Hà Nội: Đang ăn sáng, người đàn ông ngất lịm vì bệnh nguy hiểm “ưa rét”


Gia tăng ca đột quỵ vì trời rét

Khi gia đình đang cùng ăn sáng, ông Quang (tên nhân vật đã được thay đổi), 77 tuổi, sống tại Long Biên, Hà Nội bất ngờ xuất hiện triệu chứng đau đầu và nôn. Chỉ một lúc sau, cụ ông đột ngột mất ý thức.

Ông Quang nhanh chóng được gia đình gọi xe cấp cứu đưa vào viện. Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, ông Quang được chẩn đoán bị xuất huyết não. Hiện bệnh nhân phải điều trị tích cực, tiên lượng nặng.

Qua khai thác tiền sử, gia đình cho biết, ngày hôm trước ông Quang vẫn khỏe mạnh bình thường.

Hà Nội: Đang ăn sáng, người đàn ông ngất lịm vì bệnh nguy hiểm ưa rét - 1

Nhiều bệnh viện ghi nhận sự gia tăng ca đột quỵ (Ảnh minh họa: Mạnh Quân)

Những ngày miền Bắc rét đậm, rét hại vừa qua, Bệnh viện Lão khoa Trung ương ghi nhận số lượng bệnh nhân cấp cứu tăng 40-50%. Đáng chú ý, nhiều bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Theo BS Bùi Tường Lân, Khoa Cấp cứu – Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, các mặt bệnh chủ yếu của bệnh nhân cấp cứu trong thời gian qua là viêm phổi, đột quỵ và tim mạch.

“Trong số 12 giường thở máy tại khu vực dành cho người bệnh phải hồi sức tích cực có tới 8 ca đột quỵ”, BS Lân cho hay.

Theo BS Hà Vân Anh, Phụ trách Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, có một thực tế là số người đến khám không tăng nhưng người nhập viện tăng lên rõ rệt.

Chuyên gia này lưu ý tình trạng tăng huyết áp khi thời tiết chuyển lạnh: “Nhiều người vào cấp cứu chỉ vì mệt mỏi, đau đầu nhưng khi thăm khám, bác sĩ phát hiện chỉ số huyết áp tăng rất cao”.

Trong đợt rét đậm vừa qua, số người nhập viện do đột quỵ gia tăng tại khắp các tỉnh, thành phía Bắc.

PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin, mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận đến 50 bệnh nhân đột quỵ, có ngày cao điểm khoảng 55 bệnh nhân, tuy nhiên trong đó chỉ khoảng 20% bệnh nhân đến viện trong thời gian vàng.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng ghi nhận sự gia tăng các ca bệnh đột quỵ và bệnh lý tim mạch trong đợt rét này. Ngoài ra, còn có các bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7, trong đó có cả trẻ em.

Vì sao trời rét dễ đột quỵ

Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ đột quỵ cao, với khoảng 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm. Đột quỵ là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam. Những ngày rét, số ca đột quỵ gia tăng tại nhiều cơ sở y tế.

Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) xảy ra khi dòng máu cung cấp cho một phần của não, nuôi các cơ quan đặc biệt là não đột nhiên bị chặn lại hoặc khi có một mạch máu trong não bộ bị vỡ khiến máu tràn ra ngoài đè ép vào các tế bào não.

Hà Nội: Đang ăn sáng, người đàn ông ngất lịm vì bệnh nguy hiểm ưa rét - 2

Thời tiết giá rét làm gia tăng nguy cơ đột quỵ (Ảnh: Hữu Nghị).

Khi các thành phần mỡ máu như cholesterol, LDL bị rối loạn sẽ lắng đọng trên thành mạch và thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa. Những mảng xơ vữa này làm lòng mạch hẹp dần và tắc nghẽn, ngăn cản dòng máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả não bộ, gây ra biến chứng đột quỵ não cực kỳ nguy hiểm.

Nhiệt độ thay đổi đột ngột đòi hỏi hệ thống mạch máu sẽ phải có các phản xạ để thích nghi với sự thay đổi đó. Khi mạch máu co lại, tuyến thượng thận sẽ tăng tiết catecholamine trong máu dẫn đến co mạch ngoại vi. Bên cạnh đó, đường trong gan sẽ được huy động tăng cường để tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động.

Với người đã có biến chứng xơ vữa động mạch, mạch máu kém đàn hồi, xơ cứng, máu tăng độ quánh do tăng cholesterol, lòng mạch bị thu hẹp, các cục máu đông hình thành khiến lưu lượng máu qua não giảm đến 20%.

Khi gặp thay đổi đột ngột từ bên ngoài, những động mạch đưa máu lên não bị tắc nghẽn, sức cản ngoại vi tăng cao gây đứt, vỡ mạch máu não sẽ dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ và nguy cơ tử vong cao.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *