Bé trai 7 tuổi tím tái tử vong sau khi ăn bánh bông lan mẹ mua


Chiều 29/12, nguồn tin của phóng viên Dân trí tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, các bác sĩ nơi đây vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi tử vong thương tâm.

Bệnh nhi là bé K.D.M. (7 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai). Theo báo cáo nhanh, trước đó vào khoảng 10h ngày 28/12, bé trai được mẹ chở đến gửi tại nhà cô giáo chủ nhiệm lớp 2.

Trên đường đến nhà cô, mẹ có mua bánh bông lan cho M. ăn sáng khi ngồi trên xe. Khi đến nhà cô, bé không ăn gì nhưng khoảng 3 phút sau, bé có biểu hiện tím tái và tay ôm cổ. Phát hiện sự việc, cô giáo đã sơ cứu và đưa bé đến cấp cứu tại một phòng khám trên địa bàn, sau đó chuyển tiếp bé đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Tại đây qua thăm khám, các bác sĩ xác định bé có tình trạng hôn mê, môi tím, hóc dị vật, đã ngưng thở, ngưng tim 30 phút, đồng tử giãn 5mm, phản xạ ánh sáng âm. Ekip điều trị đã tiến hành lấy dị vật, đặt nội khí quản rồi chuyển bé lên Bệnh viện Nhi đồng 2 theo yêu cầu của người nhà.

Bé trai 7 tuổi tím tái tử vong sau khi ăn bánh bông lan mẹ mua - 1

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (Ảnh: Hoàng Lê).

Tuy nhiên khi đến bệnh viện tuyến cuối ở TPHCM, bệnh nhi đã ngưng tim ngưng thở ngoại viện. Dù các bác sĩ nỗ lực tiến hành hồi sức hơn 30 phút nhưng không cứu cháu bé. Bệnh nhi được chẩn đoán tử vong nghi do nghẹt đường thở.

Sau khi nhận thông tin từ giáo viên chủ nhiệm, trường tiểu học Phan Bội Châu (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã báo cáo vụ việc đến Phòng Giáo dục – Đào tạo TP Biên Hòa và UBND địa phương. Cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân chính xác gây ra cái chết của bệnh nhi.

Trước sự việc trên, đã có nhiều trường hợp trẻ tử vong sau khi hóc dị vật. Vào năm 2017, một bé trai 5 tuổi tại TPHCM đã không qua khỏi sau khi bị một miếng thạch rau câu lọt vào đường thở, gây suy hô hấp cấp.

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh nên tập cho con em mình thói quen ăn uống, nhai nuốt an toàn. Trong lúc đang ăn tuyệt đối không nô đùa. Nếu trẻ chẳng may hóc dị vật, tuyệt đối không đưa tay móc miệng trẻ để lấy ra vì chẳng những không lấy được dị vật mà còn đẩy nó vào sâu hơn.

Khi trẻ có biểu hiện khó thở phải nhanh chóng sơ cứu hà hơi, thổi ngạt, nhồi tim, sau đó đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *