Những năm thiếu niên là giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của trẻ, được đánh dấu bằng sự khởi đầu của tuổi dậy thì và có những thay đổi đáng kể về thể chất.
Trong số những thay đổi khi dậy thì, một khía cạnh thường được cả cha mẹ và con cái quan tâm chính là sự tăng trưởng chiều cao.
Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, mặc dù di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tiềm năng chiều cao tối đa của trẻ nhưng vẫn có nhiều cách để hỗ trợ sự phát triển tối ưu ở tuổi dậy thì.
Các biện pháp tránh khởi phát dậy thì sớm
Ở bé trai giai đoạn dậy thì bắt đầu từ 11 đến 18 tuổi, còn với bé gái thường từ 10 đến 16 tuổi.
Trong giai đoạn này, cơ thể trải qua những thay đổi nội tiết tố dẫn đến những biến đổi về thể chất và cảm xúc.
Cụ thể, trẻ phát triển chiều cao tốt nhất ở 10-16 tuổi đối với nữ và 12-18 tuổi đối với nam. Đây được xem là một giai đoạn vàng cuối cùng để phát triển chiều cao của trẻ.
Để phát triển chiều cao tối ưu, cần đảm bảo tuổi dậy thì bắt đầu ở độ tuổi phù hợp với sự sẵn sàng về mặt sinh học và cảm xúc của trẻ.
Một số yếu tố có thể góp phần dẫn đến dậy thì sớm, bao gồm ảnh hưởng của môi trường, chế độ ăn uống và di truyền. Để giúp ngăn ngừa khởi phát dậy thì sớm, cần áp dụng những biện pháp dưới đây:
Chế độ dinh dưỡng cân bằng
Đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng, giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin D và canxi, rất quan trọng cho sức khỏe của xương. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có đường và ăn quá nhiều thịt đỏ.
Ngủ đủ giấc
Thiết lập thói quen ngủ đều đặn, vì giấc ngủ chất lượng là điều cần thiết cho sự cân bằng nội tiết tố và sự phát triển tổng thể.
Hoạt động thể chất
Khuyến khích trẻ hoạt động thể chất thường xuyên, không chỉ tăng cường sức khỏe tổng thể mà còn giúp duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, giảm nguy cơ dậy thì sớm.
Tránh chất độc môi trường
Giảm thiểu tiếp xúc với các hóa chất gây rối loạn nội tiết có trong một số loại nhựa, thuốc trừ sâu và các sản phẩm chăm sóc cá nhân.
Duy trì tinh thần tích cực
Nuôi dưỡng trẻ trong một môi trường được bảo vệ và không căng thẳng, vì căng thẳng mạn tính có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng nội tiết tố và có khả năng gây ra dậy thì sớm.
Tối ưu hóa việc tăng trưởng chiều cao ở tuổi dậy thì
Gen là yếu tố quyết định phần lớn chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, trẻ có thể cao hơn bằng cách ăn uống cân bằng, ngủ đủ giấc, hoạt động thể lực và có tư thế tốt.
Sau 2 tuổi, hầu hết trẻ em đều tăng trưởng với tốc độ ổn định khoảng 6,35cm mỗi năm. Khi đến tuổi dậy thì, chiều cao phát triển với tốc độ nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, mọi người đều phát triển với tốc độ khác nhau. Bạn thường ngừng phát triển chiều cao sau khi bước qua tuổi dậy thì.
Có một chế độ ăn uống cân bằng
Để tối ưu hóa chiều cao, trẻ cần cung cấp đủ các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần. Một chế độ ăn uống cân bằng cần thiết lập từ trước và trong suốt thời gian dậy thì, ưu tiên các thực phẩm bao gồm: Trái cây tươi, rau xanh, các loại ngũ cốc, chất đạm, sữa và các sản phẩm từ sữa.
Trẻ nên hạn chế hoặc tránh các thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa.
Nếu một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn đang khiến chiều cao của trẻ giảm do ảnh hưởng đến mật độ xương, hãy cân nhắc việc tăng lượng canxi.
Vitamin D cũng thúc đẩy sức khỏe của xương. Các nguồn cung cấp vitamin D phổ biến bao gồm: cá ngừ, cá hồi, sữa tăng cường vitamin D và lòng đỏ trứng.
Nếu trẻ không nhận đủ vitamin D trong chế độ ăn uống, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc bổ sung bằng thực phẩm chức năng để đáp ứng nhu cầu hàng ngày.
Thận trọng khi sử dụng thực phẩm bổ sung
Chỉ có một số trường hợp dùng thực phẩm bổ sung có thể phù hợp để tăng chiều cao ở trẻ em và chống lại tình trạng lùn đi ở người lớn tuổi.
Ví dụ, nếu trẻ mắc một tình trạng ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone tăng trưởng ở người (HGH), bác sĩ có thể đề xuất một loại thực phẩm bổ sung có chứa HGH tổng hợp.
Ngủ đủ giấc
Xây dựng thói quen ngủ sớm và đều đặn mỗi ngày, đặc biệt nếu trẻ đang trong giai đoạn dậy thì. Điều này là do cơ thể bạn giải phóng HGH khi ngủ. Việc sản xuất hormone này và những loại hormone khác có thể giảm nếu bạn không ngủ đủ giấc.
Dưới đây là thời lượng giấc ngủ được khuyến khích cho các nhóm tuổi khác nhau:
– Trẻ sơ sinh đến 3 tháng tuổi: 14-17 giờ.
– Trẻ sơ sinh 4-12 tháng tuổi: 12-16 giờ.
– Trẻ mới biết đi 1-2 tuổi: 11-14 giờ.
– Trẻ nhỏ 3-5 tuổi: 10-13 giờ.
– Trẻ em 6-13 tuổi: 9-12 giờ.
– Thanh thiếu niên 14-17 tuổi: 8-10 giờ.
Ngủ thêm thậm chí có thể làm tăng sản xuất HGH, vì vậy hãy cố gắng ngủ ít nhất là trong khoảng thời gian khuyến nghị trên và nếu được, nên có một giấc ngủ trưa.
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục thường xuyên có rất nhiều lợi ích. Trong đó có tăng cường cơ bắp và xương của trẻ, giúp duy trì cân nặng vừa phải và thúc đẩy sản xuất HGH.
Trẻ em nên tập thể dục ít nhất một giờ mỗi ngày. Các bài tập phù hợp với trẻ bao gồm: yoga (các tư thế kéo dãn), bơi lội, bóng chuyền, bóng rổ, đạp xe, chạy bộ, nhảy dây,…
Luyện tập tư thế tốt
Tư thế xấu có thể khiến trẻ trông thấp hơn thực tế. Theo thời gian, việc cúi người hoặc khom lưng cũng có thể ảnh hưởng đến chiều cao thực tế của trẻ.
Chú ý đến cách đứng, ngồi và ngủ là điều quan trọng. Nói chuyện với bác sĩ nếu trẻ khó có thể tự điều chỉnh tư thế của mình. Ngoài ra, có một số bài tập giúp điều chỉnh và cải thiện tư thế theo thời gian.