“Xuân Bắc nhiều ưu điểm lắm”
Kể từ năm 1994 đến nay, đã gần 3 thập kỷ đi qua, Tự Long – Xuân Bắc vẫn song hành cùng nhau mỗi khi chạy show hay ra sản phẩm mới – trở thành cặp bài trùng không thể tách rời. Điều gì khiến 2 anh kết hợp với nhau lâu đến vậy?
– Đó là sự tôn trọng mới đi được cùng nhau, kết hợp với nhau.
Mọi người vẫn thường nói, một rừng không thể có 2 con hổ, một nước không thể có 2 vua, một sân khấu có thể nhiều nghệ sĩ kết hợp thành một nhóm để cộng tác nhưng một lúc nào đó cũng tách ra thôi.
Nghệ sĩ kết hợp với nhau khó lắm. Vậy mà tôi và Xuân Bắc đã “chịu đựng” nhau, nhẫn nhịn nhau để cùng diễn, cùng làm nghề gần 3 thập kỷ rồi.
“Mối tình” này đúng là hiếm có khó tìm thật (cười). Chúng tôi gần như không tách rời: Có Xuân Bắc là có Tự Long và ngược lại.
Cả hai thống nhất nếu một đơn vị trả cát-xê cao nhưng chỉ mời một người diễn, chúng tôi sẽ từ chối. Thỉnh thoảng, tôi muốn đóng cặp với người khác cũng phải thông báo cho Xuân Bắc: “Mày ơi, có chỗ này thân thiết mà họ lại muốn tao đóng với Quang Thắng, Công Lý. Mày xem có được không?”. Đó là sự tôn trọng lẫn nhau.
Không chỉ là “cạ” của nhau trên sân khấu, chúng tôi còn ở với nhau từ thời sinh viên, vì vậy, ngoại trừ vợ, con ra thì hầu như có sự việc hoặc vấn đề gì xảy ra trong cuộc sống, chúng tôi cũng chia sẻ được hết.
Về cơ bản chúng tôi hiểu nhau từ ngày xưa. Thậm chí, người ta bảo Xuân Bắc nói thế này hay thế kia thì tôi biết ngay Xuân Bắc có nói hay không.
Chúng tôi tin nhau tuyệt đối nên mới sống được. Không bao giờ có chuyện nghe người khác nói rồi có suy nghĩ và quan điểm lệch lạc về nhau.
Cả hai gắn bó lâu nên diễn rất ăn ý, hiểu nhau đến độ chỉ cần nhìn vào mắt nhau là hiểu người kia muốn dùng chiêu trò gì để còn tung hứng. Khi đóng với Xuân Bắc, tôi cảm thấy cả hai sẽ có sản phẩm tốt nhất nên càng muốn gắn bó.
Tự Long – Xuân Bắc gắn bó và ở với nhau từ thời sinh viên. Không chỉ là “cạ” của nhau trên sân khấu, ngoài đời họ còn là những người bạn tri kỷ không thể tách rời (Ảnh: Facebook nghệ sĩ).
Điều gì ở Xuân Bắc anh cảm thấy quý và phục nhất?
– Con người của Xuân Bắc là tấm gương của sự chịu khó về học hỏi, tố chất rất thông minh. Ở Xuân Bắc, ngoài tố chất và tư cách ra thì sự nghiêm túc trong nghề nghiệp là điều mình cần phải học.
Nghiêm túc ở đây là từ sáng tạo trong nghệ thuật đến hình ảnh của nghệ sĩ khi bước lên sân khấu: Xuân Bắc đặt danh dự của người nghệ sĩ rất cao và chỉn chu.
Nhiều người có thể đại khái nhưng với Bắc, khi cảm thấy chưa chắc và chuẩn thì bao giờ cậu ấy cũng phải tập dượt lại mới bước ra sân khấu. Sự nghiêm túc đó không phải chỉ với bản thân Xuân Bắc mà còn với những bạn diễn.
Đó là điều không phải ai cũng làm được vì khi đến một nấc nào đó, mọi người thường cho mình cái quyền “như thế là được rồi” nhưng với Xuân Bắc thì không bao giờ đủ.
Kể từ lúc còn sinh viên cho tới bây giờ đã giữ chức vụ Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam hay đi diễn nhóm cũng thế, Xuân Bắc vẫn phải tập trung một cách nghiêm túc, từng giây từng phút ra sân khấu phải sang trọng, chuẩn chỉ và định hướng khách quan.
Đó là điều tôi phục và tôn trọng Xuân Bắc.
Tự Long và Xuân Bắc trong chương trình “Táo quân” 2018 (Video: VFC).
Còn tật xấu của Xuân Bắc thì sao? Đều là những nghệ sĩ có tên tuổi, cả hai tiết chế cái tôi của mình như thế nào?
– Ai cũng có cái tôi riêng, mà cái tôi của nghệ sĩ thì lớn lắm. Nếu người nào cũng bảo vệ quan điểm và cách làm của mình, không tiếp thu sự góp ý của nhau sẽ không thể tồn tại được.
Khi kết hợp cùng, càng phải chấp nhận những mặt tốt đẹp nhất và cả những gì xấu nhất.
Tôi ví von mình nhịn Xuân Bắc như… nhịn cơm sống. Chẳng hạn, khi đi ô tô cùng, tôi phải bật máy lạnh hết cỡ còn Xuân Bắc không chịu được. Mỗi lần như vậy là Bắc lấy khẩu trang bịt mũi vì cậu ấy bị xoang không thở được, còn tôi thì nóng.
Đi xe mà như hai gái cùng lấy một chồng, cãi nhau um cả lên (cười).
Hay khi đi diễn, tôi bị toát mồ hôi không một chỗ nào không có, Bắc thì chẳng giọt nào, cứ như đi chơi, nhìn phát ghét.
Tôi hay bỗ bã, rất vô tư, không được chỉn chu, nghĩ sao nói vậy, nó thuộc về cá tính rồi, giờ khéo léo và thân thiện quá sẽ không phải là mình. Còn Xuân Bắc mực thước, khuôn khổ, ăn nói kín kẽ, phải nghĩ và chắt lọc, nên tỉ lệ người ghét tôi nhiều hơn Xuân Bắc.
Riêng về tật xấu… Xuân Bắc có nhiều lắm, đặc biệt là hay đến muộn.
Tôi vẫn thường nói vui, nếu sau này Xuân Bắc không làm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam nữa thì về làm “giám đốc nông trường cao su”. Hẹn giờ… người ta cái lốp cao su đã đành, đằng này ông ấy là cả một nông trường cao su luôn (cười). Tôi làm việc ở Nhà hát Chèo Quân đội, là dân lính nên lúc nào cũng đúng giờ.
Bắc tác phong chậm, từ đi lại đến ăn uống. Nhiều lúc, mọi người vội vàng ăn nhanh để làm việc thì Bắc mới bắt đầu vào bữa, khiến cả ê-kíp phải chờ hoặc cậu ấy cứ vừa ăn vừa làm.
Xuân Bắc cũng hay chỉnh, rèn và nhắc lắm. Những cái nhắc đó là rất nhỏ nhưng nếu tích tụ thành cái lớn thì khó làm việc với nhau.
Nó nhắc kiểu rất khó chịu, như bố dạy con vậy, lắm khi cũng căng thẳng. Tôi cũng biết, nhiều khi cũng căng lại, bảo có nhất thiết phải căng thẳng thế không, nó lại dịu đi.
Nhưng về cơ bản 10 lần nhắc thì mình tiếp thu 9 lần, mình nói lại nhưng về sau vẫn phải nghe vì nó nói đúng và có ý tốt.