Bộ Y tế lấy ý kiến về xác định nồng độ cồn trong máu, khí thở của tài xế


Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi các chuyên gia, một số đơn vị chuyên khoa, đề nghị nghiên cứu, đề xuất về vấn đề nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển các phương tiện giao thông.

Việc đề xuất được căn cứ từ khía cạnh y tế như nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia; giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông.

Cục đề nghị các chuyên gia, đơn vị nghiên cứu, cho ý kiến và gửi các đề xuất nội dung quy định về cục trước ngày 20/2, để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế. Đây sẽ là cơ sở để nghiên cứu, đề xuất quy định nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở lái xe.

Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật không có quy định về cồn tự nhiên trong cơ thể.

Trong một số sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là những loại có nhiều đường như nho, sầu riêng, chuối, trái cây lên men, siro cảm cúm… có thể để lại nồng độ cồn trong cơ thể. Tuy nhiên lượng cồn này rất nhỏ, không còn đáng kể trong máu để đến mức khi kiểm tra hơi thở có cồn.

Đa số các trường hợp khi kiểm tra là không có nồng độ cồn, rất ít trường hợp phát hiện nồng độ cồn trong hơi thở. Những trường hợp này do cơ địa, bệnh tật vì bản chất hoa quả lên men thì phân rã rất nhanh. Đối với các trường hợp này, sau khi ăn xong thực phẩm sẽ chuyển hóa trong cơ thể và không còn nồng độ cồn.

Bộ Y tế lấy ý kiến về xác định nồng độ cồn trong máu, khí thở của tài xế - 1

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) (Ảnh: Trần Minh).

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết: “Chúng tôi ủng hộ việc xử phạt vi phạm hành chính những trường hợp có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Trong những năm vừa rồi nhờ có chính sách xử phạt nghiêm mà chúng ta đã giảm rất nhiều tai nạn giao thông”.

Theo ông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp Bộ Y tế đang tiến hành thống kê so sánh các số liệu này và sắp tới sẽ có con số cụ thể số vụ tai nạn giao thông giảm ra sao.

Về xử lý trường hợp nồng độ cồn vượt ngưỡng, ông Khoa cho biết thêm Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức hội thảo khoa học về vấn đề này.

“Cá nhân tôi cho rằng với những trường hợp điều khiển phương tiện có nồng độ cồn đặc biệt cao cần nghiên cứu xử lý nghiêm. Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải tham khảo thêm quy định các nước trên thế giới để đưa quy định sao cho hài hòa, phù hợp với bối cảnh thực tế”, ông Khoa nói.

Mới đây, Bộ Y tế cũng đã có cuộc họp với Bộ Công an về một số vấn đề liên quan đến quy định nồng độ cồn với lái xe. Vấn đề này sẽ được hai bộ và các cơ quan liên quan thảo luận trong thời gian tới.

Mức phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe được quy định tại nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định với ngưỡng nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, người điều khiển phương tiện đã bị phạt. 

Hiện nay tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh. Những ảnh hưởng bất lợi của sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe, kinh tế – xã hội đang ngày càng gia tăng.

Đặc biệt rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49. Tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia ước tính chiếm 36,2% ở nam giới và 0,7% ở nữ giới. 

Cũng vì thế, Quốc hội đã quyết định quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Việc điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là vi phạm quy định tại luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và nghị định số 100/2019/NĐ-CP.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *