Chiều 5/4, N.D., học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo, thành phố Nha Trang đang được các bác sĩ điều trị, theo dõi sức khỏe tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa nghi bị ngộ độc thực phẩm.
Theo lời nữ sinh này, sáng 5/4, em được phụ huynh cho 20.000 đồng để ăn sáng và đi học tại trường.
D. chọn món cơm gà gồm có cơm, thịt gà, xúc xích, sốt trứng, rau răm và canh.
“Món ăn ngon như mọi hôm, không có gì bất thường cả. Sau khi ăn khoảng 2 giờ đồng hồ em có các biểu hiện đau bụng, nôn ói nên được người thân đưa đi bệnh viện kiểm tra”, D. thuật lại.
Theo lời D., quán cơm gà này được bản thân chọn ăn sáng nhiều lần, nhưng đây là lần đầu bị đau bụng, nôn ói.
Sau khi được bác sĩ cho uống thuốc sức khỏe của D. đã ổn định, không còn đau bụng, nôn ói. Nữ sinh này được bác sĩ chỉ định tiếp tục nằm viện để theo dõi thêm.
Tương tự, P.T., học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Trường, cho biết sáng 5/4 em được mẹ cho tiền để ăn hamburger gà.
“Món ăn ngon như mọi lần, nhưng 2 giờ sau bữa sáng, em cảm thấy buồn nôn nên được trường đưa đến bệnh viện kiểm tra”, T. nói.
Mẹ em T. cho biết, nhiều phụ huynh sống gần Trường Tiểu học Vĩnh Trường thường đi làm sớm nên hay cho tiền con đi ăn sáng. Nếu có thời gian rảnh phụ huynh cũng chở các cháu đến trước cổng trường để ăn.
Nghe tin con bị nghi ngộ độc, vị phụ huynh này vô cùng lo lắng, bỏ công việc để cùng nhà trường đưa T. đi cấp cứu.
“Sau vụ việc này, chắc tôi phải tự nấu ăn sáng để cháu ăn đi học, không dám cho ăn ngoài nữa”, mẹ P.T. chia sẻ.
Theo báo cáo từ các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, tình hình sức khỏe các học sinh đều ổn định và đang được tiếp tục theo dõi.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí, chiều 5/4, công an đang làm việc tại Trường Tiểu học Vĩnh Trường; hàng quán xung quanh trường phần lớn đã đóng cửa.
Liên quan đến vụ việc, UBND thành phố Nha Trang thông tin, đến trưa cùng ngày, toàn thành phố ghi nhận 28 học sinh ở Trường Tiểu học Vĩnh Trường và Trường THCS Trần Hưng Đạo nhập viện điều trị nghi ngộ độc thực phẩm; 1 nữ học sinh tử vong khi đang trên đường đi cấp cứu.
Cụ thể, vào sáng 5/4, tại Trường Tiểu học Vĩnh Trường, nhà trường phát hiện 20 học sinh có dấu hiệu đau bụng, nôn ói, đau đầu nên đã nhanh chóng sơ cứu.
Tuy nhiên đến 7h30 cùng ngày, sức khỏe em Đ.N.B.T. (học sinh lớp 5) của trường chuyển biến nặng. Em này được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó. Nguyên nhân tử vong đang được cơ quan chức năng điều tra.
Còn 19 học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Trường đang được theo dõi tại bệnh viện tỉnh Khánh Hòa.
Tại Trường THCS Trần Hưng Đạo, thành phố Nha Trang có 9 học sinh đang nhập viện điều trị.
Trước đó như Dân trí đã thông tin, nhiều học sinh ăn sáng trước cổng trường trên địa bàn thành phố Nha Trang gồm các món cơm gà xé, bánh mì hamburger gà, bánh mì que. Sau khi ăn sáng vào lớp, các em có biểu hiện đau bụng, buồn nôn.
Ông Cao Đình Trung, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Nha Trang, cho biết trong vụ việc có một nữ sinh tử vong, tuy nhiên chưa xác định rõ nguyên nhân do ngộ độc hay bệnh nền, vì em này có tiền sử mắc bệnh tim.
Trước khi tử vong, nữ sinh này ăn sushi trước cổng trường, sau đó có triệu chứng nôn ói, được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Liên quan vụ việc một học sinh trường Tiểu học Vĩnh Trường, Nha Trang, Khánh Hòa tử vong chưa rõ nguyên nhân vào sáng 5/4; nhiều em khác cùng trường học sinh này có triệu chứng nghi ngờ ngộ độc sau khi ăn sáng tại quán xung quanh trường, tối 5/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có công văn gửi Sở Y tế Khánh Hòa, đề nghị tích cực điều trị cho bệnh nhân và điều tra, xử lý, xác định nguyên nhân vụ việc.
Đặc biệt trong thời gian từ đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố Nha Trang cũng đã xảy ra liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm. Vì thế, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bản tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho bệnh nhân, trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với Bệnh viện tuyến trên.
Phối hợp các cơ quan chức năng có liên quan điều tra, xử lý, xác định nguyên nhân vụ việc và công khai thông tin kịp thời để tránh gây hoang mang trong dư luận xã hội. Phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có).
Phối hợp các cơ quan chính quyền và cơ quan chức năng ngành Giáo dục và Đào tạo tại địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm tại khu vực trường học (bếp ăn trường học, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, các đối tượng, cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh trường học).
Nâng cao trách nhiệm của Ban Giám hiệu nhà trường, Ban phụ huynh học sinh trong công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại khu vực trường học.
Tú Anh