Chiều 1/11, cô bé Mông Hoàng Thảo Ngọc, 11 tuổi, người sống sót kỳ diệu trong trận lũ quét tại Làng Nủ, xuất viện sau gần hai tháng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Giữa những lời chúc mừng, động viên, Ngọc lặng lẽ rơi nước mắt, không giấu được nỗi nhớ nhà và sự xúc động khi nhìn lại chặng đường vừa qua.
“Con muốn về nhà để thắp hương cho cậu, bà ngoại và hai em”, Ngọc nấc nghẹn nói về ước mong đầu tiên của mình khi xuất viện.
Ngày kinh hoàng ở Làng Nủ
Làng Nủ, ngôi làng nhỏ dưới chân núi Voi, tỉnh Lào Cai, từ lâu là mái nhà yên bình của người Tày. Nhưng tất cả đã thay đổi vào ngày 10/9, khi bão Yagi đổ bộ mang theo mưa lớn gây ra lũ quét và sạt lở đất. Dòng nước dữ cuốn phăng tất cả trên đường đi, để lại đống hoang tàn và đau thương khắp làng quê vốn yên ả này.
Trong vài giờ ngắn ngủi, con lũ hung hãn đã cướp đi sinh mạng của 60 người dân, phá hủy gần như toàn bộ ngôi làng.
Gia đình Ngọc chịu thiệt hại nặng nề khi bà ngoại, cậu và hai em họ của em mãi mãi ra đi. Trong khoảnh khắc kinh hoàng ấy, Thảo Ngọc bị dòng nước cuốn trôi xa hơn một cây số, vùi lấp trong đống bùn đất. Em được tìm thấy sau 2 giờ trong tình trạng bất tỉnh, cơ thể phủ đầy bùn và đất đá.
Khi được chuyển đến bệnh viện địa phương, đặt nội khí quản sau 30 phút, bệnh nhi được chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh vì quá nặng, tiếp đó được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai hôm 11/9.
50 ngày sinh – tử với những chẩn đoán chưa từng có tiền lệ
Ngay từ khi tiếp nhận Thảo Ngọc, các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã xác định đây là cuộc chạy đua sinh tử.
Tính mạng của cô bé 11 tuổi như một sợi chỉ mảnh, khi cơ thể đã phải chịu quá nhiều thương tích.
Ngọc được chẩn đoán mắc hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) do đuối nước và hít phải lượng lớn bùn đất, gây tổn thương nghiêm trọng tới phổi và đường hô hấp. Không chỉ vậy, Ngọc còn gặp các biến chứng về viêm phổi nặng, sặc nước, suy đa phủ tạng, chấn thương gan độ 3, gãy 1/3 xương đòn phải, theo dõi tụ máu dưới màng bán cầu não trái, nhiễm khuẩn suy đa tạng.
“Phổi của bé như một khoang chứa đầy cát và sỏi, chưa từng có ca nào tổn thương nặng nề như vậy. Ngay từ đầu, chúng tôi xác định đây là một cuộc chiến giành giật sự sống không thể bỏ cuộc”, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nhớ lại.
Các biện pháp chuyên sâu như lọc máu, thở máy, nội soi phế quản, kháng sinh đã được áp dụng ngay cho bệnh nhi những giờ đầu tiên.
Trong suốt 5 ngày đầu, các bác sĩ rửa phổi và dạ dày liên tục để loại bỏ bùn đất, sỏi và cát trong phổi và đường tiêu hóa.
Theo TS Đỗ Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai tình trạng của Ngọc lúc này rất cam go, viêm phổi trầm trọng do ứ nước và bùn đất.
“Chưa bao giờ lịch sử cấp cứu bệnh nhân suy hô hấp có tổn thương phổi kèm theo nhiều dị vật, cát sỏi như vậy. Nếu không lấy dị vật có thể gây phản ứng viêm, nhiễm trùng, việc cấp cứu khó khăn. Một tuần rửa lọc phổi, dịch từ phổi vẫn đục ngầu bùn cát”, TS Sơn chia sẻ.
Những ngày đầu điều trị, cả ekip “nín thở” dõi theo tình trạng của bệnh nhi. Mặc cho những nỗ lực cứu chữa không ngừng nghỉ, gần một tuần trời, Ngọc vẫn chưa có chuyển biến tích cực.
“Mỗi lần nội soi lấy bùn ra, cả đội ngũ bác sĩ đều căng thẳng và thót tim vì chỉ một lượng bùn còn sót lại trong phổi cũng có thể gây nguy hiểm”, PGS Cơ kể về áp lực cứu sống bé gái, chia sẻ thêm rằng, nhiều lúc tưởng chừng tuyệt vọng, cơ hội sống hết sức mong manh.
Trong suốt hơn hai tuần điều trị tích cực, tình trạng của Ngọc vẫn ngàn cân treo sợi tóc. Dù được chăm sóc kỹ lưỡng, mỗi ngày trôi qua vẫn là một ngày căng thẳng với đội ngũ y bác sĩ.
Ngày 18/9, tín hiệu khả quan đầu tiên xuất hiện khi Ngọc đã có thể dừng lọc máu, mở ra hy vọng mới cho gia đình và đội ngũ y bác sĩ. Ngày 20/9, cô bé được rút ống nội khí quản.
Thế nhưng chỉ một ngày sau, do tình trạng viêm phổi nặng, Ngọc lại phải đặt lại ống vì phổi xuất hiện nhiều ổ áp xe do hít phải bùn đất và ngâm nước lâu ngày.
PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ: “Phổi của bé đầy ổ áp xe do hít phải bùn đất và ngâm nước lâu ngày. Mỗi cơn ho của bé là nỗi lo của tất cả chúng tôi”.
Người trong cuộc mô tả đây là một đại chiến dịch. Rất nhiều bộ phận cùng chung tay để giữ lấy sợi dây sinh mệnh đang rất mỏng mạnh của cô bé làng Nủ.
PGS Nguyễn Hoàng Anh, Phó trưởng khoa Dược, Bệnh viện Bạch Mai, xúc động kể: “Chưa bao giờ trong chuyên môn chúng tôi gặp ca bệnh căng thẳng như vậy. Khó khăn nhất là chọn thuốc phù hợp, có những chẩn đoán sử dụng phác đồ chưa có tiền lệ cho bệnh nhi”.
Bệnh viện Bạch Mai liên tục hội chẩn toàn viện, mời hội chẩn liên viện với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, hội chẩn với chuyên gia Nhật Bản, để tìm phương án điều trị cho ca bệnh khó.
Mỗi ngày trôi qua, tim của cô bé còn đập, là thêm một ngày hy vọng.
Đến ngày 24/9, bé gái có một số cải thiện. Tuy nhiên, bệnh nhi vẫn trong tình trạng nặng, phải thở máy, phối hợp nhiều kháng sinh, dinh dưỡng, phục hồi chức năng. Vấn đề nghiêm trọng của Ngọc lúc này vẫn là phổi do hít phải bùn đất và ngâm nước trong thời gian dài. Phim chụp cho thấy phổi vẫn có nhiều ổ áp xe, ho nhiều đờm…
Sau 2 tuần điều trị tối ưu bằng các phương pháp tiên tiến nhất tại Trung tâm Hồi sức tích cực, bệnh nhân được theo dõi sát sao từng thông số cận lâm sàng, từng biểu hiện lâm sàng để có những phác đồ, chiến lược và xử trí phù hợp với diễn biến bệnh. Từ ngày 25/9 đến ngày 29/9, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt.
Ngày 29/9, Ngọc được cai thở máy và ngày 30/9 cô bé đã cử động được tại giường, lúc này các bác sĩ mới thở phào, hi vọng về sự sống tốt đẹp cho bé sau này.
“Cả tập thể chúng tôi như vỡ òa khi thấy cháu tự thở, tự cử động. Đó là thành quả của cả quá trình không ngừng nghỉ, của đội ngũ y bác sĩ và ý chí sống mãnh liệt của cháu”, PGS Cơ nói về khoảnh khắc đầy xúc động, vẫn còn vẹn nguyên cảm giác “lâng lâng” đến hiện tại.
“20 ngày nhìn con qua cửa kính, tôi chỉ biết cầu nguyện”
Dần tỉnh táo trở lại sau khi cai thở máy, những mảnh ký ức trước khi hôn mê của Thảo Ngọc chỉ là tiếng ầm ầm. Lần đầu khi mở mắt, nhận ra mẹ đứng ở cạnh bên, cô bé chỉ đủ sức kéo lấy vạt áo mẹ.
Được ở gần con sau hơn 20 ngày chỉ biết cầu nguyện qua cửa kính, chị Hoàng Thị Dịp, 33 tuổi, cố nén những giọt nước mắt xúc động.
“Hai cậu cháu đều được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai. Khi cậu đang ở Trung tâm Hồi sức tích cực thì cháu nằm ở Trung tâm Nhi khoa. Rồi em tôi không qua khỏi vì tổn thương quá nghiêm trọng, lúc này, các bác sĩ hội chẩn lại quyết định chuyển con lên Trung tâm hồi sức.
Thời điểm đó, tôi lo muốn rụng tim, vì vốn biết con đã nặng, nhưng chuyển lên đây, nơi toàn bệnh nhân nặng tôi càng lo lắng hơn”, mẹ bé Thảo Ngọc chia sẻ.
Hơn lúc nào hết, chị Dịp muốn ôm con vào lòng, hôn lên tóc, lên má con. Thế nhưng người mẹ trẻ vẫn chưa thể chạm vào cô con gái, vì Ngọc hiện vẫn rất yếu.
Vượt qua giai đoạn nguy hiểm tính mạng, Thảo Ngọc bước vào quá trình phục hồi chức năng. Đây là bước cực kỳ quan trọng.
Bệnh viện Bạch Mai mời chuyên gia từ Pháp, Nhật sang hướng dẫn em tập các bài tập phục hồi xương đòn, tăng cường thể lực và khả năng hô hấp.
Sức khỏe của Ngọc cải thiện từng ngày. Đêm đầu tiên được đoàn tụ, bé Ngọc và chị Dịp cứ thế ôm lấy nhau mà khóc. Phải đến khi được ôm con trong tay, người mẹ mới thực sự dám tin con gái mình đã được hồi sinh.
“Nhớ những thời khắc con nằm ở ranh giới sinh tử, vợ chồng tôi chỉ biết òa khóc, cầu khấn phép màu”, chị Dịp chia sẻ.
Ngày 9/10, bé Ngọc đã đi lại được, tiếp xúc tốt, thở khí phòng. Các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và biểu hiện lâm sàng ghi nhận bệnh nhân phục hồi tốt.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm, thời điểm vào viện, bé không có bất cứ giấy tờ để có thể tra cứu được bảo hiểm y tế do đã bị bão lũ cuốn trôi hết, nhưng các cơ quan bảo hiểm xã hội đã phối hợp, tổng số tiền mà quỹ bảo hiểm y tế chi trả gần 600 triệu đồng.
Số tiền còn lại do Bệnh viện Bạch Mai và các nhà hảo tâm thông qua sự kết nối của Phòng Công tác xã hội giúp đỡ người bệnh và gia đình, trong đó có các chi phí về sinh hoạt của gia đình trong thời gian điều trị tại bệnh viện.
Làng Nủ hồi sinh trên nụ cười con trẻ
Ngày 1/11, tiếng vỗ tay vang lên không ngớt tại Hội trường lớn tầng 3, tòa A11, Bệnh viện Bạch Mai khi Thảo Ngọc và mẹ bước lên bục. Đó là niềm vui, là sự cảm phục mà hơn một trăm con người dành cho câu chuyện cổ tích, được viết nên bởi những nỗ lực tuyệt vời của các “blouse trắng” và nghị lực sống phi thường của cô bé người Mông.
“Đã có lúc tưởng chừng không thể gặp lại con, nhưng giờ đây con đã có thể gọi mẹ, có thể trở về với gia đình, đi học trở lại. Tất cả là nhờ sự tận tình cứu chữa của các y bác sĩ. Các bác sĩ đã sinh ra con một lần nữa”, chị Dịp nghẹn ngào chia sẻ trong lễ ra viện của con gái.
Trước buổi ra viện, cô bé thỏ thẻ nói lời cảm ơn các y bác sĩ đã điều trị, chăm sóc cho con suốt thời gian qua.
Bé Ngọc là bệnh nhân Làng Nủ cuối cùng xuất viện sau biến cố lũ quét gần hai tháng trước, bởi tình trạng thương tích nặng nề nhất.
Những vết tích của trận sạt lở kinh hoàng trên tay, chân, mặt của Ngọc đang dần liền sẹo. Cô bé cũng nguôi ngoai phần nào nỗi đau mất người thân. “Con rất nhớ nhà. Con muốn về nhà để tiếp tục được đi học”, Ngọc thủ thỉ.
Lần này trở về, Ngọc sẽ không còn gặp được nhiều người thân thiết, bạn bè. Nhưng tổ ấm của em sẽ có bố, có mẹ bù đắp cho hơi ấm của bà, của cậu.
“2 vợ chồng tôi quyết định trở về thôn Làng Nủ chăm con, tái thiết cuộc sống. Tôi muốn giành nhiều thời gian hơn nữa cho con, bù đắp quãng thời gian chúng tôi đi làm thuê ở Hà Nội, không được ở gần con”, chị Dịp chia sẻ về quyết định của mình.
Hình hài của một Làng Nủ mới đang dần hiện rõ nhờ sự chung tay của các cấp chính quyền, nhà hảo tâm và sẽ được hồi sinh nhờ vào nghị lực của những người trẻ gác lại nỗi đau tột cùng, để bước tiếp.
“Lớp học của con, cũng có 2 bạn không thể trở lại sau vụ lũ quét. Con thương bạn lắm. Khi trở về, con sẽ chăm chỉ học tập để lớn lên được làm bác sĩ”, bé Ngọc chia sẻ.