Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, từ 7h ngày 9/2 đến 7h ngày 10/2 (mùng 1 Tết), cả nước có hơn 51.000 trường hợp khám, cấp cứu, hơn 2.000 trẻ chào đời (gồm đẻ thường, đẻ mổ). Tổng số bệnh nhân tử vong bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện, tiên lượng tử vong xin về là 161 ca.
Về tình hình khám cấp cứu tai nạn nghi liên quan đến giao thông, các cơ sở tiếp nhận hơn 3.700 trường hợp, trong đó hơn 1.500 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú hoặc theo dõi, gần 700 bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên điều trị.
Các bệnh viện cũng tiếp nhận 280 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa, trong đó 163 trường hợp phải nhập viện điều trị, không có trường hợp tử vong. Tổng số khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế khác là 36 trường hợp (9 trường hợp phải nhập viện điều trị), có 1 trường hợp tử vong.
Trong khi đó, ngày mùng 1 Tết năm ngoái, các cơ sở y tế tiếp nhận 186 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ.
Theo Bộ Y tế, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ về tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, bảo đảm công tác thường trực cấp cứu, bố trí nhân viên, phục vụ người bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục tổ chức ứng trực đảm bảo công tác khám, chữa bệnh và điều trị cho nhân dân.
Ngoài ra, ngành Y tế cơ bản đã chuẩn bị và cung ứng đủ thuốc phục vụ khám chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân. Tính đến 12h ngày 10/2, Bộ Y tế không nhận được thông tin, phản ánh về thiếu thuốc, tăng giá thuốc.
Về tình hình bệnh sốt xuất huyết, trong tháng 2 nước ta ghi nhận 636 ca mắc, không có tử vong. Các trường hợp mắc tập trung chủ yếu tại các tỉnh thành phố miền Nam (391) và miền Trung (204). Tích lũy từ đầu năm đến ngày 10/2, cả nước ghi nhận 7.904 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 59 tỉnh, thành phố, không ghi nhận trường hợp tử vong.
Theo báo cáo nhanh của Viện Pasteur TPHCM ngày 10/2, phát hiện 3 ổ dịch sốt xuất huyết (tại Cà Mau, Tiền Giang và An Giang; đã phun hóa chất và xử lý môi trường).
Trong tháng 2, nước ta cũng ghi nhận 455 ca mắc tay chân miệng tập trung chủ yếu tại các tỉnh thành phố khu vực phía Nam (348): TPHCM (129), An Giang (35), Đồng Tháp (23); không ghi nhận tử vong.
Từ đầu năm đến ngày 10/2, chúng ta ghi nhận 4.687 trường hợp mắc tay chân miệng tại 58 tỉnh, thành phố; không ghi nhận trường hợp tử vong.
Ngoài ra, nước ta không ghi nhận trường hợp mắc các bệnh nguy hiểm, mới nổi như cúm A(H5N1), cúm A(H5N6)…