“Không phải phép màu, mà tấm lòng của những người tốt bụng đã mang lại cho tôi ánh sáng”, chị Thắm chia sẻ.
Ngỡ ngàng đến… vỡ òa khi nhìn thấy số giường bệnh
Đầu năm 2024, tại sự kiện “Lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng giác mạc” tại Kim Sơn, Ninh Bình do Bộ Y tế, Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy – HĐND – UBND tỉnh Ninh Bình, huyện Kim Sơn tổ chức, chị Tô Thị Thắm (Yên Khánh, Ninh Bình) xúc động ôm chầm lấy chị gái và con gái của người đàn ông đã hiến giác mạc cho mình.
“Với mình, gia đình anh ấy cũng như gia đình mình vậy. Anh ấy không may mất đi, nhưng đã để lại giác mạc để giúp mình nhìn thấy ánh sáng”, chị Thắm chia sẻ.
Chị Thắm cho biết, từ năm 12 tuổi, chị mắc bệnh lý giác mạc và gần như không còn nhìn thấy gì. Bị bệnh, chị buộc phải nghỉ học, co mình lại vì tự ti. Chị kể, hầu như cả năm chị không ra khỏi cổng nhà.
Đến năm 2019, khi đã gần 30 tuổi, chị được hiến giác mạc một bên mắt. Lúc đầu bác sĩ giải thích mổ ghép giác mạc giúp tìm lại ánh sáng, chị khấp khởi, hi vọng nhưng cũng hoang mang, không biết mình có nhìn lại được không.
“Khi bác sĩ gỡ băng mắt, đập vào mắt tôi là… con số giường bệnh rõ ràng. Ngỡ ngàng đến hạnh phúc vỡ òa, tôi quay nhìn bác sĩ, người thân, thầm cảm ơn gia đình người tốt đã trao tặng cho mình ánh sáng.
Lúc đầu, tôi thậm chí không dám tin mình nhìn lại được sau từng ấy năm. Rồi đến năm 2020, tôi được ghép giác mạc mắt còn lại. Cuộc sống của tôi thay đổi hoàn toàn, từ chỗ chỉ quanh quẩn trong nhà, nay tôi có thể đi xe máy, đi làm…”, chị Thắm chia sẻ.
Hạnh phúc thấy rõ mặt con và người thân yêu
Trong thời gian bị bệnh giác mạc, gần như không nhìn thấy gì, chỉ quanh quẩn trong nhà, chị không dám ước một ngày mình sẽ nhìn thấy ánh sáng, sẽ có người yêu thương mình.
Nhưng rồi chị hạnh phúc đón nhận tình cảm của người đàn ông cùng làng yêu thương, quan tâm mình.
“Dù rất tự ti, nhưng tình cảm của anh khiến mình thấy ấm áp, thấy tin tưởng đây sẽ là người đồng hành trong cuộc sống của mình”, chị Thắm chia sẻ.
Được gia đình 2 bên vun đắp, anh chị đến với nhau và sinh được 2 người con trai. “Mình rất thương chồng, một mình gánh vác chăm con, việc nhà, việc đồng áng vì mắt vợ mù lòa. Làm mẹ, nhưng mình cũng chỉ có thể chăm sóc các con dựa vào bản năng của một người mẹ, nhiều khi pha được một bình sữa đã là một sự cố gắng vì gần như không nhìn thấy gì. Hình ảnh chồng, con cũng chỉ lờ mờ như cái bóng trước mắt”, chị Thắm kể.
Tháng 8/2020, chị Thắm lại tiếp tục nhận được tin vui khi có người hiến giác mạc phù hợp để ghép cho mắt trái. Thị lực 2 mắt hoàn toàn ổn định, chị Thắm không chỉ nhìn được rõ mặt chồng con, mà chị còn có thể đi xe máy, đi chợ, mua thức ăn, làm việc nhà…
“Giác mạc của những người hiến tặng đã mang lại cho tôi ánh sáng, mang lại cho tôi cuộc đời mới. Tôi luôn biết ơn thân nhân người hiến giác mạc, biết ơn người hiến giác mạc đã mang lại cho mình ánh sáng”, chị Thắm nói.
Biết ơn giác mạc hiến tặng, giúp tôi trở thành người bình thường
Với người đàn ông 50 tuổi ở Hà Nội, suốt 6 năm qua, anh không chỉ sống với tình trạng thị lực giảm, mà luôn có tâm lý tự ti, mặc cảm vì mắt đỏ rực, chảy nước, đau đớn.
Trước đó 6 năm, trong một vụ tai nạn, anh bị tổn thương thủy tinh thể, giác mạc, mất thị lực mắt phải. Tổn thương giác mạc còn gây kích thích khiến bệnh nhân đau đớn, mắt luôn đỏ, chảy nước mắt…
PGS.TS Lê Xuân Cung, Trưởng khoa Giác mạc (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết, bệnh nhân này là một trong hàng trăm ca trong danh sách chờ ghép giác mạc từ 5-6 năm nay tại Bệnh viện Mắt Trung ương.
Nguồn giác mạc hiến từ người đàn ông 40 tuổi ở Bắc Giang vừa tử vong, được Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) lấy về đêm 2/12/2023, với sự điều phối của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
Ca ghép giác mạc cho nam bệnh nhân được thực hiện sáng 6/12/2023. Các bác sĩ đã thực hiện ca ghép giác mạc cùng với việc “gia cố” thủy tinh thể thành công. “Ca ghép giác mạc đã giúp tôi trở về cuộc sống đời thường, xin được tri ân với người đã trao tặng giác mạc cho tôi”, nam bệnh nhân chia sẻ.
Gần 1.000 người đã hiến giác mạc
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thăm hỏi người dân đăng kí hiến giác mạc tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình (Ảnh: Hồng Hải).
PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế kiêm nhiệm phụ trách, quản lý, điều hành Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, chị Thắm là một trong hàng nghìn bệnh nhân được ghép giác mạc, tìm lại được ánh sáng, nhờ nguồn hiến giác mạc trong cộng đồng.
Theo PGS Hưng, kể từ khi Việt Nam có người đầu tiên tại Kim Sơn, Ninh Bình tự nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời năm 2007 đã mở ra cơ hội cho hàng trăm nghìn người mù tìm lại ánh sáng.
“Trong giai đoạn 2007-2023, cả nước có 45.000 đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã có 963 người tặng giác mạc sau khi qua đời của 20 tỉnh thành trong cả nước. Riêng tại Ninh Bình có 437 người hiến, với 417 trường hợp ở huyện Kim Sơn. Bệnh viện Mắt Trung ương đã thu nhận và ghép cho hàng trăm bệnh nhân bị mù do các bệnh lý giác mạc giúp họ tìm lại được ánh sáng”, PGS Hưng thông tin.
Tuy nhiên, con số này còn quá khiêm tốn với hơn 30.000 người mù vì bệnh lý giác mạc tại Việt Nam, họ cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc gần 1.000 người.
Tuy nhiên, con số ghép được là rất ít ỏi. Hàng dài nhiều bệnh nhân phải chờ đợi 5-6 năm không có nguồn giác mạc để hiến. Vẫn có hàng trăm nghìn bệnh nhân đang phải chấp nhận sống trong cảnh mù lòa, chờ đợi vào nguồn giác mạc duy nhất từ người hiến sau khi qua đời.
Từ tháng 5/2009, Ngân hàng Mắt đầu tiên ở Việt Nam chính thức được thành lập và đi vào hoạt động, với những nhiệm vụ chức năng chính: Tuyên truyền, vận động nhân dân hiến tặng giác mạc; thu nhận, đánh giá, bảo quản, điều phối giác mạc…
Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt cho biết, giác mạc chỉ được thu nhận sau khi người hiến tặng qua đời. Thời gian tốt nhất để lấy giác mạc là trong khoảng 6-8 giờ sau khi người hiến mất. Đến nay, cả nước có 961 người hiến giác mạc, người hiến nhỏ tuổi nhất là cháu bé 4 tuổi và lớn tuổi nhất là cụ già hơn 107 tuổi.
Trong số bệnh nhân chờ ghép giác mạc, nhiều nhất là ở độ tuổi 30-60, có cả trẻ em. Các bác sĩ kêu gọi người dân trong cộng đồng đăng kí hiến giác mạc nếu không may qua đời.
Bất cứ ai cũng có thể hiến giác mạc sau khi qua đời, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính. Những người có thị lực kém và ngay cả những người mắc bệnh nan y như ung thư hay đái tháo đường… vẫn có thể hiến tặng giác mạc.