ThS.BS Nguyễn Duy Chinh, Phụ trách khoa Các bệnh mạch máu, Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết, đột quỵ não là tình trạng mất đột ngột lưu lượng máu tới não hoặc chảy máu bên trong sọ dẫn đến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não, biểu hiện bằng triệu chứng lâm sàng thần kinh tương ứng.
Triệu chứng cảnh báo đột quỵ não gồm 3 dấu hiệu quan trọng:
– Liệt mặt: Mặt không cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống, đặc biệt khi bệnh nhân nói cười.
– Yếu tay chân: Không nhấc được tay, chân hoặc nhấc lên khó khăn, một bên cánh tay hoặc chân (hoặc cả hai) đột ngột yếu đi, tê bì.
– Nói khó: Người bệnh nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó hoặc không nói được câu đơn giản.
Giai đoạn giờ “vàng” được tính từ lúc xuất hiện triệu chứng bất thường cho đến khi được chẩn đoán là 4-6 giờ.
Đột quỵ là tình trạng cấp cứu y tế khẩn cấp, có thể đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tàn tật vĩnh viễn. Khi gặp những dấu hiệu trên, bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đến cấp cứu tại các cơ sở y tế trong giai đoạn giờ “vàng”.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đột quỵ cao nhất, với khoảng 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm. Đây là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam. Trong số người sống sót sau đột quỵ, tỷ lệ bị khuyết tật do đột quỵ ở mức cao.
Đây là một trong những nội dung được trình bày tại hội nghị giao ban mạng lưới chuyên khoa đầu ngành tim mạch của TP Hà Nội quý I năm 2024 diễn ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội chiều 21/3.
Tỷ lệ mắc bệnh tim mạch ngày càng tăng cao
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết, bệnh lý tim mạch hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới và tại Việt Nam, sau đó mới đến ung thư và các bệnh lý khác. Đặc biệt ở Việt Nam những năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh tăng lên rất nhiều.
Sự thay đổi này là do nhiều yếu tố, trong đó có lối sống như chế độ ăn không hợp lý, hút thuốc lá, uống rượu bia, thói quen lười vận động… Tất cả đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch. Đặc biệt hiện nay, công việc căng thẳng, stress tinh thần cũng làm gia tăng bệnh tim mạch.
Thế mạnh của Bệnh viện Tim Hà Nội là mổ tim ít xâm lấn, hồi sức tim. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến, xây dựng mạng lưới tim mạch của TP…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, Bệnh viện Tim Hà Nội là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối, bệnh viện hạng 1 của TP về chuyên ngành tim mạch. Với chức năng đầu ngành về tim mạch, bệnh viện đã lan tỏa được những kiến thức chuyên môn, kỹ thuật mới trong lĩnh vực tim mạch.
“Tim mạch là một lĩnh vực quan trọng, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch ngày càng tăng cao ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Lấy ví dụ với bệnh tăng huyết áp, hiện nay trong cộng đồng rất nhiều người bị bệnh mà không hề biết.
Vì thế, với chức năng là bệnh viện đầu ngành công việc của Bệnh viện Tim Hà Nội là rất nhiều”, bà Nhị Hà nhấn mạnh.
Cũng theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, bệnh viện có thể đề xuất nơi nào cần đẩy mạnh phát triển lĩnh vực tim mạch, để giảm bớt gánh nặng cho bệnh viện. Sắp tới, Hà Nội sẽ khánh thành bệnh viện chuyên khoa nhi của TP, tại đây sẽ có khoa tim.