng kể tiền ăn uống.

Chắt bóp đủ cách, thế nhưng người phụ nữ vẫn nặng gánh lo không kham nổi tiền thuốc cho đến hết liệu trình.

Thuốc đắng tiền triệu vắt kiệt bệnh nhân ung thư - 5

Mới đây lên xạ trị, chỉ sau vài lần xạ đầu tiên, chị Xiền yếu hẳn, bàn chân tê ngồi lâu không nhấc lên được. Chị lại phải nhờ bác sĩ kê đơn thêm đợt thuốc mới hết 1,5 triệu đồng.

Người phụ nữ mắt đã mờ đi một phần sau đợt điều trị dài ngày không còn đọc rõ công dụng của thuốc trong tờ hướng dẫn sử dụng, chỉ biết rằng sau khi uống tình trạng ở chân đỡ hẳn.

Hôm nay, chị Xiền đến mũi xạ trị thứ 9 trong tổng cộng 25 mũi xạ (Mỗi ngày xạ trị một lần). Nhắc đến tương lai, người phụ nữ mắc bệnh hiểm nghèo bất giác bật khóc.

“Từ tháng một đến nay, tôi chưa kiếm được một đồng nào, sống qua ngày bằng tiền vay mượn. Điều trị xong bệnh cũng không biết sẽ ra sao, làm gì để trả nợ, mà bệnh này thì sẽ vẫn còn thuốc thang suốt cả đời. Tay tôi qua ca mổ cắt khối u và vét hạch nách đã yếu đi rất nhiều, khó có thể bưng vác được”, chị Xiền bần thần về tương lai xám xịt.

Thuốc đắng tiền triệu vắt kiệt bệnh nhân ung thư - 7

Nhẩm tính số tiền đã tiêu kể từ khi lên Hà Nội điều trị ung thư trực tràng (12/9), ông Nguyễn Văn Học, 64 tuổi, sống tại Bắc Ninh, khẳng định đã hơn 50 triệu đồng.

Có bảo hiểm 100% vì là thương binh, nhưng bệnh nhân này cho biết, tiền đóng các khoản tạm ứng, tự mua một số loại vật tư bệnh viện thiếu và mua thuốc ngoài vượt ngoài sức tưởng tượng.

Chỉ trong một tháng đầu tiên điều trị, riêng tiền thuốc, theo ông Học đã hết khoảng 10 triệu đồng.

Trong chiếc túi nilon đựng đủ các loại thuốc của ông Học, chỉ có một hộp Pecabine 500mg và một lọ thuốc mỡ bôi hậu môn, theo ông, vừa được cấp từ bảo hiểm sau một tháng nhập viện.

Các loại thuốc hỗ trợ miễn dịch, thuốc bổ cho bệnh nhân ung thư trong quá trình hóa xạ trị, lại hầu hết đều phải mua ngoài rất tốn kém.

Lọ thuốc với thành phần Fucocidant, do bạn đồng bệnh giới thiệu, có giá 3,5 triệu đồng, được ông Học mua trong tuần đầu tiên lên viện. Ông nói mình tự mua trước vì quá sốt ruột trong một tháng chờ có phác đồ điều trị. Đây cũng là lọ thuốc đắt nhất mà ông từng mua.

Người nông dân cả đời sống tằn tiện cho gia đình, có nằm mơ cũng không thể ngờ, có lúc chính mình lại phải đốt tiền triệu mỗi ngày vì bệnh tật.

Với tâm lý bất an khi phát hiện bản thân mắc bệnh hiểm nghèo, cũng như ông Học, nhiều bệnh nhân tự tìm hiểu mua thêm các loại thuốc được quảng cáo tốt cho người ung thư và hầu hết đều rất đắt.

Thuốc đắng tiền triệu vắt kiệt bệnh nhân ung thư - 10

Đưa cho phóng viên xem 2 lọ thuốc nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay, bà Nguyễn Thị Nhãn, nói đây là thứ có giá trị nhất trong căn phòng trọ 5 mét vuông của bà và người chồng ung thư vòm họng lúc này.

Hai lọ thuốc chi chít chữ nước ngoài khiến bà Nhãn cũng không thể đọc được tên. Người phụ nữ này cắn răng để mua khi biết tốt cho căn bệnh của chồng.

“Một lọ có giá 600.000 đồng lọ còn lại 500.000 đồng dùng trong một tháng. Cô dược sĩ giới thiệu người đi xạ trị và truyền hóa chất về cần phải uống để trợ sức, tăng đề kháng, bổ gan là tôi mua ngay. Gắng được ngày nào hay ngày đấy”, bà Nhãn nói.

Theo bà Nhãn, những loại thuốc này dù mang tiếng là bổ trợ thêm nhưng không có thì không được, bởi sau khi hóa, xạ trị xong bệnh nhân xuống sức thấy rõ.

Ở gần khu của bà Nhãn là nơi ở tạm của ông Nguyễn Văn Đỉnh, 68 tuổi và bà Nguyễn Thị Nhã. Cũng như nhiều bệnh nhân ở xóm trọ này, hai vợ chồng già “sống mòn” vì gánh nặng bệnh tật.

Hơn một tháng theo chồng lên Hà Nội chữa bệnh, bà Nhã chỉ ăn cơm, cháo từ thiện, để tiết kiệm tiền trang trải chi phí điều trị và thuốc men cho chồng.

“Cố bóp mồm bóp miệng lại cuối tháng dư thêm mấy trăm, để mua thêm thuốc bổ cho ông nhà đỡ mệt”, bà Nhã trầm giọng.

Những ngày đầu mới lên viện, bà Nhã còn bị sốc khi phải mua các đơn thuốc có giá tiền triệu chỉ dùng được vài mươi ngày, bởi ở quê cùng lắm ông bà chỉ mua vỉ hạ sốt, lọ C sủi vài chục nghìn đồng.

Người phụ nữ đầu hai thứ tóc dự tính khi chồng xạ trị ổn định, sẽ tìm việc làm thêm, ai gọi gì làm đó, để có thể giảm bớt phần nào gánh nặng kinh tế, khi mà khoản vay mượn người thân để chồng chữa trị cứ ngày càng lớn dần lên.

Thuốc đắng tiền triệu vắt kiệt bệnh nhân ung thư - 11

 “Thực sự đối với bác sĩ không mong muốn bệnh nhân ra ngoài mua thuốc, bởi vì mua ngoài còn liên quan đến chất lượng, điều trị”, đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT), diễn ra chiều 24/10.

Về đảm bảo thuốc chữa bệnh, vật tư y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ: “Đây là yêu cầu và gắn với trách nhiệm của các cơ sở y tế”. Luật pháp có điều chỉnh nhưng thực tế không phải mọi gói thầu đều có thể mua được ngay thuốc, trang thiết bị y tế.

Thuốc đắng tiền triệu vắt kiệt bệnh nhân ung thư - 13

Bộ trưởng Lan dẫn chứng, Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội) khi các gói thầu mở ra thì mua được 95% gói thầu. Điều này có nghĩa 5% thuốc, thiết bị không có trong thị trường hoặc giá cả thay đổi nên không bán.

Bộ Y tế đề xuất giải pháp ngoài tháo gỡ cơ chế đấu thầu mua sắm, dự luật đưa ra quy định điều chỉnh thuốc giữa các cơ sở y tế.

“Có thể tháng trước, quý trước bệnh viện A mua được rồi nhưng bệnh viện B cần thì có thể điều chuyển với nhau và được thanh toán theo quỹ BHYT để có ngay thuốc cứu chữa cho người dân, tránh trường hợp người dân phải tự ra ngoài mua thuốc”, Bộ trưởng Lan nói.

Trước đó, trong kiến nghị của cử tri Bình Định gửi Bộ Y tế trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, có nội dung đáng chú ý về việc đưa thêm thuốc điều trị bệnh ung thư vào trong danh mục BHYT.

Cụ thể, cử tri tỉnh Bình Định đề cập vấn đề hiện tại thuốc điều trị bệnh ung thư ở bệnh viện công đa số không có trong danh mục bảo hiểm (trước đây thì có, hiện nay thì không). Bệnh nhân tự mua thuốc, người lao động bị bệnh đã khó khăn giờ khó khăn hơn.

Qua đó, cử tri tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Y tế quan tâm đưa thêm các loại thuốc điều trị ung thư vào danh mục BHYT, nhằm hỗ trợ hơn nữa các đối tượng tham gia bảo hiểm.

Trả lời vấn đề này, theo Bộ Y tế, với mục tiêu hướng tới thực hiện BHYT toàn dân, Bộ Y tế luôn chú trọng đến việc xây dựng và hoàn thiện chính sách BHYT, đặc biệt là gói quyền lợi về thuốc để đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh.

Bộ Y tế cũng khẳng định, hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các quốc gia có danh mục thuốc BHYT tương đối đầy đủ và toàn diện, phù hợp với mức phí đóng BHYT.

Theo Thông tư số 20/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022, Bộ Y tế đã ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.

Danh mục này bao gồm 1.037 hoạt chất/thuốc hóa dược và sinh phẩm, được chia thành 27 nhóm lớn và 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu.

Đặc biệt, trong đó có 76 hoạt chất thuốc hóa dược, sinh phẩm thuộc nhóm thuốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch. Điều này cho thấy sự quan tâm của Bộ Y tế trong việc bảo đảm quyền lợi của người bệnh ung thư.

Bên cạnh đó, danh mục thuốc BHYT tại Việt Nam được ghi dưới dạng tên hoạt chất/thành phần, không ghi hàm lượng, dạng bào chế và tên thương mại.

Như vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được quỹ BHYT thanh toán tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chỉ định điều trị, chuyên khoa điều trị, các bệnh cấp tính hay mãn tính.

Bộ trưởng nêu rõ trong thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung thông tư ban hành danh mục thuốc được quỹ BHYT chi trả, nhằm mở rộng phạm vi và đảm bảo chất lượng điều trị cho người bệnh.

Thuốc đắng tiền triệu vắt kiệt bệnh nhân ung thư - 15

 Giá thuốc cũng là một trong những vấn đề làm nóng nghị trường Quốc hội thời gian gần đây.

Trong phiên thảo luận của Quốc hội khóa XV về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược ngày 22/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thuốc là mặt hàng đặc biệt nên việc quản lý giá thuốc cũng rất quan trọng.

Thuốc đắng tiền triệu vắt kiệt bệnh nhân ung thư - 17

“Chúng ta đã nghe có bài báo nói tại sao giá thuốc tăng vô tội vạ dù quản lý từ 2016?”, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu thực tế việc quản lý đã có từ năm 2016 nhưng rất khó khăn.

Với tính chất mặt hàng đặc biệt và quy định về quản lý giá bán buôn đã được triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay, bà Đào Hồng Lan đánh giá là rất hiệu quả. Bộ trưởng cũng nhìn nhận giá thuốc trong những năm qua có tăng, song phù hợp với diễn biến thị trường.

Thảo luận các quy định liên quan tới sửa đổi Luật Dược, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà lo ngại nguy cơ độc quyền thuốc, người dân phải mua thuốc với giá cao.

Bà Hà cho hay, qua báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong hồ sơ do Bộ Y tế trình Quốc hội, mô hình quản lý giá thuốc là cơ quan quản lý nhà nước quy định trần giá như ở Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan…

Tuy nhiên, theo đại biểu, dự thảo hiện nay quy định mức giá bán buôn tối đa lại do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc xác định và các doanh nghiệp kinh doanh thuốc khác phải thực hiện theo.

“Quy định này có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường. Ví dụ, trong trường hợp cơ sở nhập khẩu thuốc xác định mức giá bán buôn dự kiến rất thấp và thành lập chuỗi nhà thuốc để bán lẻ, sau đó đẩy giá thuốc tăng lên ở hệ thống bán lẻ của mình. Đây chính là kênh bán hàng trực tiếp cho người dân và người dân vẫn phải mua thuốc giá cao”, bà Hà nhận định.

Ngoài ra, dự thảo quy định chỉ công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn. Đại biểu đặt câu hỏi về quản lý đối với thuốc không kê đơn.

Góp ý về dự thảo này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, định hướng về quản lý giá thuốc tại các tầng, nấc trung gian còn thiếu.

Đại biểu dẫn chứng các công ty với hàng chục nghìn đơn vị phân phối dược và nhà thuốc bán lẻ. Trong khi đó, nhà thuốc bán lẻ tập trung ở những nơi đông dân cư nhưng còn thiếu ở vùng sâu, vùng xa.

Thuốc đắng tiền triệu vắt kiệt bệnh nhân ung thư - 19

Theo bà Lan, nếu chưa định hướng quản lý được hệ thống phân phối thì tình trạng mua bán lòng vòng, bán thuốc kê đơn thoải mái hoặc trà trộn thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn có thể xảy ra.

Nội dung: Minh Nhật

Ảnh: Thành Đông

Thiết kế: Khương Hiền

21/11/2024 – 14:03


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *