Sập bẫy vì mộng làm đẹp “cấp tốc, giá rẻ” đón Tết
Tự ti về gương mặt mọc nhiều mụn trứng cá từ khi dậy thì, cách Tết 2 tháng, Tùng (tên nhân vật đã được thay đổi), 16 tuổi, sống tại Hải Dương đã “lùng sục” khắp các trang mạng xã hội để tìm cách làm đẹp da cấp tốc.
Đọc được thông tin về một loại kem trị mụn được quảng cáo “có nguồn gốc từ thiên nhiên” và có thể “trị mụn, làm trắng da cấp tốc” kèm theo mức giá rẻ bất ngờ, do được chiết khấu đến 50% nhân dịp Tết, Tùng nhanh chóng chốt đơn.
2 tuần đầu tiên sử dụng sản phẩm, đúng như quảng cáo, mụn trứng cá của Tùng giảm nhiều, da mềm mịn và sáng hơn.
Thế nhưng bước sang tuần thứ ba, mụn bất ngờ xuất hiện trở lại. Càng bôi tiếp, mụn lại càng nhiều thậm chí còn nghiêm trọng hơn trước khi dùng kem. Sau gần một tháng sử dụng sản phẩm kem trị mụn, Tùng phải tìm đến bác sĩ vì gương mặt như “trận địa” với chi chít mụn mủ, mụn bọc, da mẩn đỏ, ngứa nhiều.
Trực tiếp thăm khám, ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho biết, bệnh nhân được xác định bị biến chứng do dùng kem trị mụn không rõ nguồn gốc có chứa corticoid.
“Tại thời điểm nhập viện, da mặt bệnh nhân bị nhiễm khuẩn với chi chít mụn mủ. Bệnh nhân cũng được chẩn đoán: trứng cá do thuốc, da bị nghiện corticoid bôi.
Trong quá trình thăm khám, chúng tôi cũng gặp khá nhiều những trường hợp bị tổn thương, biến chứng: mỏng da, giãn mạch, sạm da do bôi kem trộn, kem gây độc tế bào để điều trị nám, mụn, trắng cấp tốc”, BS Thành cho hay.
Cùng mong muốn làm đẹp nhanh để đón Tết, chị Thủy (tên nhân vật đã được thay đổi), 45 tuổi, sống tại Hưng Yên cũng đã phải nhận lại “trái đắng”.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, kể từ năm 24 tuổi đã thấy xuất hiện nám nhiều ở phần gò má, sau khi sinh con xong thì những vết nám đó ngày càng đậm. Tuy nhiên, vì không có điều kiện kinh tế nên chị không đến bệnh viện điều trị.
Mới đây, chị Thủy vô tình xem được một quảng cáo về thuốc trị nám cấp tốc trên sàn thương mại điện tử đánh đúng vào nhu cầu của mình.
“Người bán hàng quảng cáo sau 7 ngày sẽ khỏi nám hoàn toàn. Thêm vào đó, sản phẩm giá thành vừa phải và có nhiều lượt bán nên tôi quyết thử một lần. Nếu hiệu quả đúng như vậy, Tết này sẽ tự tin diện váy áo đi chơi”, chị cho biết.
Sau 3 ngày sử dụng loại kem này, người phụ nữ thấy da sáng, căng bóng. Nhưng sau 2 tuần, càng bôi, chị lại thấy da căng đỏ, đau rát, tróc vảy.
Do mua thuốc trên mạng nên chị cũng không biết phải xử lý ra sao. Chị Thủy có liên hệ với người bán thì chỉ nhận được câu trả lời: “Em cũng chỉ là người nhập hàng về bán, em thấy nhiều người dùng có bị sao đâu”, rồi tắt máy.
Theo BS Tiến Thành, thời điểm đến thăm khám, tình trạng làn da của bệnh nhân vô cùng nặng nề, với nhiều tổn thương trên da như: Viêm da tiếp xúc dị ứng; tăng sắc tố sau viêm; da mỏng và giãn mao mạch; nền da vô cùng yếu, nhạy cảm.
Gia tăng bệnh nhân biến chứng thẩm mỹ dịp cận Tết
Chỉ trong vòng một tháng vừa qua, BS Tiến Thành đã tiếp nhận hơn 30 bệnh nhân gặp biến chứng vì làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ chui, spa, quán cắt tóc hoặc sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.
Theo chia sẻ của hầu hết bệnh nhân, “tai nạn” xuất phát từ nhu cầu làm đẹp đón Tết theo tiêu chí: Hiệu quả cấp tốc nhưng chi phí phải chăng.
Khi mạng xã hội phát triển, tạo điều kiện cho các cơ sở thẩm mỹ “chui” dễ tiếp cận với khách hàng. Với hình ảnh sống động, bắt mắt và những lời quảng cáo có cánh, thổi phồng công dụng, các cơ sở này đã đánh đúng vào tiêu chí mà số đông khách hàng thích, đó là ngon, bổ, rẻ.
“Hết hoàn toàn nám sau một lần sử dụng; tiêm meso có mấy trăm nghìn đồng. Thực tế, các sản phẩm tốt không thể có giá đó ngay từ nguyên liệu đầu vào. Do đó, họ sẽ chỉ sử dụng những sản phẩm trôi nổi.
Những cơ sở này đánh trúng tâm lý thích quảng cáo, thích những gì vượt quá kỳ vọng như quảng cáo “khỏi hoàn toàn; hết sạch mụn sau một lần điều trị”. Thật ra hoàn toàn không thể có hiệu quả “thần thánh” như vậy”, chuyên gia này nhấn mạnh.
BS Thành cảnh báo người dân cần hết sức tỉnh táo khi chọn địa chỉ làm đẹp. Đặc biệt, với các thủ thuật xâm lấn như tiêm filler, tiêm meso tuyệt đối không được làm tại các spa, thẩm mỹ viện, quán cắt tóc.
Hiện nay nhiều spa, thẩm mỹ viện, quán cắt tóc thường cử người đi học các khóa ngắn hạn khoảng 3-4 tháng theo kiểu dạy nghề, sau đó về trực tiếp các thủ thuật như: tiêm meso, tiêm filler cho khách.
Điều đáng nói những nơi nhận đào tạo cũng không quan tâm trình độ đầu vào và kiểm tra kết quả đào tạo của học viên.
Theo BS Thành, việc tiêm meso; tiêm filler; hay các thủ thuật xâm lấn cho dù nhỏ chỉ được thực hiện tại cơ sở y tế được Sở y tế, Bộ Y tế cấp phép hoạt động, được phê duyệt danh mục kỹ thuật trong phạm vi hoạt động chuyên môn.
Những người được phép tham gia khóa học đào tạo này phải là bác sĩ đa khoa, bác sĩ thẩm mỹ, da liễu… Do đó, các nhân viên ở spa, trung tâm làm đẹp, thợ cắt tóc, gội đầu không được học để thực hiện các thủ thuật này.