Người Việt ăn gần 2.000 tấn đặc sản “thịt rừng” mỗi năm
Từ lâu, các món ăn được chế biến từ động vật hoang dã như thú rừng (lợn rừng, dúi, don, chồn…), bò sát (kỳ đà, rùa) hay chim trời, được một bộ phận người Việt xem là đặc sản, “món sang” tiếp khách.
Đặc biệt, dịp lễ Tết, nhu cầu về các món đặc sản “từ thiên nhiên” lại tăng cao. Không ít người quan niệm đầu năm ăn thịt thú rừng sẽ giúp mang lại may mắn và tài lộc.
Theo nghiên cứu của Milica Sandaji và cộng sự, trung bình, có khoảng 4.000 tấn thịt động vật hoang dã được buôn bán bất hợp pháp qua thị trường Việt Nam hàng năm, trong đó khoảng 2.000 tấn phục vụ nhu cầu trong nước. 80% số này được đưa vào phục vụ tại các nhà hàng đặc sản thú rừng.
Nghiên cứu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và GlobeScan thực hiện năm 2021 tại Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ, cho thấy 7% tổng số người được hỏi khẳng định họ hoặc một người mà họ quen biết đã mua sản phẩm từ động vật hoang dã tại các khu chợ bán động vật hoang dã trong 12 tháng qua.
Tỷ lệ này cao hơn ở Việt Nam với 14%. Đáng chú ý, 9% trong tổng số người trả lời đã mua các sản phẩm từ động vật hoang dã chia sẻ họ có thể và sẽ mua lại sản phẩm động vật hoang dã trong tương lai.
Ẩn họa hoại tử, viêm não từ món ăn “nhà giàu”
Dưới góc nhìn của các chuyên gia, việc ăn các loài động vật hoang dã tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe, nhất là khi khó có thể kiểm soát được nguồn gốc của loại đặc sản này.
Một số mầm bệnh phổ biến và đặc biệt nguy hiểm vẫn xuất hiện trên động vật hoang dã và có khả năng gây bệnh cho con người, như virus Cúm A/H5N1 được phát hiện trên cầy hương, hay liên cầu khuẩn trên lợn rừng…
Theo BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các loại động vật hoang dã tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nguy hiểm với con người.
Đáng nói, theo BS Thiệu, nhiều người lầm tưởng rằng, thú rừng, điển hình như lợn rừng, có nguồn gốc từ thiên nhiên nên “sạch” và thoải mái ăn tiết canh hoặc các món tái mà không lo nguy cơ mắc bệnh.
Theo BS Thiệu, ăn tiết canh lợn rừng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mắc liên cầu khuẩn lợn. Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn trở nặng rất nhanh. Chỉ vài giờ sau khi có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn hoặc nổi các ban trên người đã diễn biến nặng.
Điều trị bệnh liên cầu lợn cũng rất khó khăn, người bệnh thường phải nằm ở khoa hồi sức tích cực trong vài tuần. Thậm chí, nếu nhập viện khi đã nặng, bệnh nhân có nguy cơ bị hoại tử da, đầu tay, mặt và di chứng nặng trên cơ thể như điếc tai, ngón tay phải cắt cụt.
Theo chuyên gia này, bệnh liên cầu lợn lây truyền qua các tổn thương, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín. Do đó, không chỉ ăn tiết canh mà ngay cả khi giết mổ, chế biến lợn không tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn, cũng có thể bị nhiễm liên cầu khuẩn.
Ngoài ra, lợn rừng hay các loại thú rừng khác như cầy hương, hoẵng, dúi… nếu không chế biến chín, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các loại giun sán. Việc nhiễm giun sán điển hình như sán dây, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Một ví dụ khác là mầm bệnh từ các loại chim trời. Theo BS Thiệu, chim trời là vector truyền bệnh của nhiều bệnh lý nguy hiểm, điển hình như virus cúm gia cầm H5N1. Một số bệnh lý mà các loại chim hoang dã có thể lây truyền cho con người như: bệnh Ornithose (sốt do chim), bệnh Psittacose (sốt vẹt), tiêu chảy, tả, lỵ, giun sán…
Đáng chú ý, virus gây bệnh viêm não Nhật Bản, căn bệnh được xem là “nỗi ám ảnh” của trẻ em cũng có thể “ẩn mình” trong chim trời.
“Con người bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản khi muỗi culex (muỗi ruộng) hút máu của các động vật mang mầm bệnh sau đó tiếp tục đốt người.
Theo giám sát dịch tễ, giai đoạn tháng 5-7 muỗi sẽ hoạt động nhiều, cũng là mùa chim đến ăn quả chín.
Ở các vùng có quả chín ở giai đoạn này có thể có nhiều chim di cư từ những vùng có virus đến ăn quả. Trong quá trình chim di cư sinh sống tại đây, muỗi sẽ hút máu chim mang mầm bệnh sau đó lại tiếp tục truyền sang các loại gia súc.
Điều này khiến mầm bệnh “bao vây” khu dân cư làm tăng nguy cơ con người bị lây truyền virus từ vết muỗi đốt”, BS Thiệu phân tích.
Từ đặc sản đến nguy cơ bùng nổ dịch bệnh mới
Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 60% các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở trên người có nguồn gốc từ động vật và 70% trong số đó là các bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Vì vậy, động vật hoang dã nói chung đều có khả năng tiềm ẩn những nguy cơ đối với sức khỏe con người.
Lịch sử cũng đã ghi nhận hàng loạt những đợt bùng dịch nghiêm trọng như hội chứng suy hô hấp cấp tính (SARS), hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), EBOLA, hay các trường hợp gần đây như Covid-19 và bệnh đậu mùa khỉ đều có nguồn gốc từ động vật và lây truyền từ động vật sang người.
Theo bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng Đại diện Wildlife Conservation Society Văn phòng Việt Nam (WCS Việt Nam), chuỗi cung ứng động vật hoang dã cho dù là hợp pháp hay bất hợp pháp đều tiềm ẩn những nguy cơ lây truyền dịch bệnh giữa người và động vật.
Cụ thể, nếu thực hành vệ sinh và an toàn sinh học kém… sẽ tạo ra điều kiện lý tưởng cho sự sinh sôi, phát tán và lây lan của các tác nhân truyền bệnh từ động vật hoang dã sang người và ngược lại. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây bùng phát thành dịch và đại dịch như dịch bệnh SARS, Covid-19….
Kết quả các nghiên cứu của WCS phối hợp với các đối tác trong hơn 10 năm qua đã phát hiện 46 virus có khả năng lây truyền giữa người và động vật trên cả động vật và người.
Nghiên cứu được thực hiện tại các khu vực có nguy cơ cao lây truyền dịch bệnh giữa người và động vật dọc theo chuỗi cung ứng động vật hoang dã tại Việt Nam, như: Các điểm thu thập phân dơi làm phân bón; cơ sở gây nuôi động vật hoang dã (dúi, nhím, cầy); khu vực chợ/nhà hàng/điểm buôn bán động vật sống và động vật hoang dã tịch thu được từ hoạt động buôn bán trái pháp luật.
Trong số này có 26 virus mới, chưa từng được phát hiện trước đây và 20 virus đã biết.
Trong nghiên cứu được đăng trên tạp chí Frontiers in Public Health (2022) đã đưa ra kết luận rằng, các mẫu sinh phẩm thu thập từ 7 cá thể tê tê vào năm 2018 (Trên tổng số 246 cá thể tê tê tịch thu được từ các vụ buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2018 được lấy mẫu nghiên cứu) có xuất hiện virus corona.
Loại virus này có mối quan hệ gần gũi về mặt di truyền với chủng virus phát hiện trên các cá thể tê tê tịch thu tại Trung Quốc và đều có liên quan với chủng virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19.
Theo WCS Việt Nam, việc phát hiện các virus mới có nguy cơ lây truyền giữa người và động vật (Corona, Herpes, Paramyxo, Rhabdo) trên nhiều loài động vật hoang dã khác nhau (nhím, dúi, cầy, linh trưởng, tê tê…) tại các mắt xích của chuỗi cung ứng động vật hoang dã, đã cho thấy những nguy cơ lây truyền dịch bệnh cho con người.
Xa hơn nữa là khả năng xuất hiện, bùng phát các dịch bệnh mới nổi.
Theo WCS Việt Nam, hiện nay, Việt Nam đã có các quy định pháp luật nhằm quản lý, phòng ngừa dịch bệnh lây truyền giữa người và động vật.
Tuy nhiên, hệ thống các quy định này tồn tại rất nhiều hạn chế, bất cập như chưa có quy định đặc thù đối với việc kiểm soát dịch bệnh từ động vật hoang dã, hướng dẫn giám sát dịch bệnh trên động vật hoang dã, đánh giá nguy cơ dịch bệnh đối với động vật hoang dã nhập khẩu, quy định về sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã…
Do vậy, WCS Việt Nam nêu rõ, để hạn chế các nguy cơ đã nêu cần có giải pháp đồng bộ để chuẩn bị ứng phó, phòng chống dịch và đặc biệt là sự chung tay của tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan như:
– Bổ sung quy định về kiểm soát dịch bệnh lây truyền giữa động vật hoang dã và người trong dự thảo Luật phòng bệnh đang được xây dựng.
– Xây dựng, cập nhật Danh mục các loài động vật hoang dã có nguy cơ lây nhiễm bệnh truyền nhiễm cho người.
– Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng để nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu lây truyền dịch bệnh giữa người và động vật theo phương pháp tiếp cận Một Sức khỏe (One Health).