Mới đây, cộng đồng mạng bàn tán việc ca sĩ Noo Phước Thịnh đáp trả gay gắt một người dùng mạng. Cụ thể, tài khoản “Huy Bùi” bình luận “Chị Thịnh” dưới bài đăng, ca sĩ này phản hồi: “Vâng chị Huy B*** (từ ngữ phản cảm – PV). Chị làm gì tôi coi” kèm ảnh đại diện của tài khoản này.
Sau đó, Noo Phước Thịnh xin lỗi vì khiến khán giả, người hâm mộ nhìn thấy thông tin tiêu cực ngoài âm nhạc về mình cũng như ‘không đủ vững chãi để đối diện các vấn đề một cách khéo léo’.
Khi nghệ sĩ không kiểm soát được cảm xúc trở nên ‘hung hãn’
Trừ trường hợp người dùng mạng bịa đặt, vu khống hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm cấu thành vi phạm pháp luật, nghệ sĩ Việt có cách ứng xử khác nhau trước những bình luận tiêu cực.
Một số cái tên có tiếng đối đáp người dùng mạng. Trước vụ việc trên, năm 2017, Noo Phước Thịnh từng gây tranh cãi vì video có phát ngôn: “Nếu các bạn cảm thấy rảnh quá hãy làm việc gì có ích như nhặt rác, chùi toilet chứ tại sao phải chui lên đây bình luận không hay vậy?”. Nhiều lần khác anh phản hồi kiểu ‘ăn miếng trả miếng’ kèm ảnh đại diện của tài khoản đó.
Ca sĩ Lệ Quyên chuyên đáp trả bằng ngôn từ nặng nề, thô tục. Khi bị công kích hoặc chê bai, cô chủ trương hạ thấp ngoại hình, địa vị xã hội và tài sản của người dùng mạng đồng thời đề cao bản thân như: “sống dưới đáy xã hội”, “chưa từng sờ qua túi hiệu”, “không có tiền mua iPhone”…
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và bạn thân – ca sĩ Vũ Hà sẵn sàng đối đáp gay gắt bất cứ bình luận tiêu cực nào. Trong đó, Đàm Vĩnh Hưng thường chụp lại cách đáp trả để khẳng định mình là ‘vùng đất cấm’ còn Vũ Hà mạnh miệng mắng chửi, thóa mạ đối phương.
Lý Nhã Kỳ cũng nổi tiếng bởi khía cạnh ‘không dễ đụng’. Nhiều tài khoản bình luận trái chiều đã nhận ‘trái đắng’ vì người đẹp này không ngại dùng từ nặng nề đáp trả.
Một số nghệ sĩ từng gây tranh cãi vì ứng xử mạng có thể kể đến: Duy Mạnh, Khắc Việt, Tuấn Hưng, Trấn Thành, Thủy Tiên, Xuân Bắc…
Không nên đốp chát người dùng mạng
Những vụ việc nêu trên tựu trung ở 2 điểm: họ không thể ngăn chặn người dùng mạng bình luận tiêu cực, trái chiều và thứ đọng lại sau cùng luôn là thông tin nghệ sĩ Việt văng tục, chửi bậy thay vì người dùng mạng gây hấn.
Nghệ sĩ hay người nổi tiếng nói chung ở Việt Nam và trên toàn thế giới đều hưởng quyền lợi, chịu trách nhiệm và đối diện các vấn đề tương tự nhau.
Họ cống hiến giá trị cho xã hội, tạo ra sức ảnh hưởng đến đám đông, nhận nhiều ưu đãi và sống bằng danh tiếng, hình ảnh. Sức ảnh hưởng của nghệ sĩ, người nổi tiếng có thể tác động tích cực lẫn tiêu cực nên cần có trách nhiệm với cộng đồng.
Nghệ sĩ, người nổi tiếng ở mọi nền giải trí đều chịu áp lực giữ gìn hình ảnh, danh tiếng; áp lực bị đào thải; cuộc sống thiếu riêng tư, thừa cô đơn; sự tồn tại của anti-fan, fan cuồng…
Khác biệt văn hóa phương Đông và phương Tây dẫn đến việc các thị trường giải trí Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… ngày càng có xu hướng đề cao đạo đức, lối sống của nghệ sĩ, người nổi tiếng.
Ở những thị trường vận hành chuyên nghiệp, lời nói, thái độ, hành vi, trang phục… của nghệ sĩ, người nổi tiếng có thể quy ra hiện kim; ngược lại người vi phạm đạo đức, sống không đúng mực có thể bị tẩy chay, mất khả năng kiếm tiền bằng hình ảnh, danh tiếng.
Người mới vào nghề thường được đào tạo về kỹ năng ứng xử với công chúng như nội dung huấn luyện căn bản. Vì vậy, họ ý thức sức ảnh hưởng của mình và chấp nhận sự tiêu cực của đám đông tồn tại hiển nhiên. Đơn cử, sau mỗi vụ ồn ào ở Trung Quốc, nghệ sĩ không làm sai vẫn luôn xin lỗi vì góp phần làm ảnh hưởng không gian mạng chung, gây phiền hà công chúng.
Vì vậy, nghệ sĩ Việt không thể viện cớ sống thật, tự do ngôn luận hay ‘không nhịn nổi’ để đáp trả thậm chí chửi thề trên mạng xã hội – hành vi vi phạm trách nhiệm cộng đồng.
Việc nghệ sĩ, người nổi tiếng đối đầu công chúng, anti-fan là cuộc chiến vô bổ, dại dột và không cân sức vì không thể triệt tiêu nguồn cơn của vấn đề trong khi hậu quả lại khôn lường.
Nhiều người, đơn cử ca sĩ Hương Giang, từng chịu tổn thất tài chính nghiêm trọng vì cố trả đũa anti-fan. Ở khía cạnh gián tiếp, họ gây ác cảm, tự bôi xấu hình ảnh, lưu giữ tiếng xấu đến nhiều năm sau.
Có thể dính vòng lao lý với tư duy ‘mạng là ảo’
Người dùng mạng cố ý bịa đặt, vu khống hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm nghệ sĩ, người nổi tiếng hoàn toàn có thể trở thành bị đơn trong một vụ án dân sự, thậm chí hình sự.
Ở Việt Nam, cá nhân có quyền đối với hình ảnh, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015. Một số hành vi có thể bị phạt hành chính hoặc cấu thành tội vu khống, tội làm nhục người khác quy định trong Bộ luật Hình sự 2015.
Ở những thị trường lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc, các công ty quản lý sẵn sàng khởi kiện người dùng mạng để bảo vệ nghệ sĩ. Đơn cử, Phạm Băng Băng được mệnh danh ‘Nữ hoàng kiện cáo’, kiếm vài triệu đến vài chục triệu nhân dân tệ mỗi năm nhờ khởi kiện các cá nhân, tổ chức vi phạm quyền hình ảnh, xúc phạm hoặc bịa đặt, vu khống gây ảnh hưởng danh dự, uy tín.
Một bộ phận người dùng mạng có tư duy ‘mạng là ảo’, lợi dụng đặc trưng nghề nghiệp để công kích nghệ sĩ, người nổi tiếng sai về pháp luật lẫn đạo đức, lối sống, đi ngược với truyền thống tốt đẹp của người Việt. Đôi bên cần sự tự giác, tự ý thức điều chỉnh hành vi, thái độ, cùng hướng tới môi trường mạng văn minh, lành mạnh.
Mai Hương
Bạn đọc có thể gửi bài viết về địa chỉ: [email protected]. Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm của VietNamNet.