Chiều 21/11, hội thảo ứng dụng thành tựu y học cổ truyền trong điều trị, chăm sóc sức khỏe đã diễn ra tại TPHCM. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Hội chợ dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần 2 (diễn ra các ngày 21-23/11).
Giáo sư, tiến sĩ Trịnh Thị Diệu Thường, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Y – Dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết, trong bối cảnh y học hiện đại phát triển vượt bậc, xu hướng kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại ngày càng được quan tâm, mở ra hướng đi mới trong việc nâng cao hiệu quả điều trị và giảm thiểu tác dụng phụ.
Nhiều nghiên cứu trong nước và quốc tế đã chứng minh tiềm năng to lớn của sự kết hợp này trong điều trị các bệnh lý cấp và mạn tính, từ đó chăm sóc toàn diện sức khỏe con người.
Theo Giáo sư Thường, Việt Nam có kho tàng dược liệu phong phú cùng các bài thuốc cổ truyền đã được kiểm chứng qua nhiều thế hệ, đang nắm giữ lợi thế lớn trong nghiên cứu và ứng dụng các sản phẩm thuốc y học cổ truyền.
Đặc biệt, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, những tiến bộ khoa học công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và kỹ thuật số đã tạo ra bước đột phá trong việc nghiên cứu phát triển, sản xuất và tối ưu hóa hiệu quả các bài thuốc y học cổ truyền, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng đa dạng.
Hội thảo nêu trên quy tụ sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu từ Việt Nam và quốc tế (như Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Ma Cao, Ấn Độ) nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thành tựu và định hướng mới trong nghiên cứu phát triển và ứng dụng thuốc y học cổ truyền kết hợp hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Ông Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Y – Dược cổ truyền chia sẻ, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc phát triển dược liệu trong nước, thể hiện bằng các Nghị quyết, chương trình, chính sách của Chính phủ, trong đó có nội dung hỗ trợ phát triển việc trồng dược liệu quý.
Đây là lần đầu tiên, Nhà nước hỗ trợ bằng tiền và có một số chính sách như cung cấp giống, công nghệ, quy trình kỹ thuật hỗ trợ người dân nuôi trồng; hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng vùng trồng nguyên liệu, tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, với mức vay có thể lên đến 100 tỷ đồng…
Các chính sách ưu tiên sử dụng, khuyến khích tiêu thụ nguồn dược liệu trong nước cũng được đưa vào luật Dược sửa đổi sắp được thông qua.
Dù vậy, hiện nay việc xuất khẩu dược liệu y học cổ truyền còn một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các thông tin về thị trường quốc tế, sự kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với thị trường quốc tế vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Ngọc chia sẻ, trong thời gian tới, Nhà nước, đặc biệt Bộ Công thương sẽ có các chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp từng bước thịnh hành ngành dược liệu Việt Nam.
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần 2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hoạt động này góp phần giúp hình thành chuỗi giá trị liên kết giữa người nông dân nuôi trồng dược liệu tới các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đồng thời giới thiệu dược liệu, sản phẩm dược liệu đặc hữu, đặc thù và chất lượng của dược liệu Việt Nam với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế hy vọng, Hội chợ quy tụ 425 gian hàng, hơn 300 đơn vị Việt Nam và quốc tế sẽ trở thành cầu nối nâng cao xúc tiến thương mại phát triển thị trường dược liệu, y học cổ truyền và các sản phẩm dược liệu nói riêng, cũng như thị trường y dược và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam nói chung, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.