Tin kinh nghiệm truyền miệng, 80% bệnh nhân đột quỵ đến viện sau giờ vàng


Ngày 16/1, phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), công bố hỗ trợ về đào tạo và kỹ thuật cho Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện Bạch Mai để cải thiện công tác chăm sóc đột quỵ tại Việt nam và tiểu vùng Mê Kông.

Tin kinh nghiệm truyền miệng, 80% bệnh nhân đột quỵ đến viện sau giờ vàng - 1

Bệnh viện Bạch Mai kí kết với đối tác nhằm nâng cao năng lực điều trị đột quỵ, phục hồi chức năng sau đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Thế Anh).

Tại Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, PGS. TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đột quỵ cao nhất, với khoảng 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm.

Đột quỵ là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam. Trong số người sống sót sau đột quỵ, tỷ lệ bị khuyết tật do đột quỵ ở mức cao.

PGS.TS Mai Duy Tôn thông tin, mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận đến 50% bệnh nhân đột quỵ, trong đó, chỉ khoảng 20% bệnh nhân đến viện trong thời gian vàng.

“Nhiều người chưa nhận thức được sự nguy hiểm của đột quỵ, chưa nhận thức được tầm quan trọng cấp cứu trong giờ vàng, vẫn tin vào các phương pháp truyền miệng như chích máu đầu ngón tay, chích máu tai, rồi dùng các loại an cung…, bỏ qua thời gian vàng đến viện”, PGS Tôn thông tin.

PGS Tôn thông tin thêm, tại Trung tâm, khoảng 20% bệnh nhân đột quỵ đến viện trong thời gian vàng. Con số này đã tăng lên so với trước đó, nhưng so với nhiều trung tâm trên thế giới, tỉ lệ này còn khiêm tốn. Có nhiều trung tâm, bệnh nhân đến trong thời gian vàng đạt 50-75%.

Theo PGS Đào Xuân Cơ, với sự hợp tác này, sẽ giúp nâng cao năng lực điều trị, cấp cứu đột quỵ, phục hồi chức năng sau đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai. Với mục tiêu, xây dựng Trung tâm đột quỵ Bạch Mai thành Trung tâm điều trị hàng đầu, đào tạo hàng đầu.

Giám đốc USAID Việt Nam Aler Grubbs phát biểu. “Chúng tôi mong muốn giúp Việt Nam tăng cường áp dụng các thực hành tốt nhất trên thế giới về cứu chữa bệnh nhân và giảm thiểu khuyết tật ở những người bệnh đột quỵ.”

Theo bản ghi nhớ, trong thời gian 2 năm tới, đối tác thực hiện dự án của USAID là tổ chức HI sẽ phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai để nâng cao năng lực chuyên sâu thông qua việc hỗ trợ chương trình đào tạo sau đại học chuyên ngành đột quỵ và bệnh lý mạch máu não cho bác sĩ.

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ đa ngành để đảm bảo người bệnh được chăm sóc liên tục trong suốt quá trình điều trị; tăng cường phối hợp, chia sẻ các kỹ năng thực hành tốt và hỗ trợ kỹ thuật thông qua các mạng lưới quốc gia và quốc tế; và nâng cao năng lực nghiên cứu của Trung tâm Đột quỵ và Trung tâm Phục hồi chức năng của Bệnh viện Bạch Mai.

Theo PGS Tôn, với dự án này, Trung tâm sẽ tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức về bệnh đột quỵ cho cộng đồng; tăng cường năng lực cho bác sĩ Trung tâm đột quỵ của Bệnh viện Bạch Mai; cung cấp một số trang thiết bị cho trung tâm đột quỵ; tăng cường đào tạo, nghiên cứu khoa học…

“Chúng tôi mong muốn cộng đồng sẽ hiểu hơn về bệnh đột quỵ, kịp thời đến viện trong thời gian vàng, được can thiệp kịp thời, cơ hội hồi phục tốt. Với bệnh nhân đến giờ vàng có thể sử dụng phương pháp tiêu huyết khối trước 4,5 giờ từ khi có dấu hiệu; với lấy huyết khối cơ học có thể được mở rộng 6-24 giờ, nhưng càng can thiệp sớm, cơ hội hồi phục càng cao.

Chúng tôi cũng mong muốn xây dựng Trung tâm đột quỵ ngày càng phát triển, vừa điều trị tốt người bệnh, vừa là Trung tâm giúp đào tạo về đột quỵ cho các bác sĩ trong nước, các bác sĩ trong khu vực”, PGS Tôn bày tỏ.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *