Việt Nam chưa có luật cụ thể cấm hoạt động buôn bán thịt chó, mèo
Tổ chức Y tế thế giới ước tính mỗi năm có khoảng 59.000 người tử vong vì bệnh dại trên toàn thế giới. Tại nước ta, từ năm 2022 đến nay, bệnh dại có xu hướng gia tăng.
Năm 2023 cả nước có 82 người tử vong vì bệnh dại, gần 675.000 người phải điều trị dự phòng bệnh. Trong đó 80% trường hợp do chó cắn, 18% do mèo, còn lại do các động vật khác như khỉ, chuột, dơi.
Từ đầu năm đến nay, nước ta cũng ghi nhận 79 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 23 tỉnh, thành phố, giảm 3 trường hợp tử vong so với cùng kỳ năm ngoái. Một số tỉnh có số tử vong cao là Bình Thuận (9 ca), Đắk Lắk (7 ca), Nghệ An và Gia Lai mỗi địa phương 6 ca.
Một khảo sát gần đây cho thấy ở Việt Nam, Campuchia và Indonesia, ước tính có khoảng 10 triệu chó và mèo bị giết hàng năm để lấy thịt, trong đó riêng tại Việt Nam là khoảng 5 triệu chó và 1 triệu mèo.
Vì thế, các can thiệp toàn diện và ngay lập tức là cần thiết để tránh những ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động buôn bán này đến hình ảnh quốc gia, sức khỏe cộng đồng và rủi ro vi phạm các quy định về phúc lợi động vật.
Tại Hà Nội mới đây đã diễn ra chương trình đối thoại chính sách Giải pháp hoàn thiện công tác phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người và các vấn đề về phúc lợi động vật.
Chia sẻ tại chương trình, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng, để giải quyết một cách triệt để vấn đề này, chúng ta cần những giải pháp chính sách toàn diện.
“Hiện tại, Việt Nam chưa có luật cụ thể cấm hoạt động buôn bán thịt chó, mèo. Vì thế, thay vì chờ đợi, việc ban hành các quy định dưới luật như một nghị định của Chính phủ hướng dẫn quản lý và xử phạt các hoạt động buôn bán, vận chuyển và giết mổ chó, mèo, có thể góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề trên.
Việc Hà Nội tiên phong thí điểm sớm chấm dứt chuỗi cung ứng buôn bán thịt chó, mèo để loại trừ bệnh dại và các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người là đáng hoan nghênh”, ông Huân nhấn mạnh.
Hướng đến một Việt Nam không có bệnh dại
Trong thời gian gần đây, quan điểm “Hà Nội nói không với thịt chó, mèo” đã thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Ông Ngô Đình Loát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội, cho biết, trong những năm qua, Hà Nội đặc biệt quan tâm tới bệnh dại. TP đã ban hành kế hoạch về thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phòng, chống dịch bệnh dại trên địa bàn TP giai đoạn 2022-2030.
Trong đó, tập trung chính vào quản lý chặt chẽ đàn chó nuôi, tổ chức tiêm phòng dại cho 100% đàn chó mèo nuôi, điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại, kiểm soát vận chuyển, buôn bán chó, mèo.
Theo ông Rahul Sehgal, Giám đốc Truyền thông Quốc tế của Tổ chức Soi Dog, đơn vị hỗ trợ triển khai mô hình thí điểm tại Hà Nội, buôn bán thịt chó, mèo gây ra những rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và phúc lợi động vật.
Cách tiếp cận đổi mới của Hà Nội cho thấy cải cách chính sách có thể chuyển đổi các thói quen truyền thống.
“Chúng tôi cam kết hỗ trợ việc sớm chấm dứt buôn bán thịt chó, mèo thông qua các hoạt động thực thi pháp luật, nâng cao năng lực, truyền thông đại chúng và hỗ trợ phát triển sinh kế thay thế cho các cá nhân/cơ sở cam kết chấm dứt buôn bán thịt chó, mèo”, ông Rahul Sehgal nói.
Theo đó, với mục tiêu hướng đến một Việt Nam không có bệnh dại và sớm loại bỏ buôn bán thịt chó, mèo, chúng ta cần tăng cường thực thi pháp luật đặc biệt là việc thi hành các hình phạt nghiêm khắc cho cá nhân/tổ chức vi phạm; triển khai các chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức đại chúng để thay đổi nhận thức, niềm tin và thói quen văn hóa…
Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Hiện tại, không có thuốc chữa bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người 100% đều dẫn đến tử vong.
Hiệu quả nhất là phòng ngừa thông qua tiêm phòng bệnh dại cho chó mèo hàng năm và tiêm vaccine phòng bệnh dại cho người ngay sau khi bị chó, mèo cắn (hoặc cào có vết thương chảy máu), càng sớm càng tốt.