Lần thót tim cứu người ngáo đá và chuyện nghề của “bông hồng thép” 115


Lần thót tim cứu người ngáo đá và chuyện nghề của “bông hồng thép” 115 (Video: Đoàn Thủy).

Con ngõ nhỏ sâu hun hút ở đường Thanh Lâm (Thanh Trì, Hà Nội) vang lên tiếng bánh xe lọc cọc cùng những bước chân gấp gáp.

Trong bộ đồng phục màu xanh của lực lượng 115, 2 nữ nhân viên y tế nhanh chóng đẩy chiếc cáng cứu thương hướng về phía xe cấp cứu đang đỗ cách đó 100m.

Lần thót tim cứu người ngáo đá và chuyện nghề của bông hồng thép 115 - 1

Vừa di chuyển, BS Phạm Thị Hải Yến vừa theo dõi sát tình trạng của người đàn ông ngoài 80 tuổi có tiền sử lao phổi đang nằm thở gấp trên cáng, thỉnh thoảng lại ho sặc sụa.

Cáng được đẩy vào khoang sau, chiếc xe trắng nhanh chóng hú còi lăn bánh. Phía đầu ngõ, người nhà bệnh nhân vẫn dõi theo bóng chiếc xe đi xa dần, trông chờ tin báo “bình an”.

Nam tài xế đánh lái liên tục, để len vào những khoảng trống hiếm hoi vừa được mở ra theo tiếng còi báo, giữa dòng phương tiện ken đặc tuyến đường nội đô.

Ở phía sau, mặc cho những nhịp tròng trành, từng bước xử trí cấp cứu ngoại viện vẫn được BS Yến và đồng đội của mình thực hiện nhanh – chính xác như một bản năng. Sau 10 phút, bệnh nhân dần ổn định, thắp lên niềm hy vọng bình an.

“Không những phải xử trí chính xác, chúng tôi luôn phải nhanh, rất nhanh. Với những người bệnh cần cấp cứu, đặc biệt là các trường hợp đột quỵ, đau tim, bệnh lý hô hấp, chấn thương nặng do tai nạn, thời gian chính là mạng sống của người bệnh.

Một phút chậm trễ trong cấp cứu trước viện, sợi dây sinh mệnh của bệnh nhân lại càng thêm mong manh”, BS Yến chia sẻ.

Trong khoang xe nhuốm màu thời gian này, đã có hàng nghìn mạng người được giữ lại ngay trước cửa tử theo cách như vậy.

Lần thót tim cứu người ngáo đá và chuyện nghề của bông hồng thép 115 - 2

Những bác sĩ lấy mái nhà, thành cầu làm phòng cấp cứu

BS Phạm Thị Hải Yến được gọi là “bông hồng thép” của Trung tâm Cấp cứu 115. Ở tuổi 50 nữ bác sĩ này vẫn băng băng đẩy cáng len giữa ngõ hẹp, leo thang lên mái nhà cứu người, vần bệnh nhân nặng hơn cả mình như thời mới vào nghề.

Chặng đường 10 năm đứng trong hàng ngũ của lực lượng 115 của BS Yến là những cuộc “giải cứu” người bệnh thần tốc và quá trình mài dũa những kỹ năng đậm chất “dân 115”.

Lần thót tim cứu người ngáo đá và chuyện nghề của bông hồng thép 115 - 3

Cuộc phỏng vấn của phóng viên Dân trí với BS Hải Yến nhân dịp 27/2 được diễn ra một cách “tranh thủ” chen giữa những lần báo động cấp cứu ngoại viện.

Chuyện nghề 115 được bác sĩ này mở đầu bằng một ca cấp cứu ngay trước thềm Tết Nguyên Đán Giáp Thìn:

 5h, người dân ở khu vực vòng xuyến cột đồng hồ cầu Chương Dương nghe thấy tiếng xe va chạm mạnh phía trên cầu. Ngay sau đó một nam thanh niên văng từ phía trên xuống và nằm kẹt lại phần phân cách của 2 bức tường gốm sứ.

Lần thót tim cứu người ngáo đá và chuyện nghề của bông hồng thép 115 - 4

Chỉ 10 phút sau, lực lượng cấp cứu 115 có mặt tại hiện trường.

“Nạn nhân nằm kẹt lại cách mặt đất hơn 2 mét, vị trí không thể tiếp cận bằng xe, xung quanh cũng không có điểm bám để leo lên”, BS Yến nhớ lại.

Đọc được tình huống, BS Yến ngay lập tức liên hệ với lực lượng 114 để hỗ trợ. Sau khi lực lượng 114 bắc thang, BS Yến nhanh chóng tiếp cận được vị trí của nạn nhân.

Phía sau lan can, nam thanh niên 17 tuổi nằm bất động, mắt nhắm nghiền vì đau.

– Em tên gì?

– Bao nhiêu tuổi?

– Nhà ở đâu?

– Có biết mình vừa bị làm sao không?

“Glassgow 15 điểm, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo”, BS Yến nhận định sau khi bệnh nhân trả lời được hết các câu hỏi. Cô tiếp tục kiểm tra nhanh các tổn thương toàn thân.

Nạn nhân được xác định gãy tay, gãy chân, đa chấn thương, rất có thể đã ngã xuống theo tư thế vồ ếch. May mắn, kiểm tra bước đầu chưa thấy tổn thương ở não.

Sau khi sơ cứu vết thương và nẹp cổ để đề phòng chấn thương cột sống, nữ bác sĩ cùng với một chiến sĩ 114 nhẹ nhàng đưa nạn nhân lên cáng, cố định lại và đưa xuống bên dưới thông qua hệ thống ròng rọc.

Theo BS Yến, bệnh nhân có vết gãy kín hay hở đều phải lưu ý vận chuyển thật khéo léo. Vận chuyển không đúng cách có thể khiến bệnh nhân bị sốc, làm cho tình trạng bệnh xấu đi.

Một lần khác, một người đàn ông khi đang tập thể dục vào sáng sớm ở tầng 5 thì bất ngờ bị ngã xuống tầng thượng của ngôi nhà 3 tầng nằm bên cạnh.

Tiếng kêu cứu yếu ớt của ông may mắn được một người bán hàng dưới đường nghe thấy.

Nạn nhân nằm tại vị trí khó, kíp cấp cứu của BS Yến cùng lực lượng 114 phải leo thang kiểu “bắc cầu” từ nhà này sang nhà kia mới tiếp cận được.

Lần thót tim cứu người ngáo đá và chuyện nghề của bông hồng thép 115 - 5
Lần thót tim cứu người ngáo đá và chuyện nghề của bông hồng thép 115 - 6

“Nghề của của chúng tôi rất đặc thù, nhiều khi phòng bệnh lại chính là sân thượng, mái nhà, thành cầu hay giữa đường cao tốc”, BS Yến chia sẻ.

Cô bật cười khoe rằng sau 10 năm làm cấp cứu 115, còn “rành” đủ loại kỹ năng không liên quan đến ngành y, từ leo trèo, vượt chướng ngại vật cho đến tìm “ngõ ngách” để xe cấp cứu tránh điểm tắc đường.

Tinh thần thép của lính 115

Một đêm mưa tầm tã của 3 năm trước, BS Yến cùng kíp của mình lại lên đường sau cuộc gọi báo cấp cứu với thông tin vỏn vẹn: “Bệnh nhân bị thương ở bụng”.

Lần thót tim cứu người ngáo đá và chuyện nghề của bông hồng thép 115 - 7

Xe cấp cứu dừng trước một con ngõ ở Đê La Thành, 2 nữ y bác sĩ xách cặp vật tư cấp cứu đội mưa đi sâu vào bên trong.

BS Yến kể: “Tiến đến gần nhà nạn nhân, chúng tôi gặp một đồng chí công an, được trao đổi thông tin mới biết rằng, nạn nhân ngáo đá, bị ảo giác có người muốn giết mình và đã tự dùng dao đâm vào bụng”.

“Lúc này chúng tôi bắt đầu sợ”, chị trầm giọng.

Phải đến khi lực lượng công an khống chế đối tượng, kíp cấp cứu mới có thể bắt đầu làm nhiệm vụ.

“Xuyên suốt quá trình cứu thương chúng tôi căng như dây đàn, vừa xử lý vết thương rất nặng khi dao đã đâm thấu ruột, nhưng cũng phải vừa cảnh giác nhất cử nhất động của bệnh nhân, vì người bị ngáo đá có thể bất ngờ lên cơn và tấn công bất cứ lúc nào”, BS Yến chia sẻ.

Cô cho biết phản xạ tự vệ là kỹ năng bắt buộc phải “ăn vào máu” của lực lượng 115, bởi việc cấp cứu các trường hợp đặc thù tiềm ẩn nguy cơ bị tấn công bởi “cái đầu nóng” của chính nạn nhân và những người liên quan xảy ra như cơm bữa.

Lần thót tim cứu người ngáo đá và chuyện nghề của bông hồng thép 115 - 8

Điển hình là những lần cấp cứu người bị thương trong những vụ ẩu đả. Khi lực lượng 115 đang cố cầm máu, xử trí để giữ lấy tính mạng của bệnh nhân, ngay bên cạnh, “phe còn lại” vẫn tiếp tục muốn xông lên để tấn công.

Cũng có không ít trường hợp, trong quá trình cấp cứu chính người nhà trở nên mất bình tĩnh, tạo áp lực lên những người đang cố gắng cứu người thân của họ.

“Bệnh nhân và người nhà hầu như đều trong tình trạng hoang mang, lo lắng. Do đó, kíp cấp cứu phải giữ mình không bị cuốn theo sự hoảng loạn này. Bình tĩnh xử trí tình huống thật chính xác và ổn định tình hình”, BS Yến nói, nhấn mạnh rằng tinh thần thép của dân 115 không tự dưng có, mà được tôi rèn qua hàng loạt lần cấp cứu “không bình yên”.

Phòng trực là ngôi nhà thứ hai

Phòng trực nhân viên nữ của BS Yến và các đồng đội được kê 2 chiếc giường, có móc áo quần, tủ đồ, nồi cơm và cái bếp nhỏ.

Nơi đây được xem là “ngôi nhà thứ hai” của các blouse trắng khi 50% quỹ thời gian được dùng để trực chiến.

BS Yến mô tả: “Chúng tôi cứ một ngày làm, một ngày nghỉ. Vào ngày làm sẽ trực chiến 24 tiếng, cũng từng đó thời gian nhịp độ làm việc ở trạng thái căng như dây đàn, khi các ca cấp cứu không có giờ nghỉ”.

Lần thót tim cứu người ngáo đá và chuyện nghề của bông hồng thép 115 - 9

Trung bình mỗi ngày, một kíp 3 người (bác sĩ, điều dưỡng, lái xe) thực hiện 15-17 chuyến cấp cứu. Đợt dịch Covid-19, con số này tăng lên 25-35 chuyến.

BS Yến nhớ lại giai đoạn “căng nhất” từ khi vào nghề đến nay: “Thời điểm đó việc chồng việc khi vừa phải cấp cứu cho bệnh nhân thông thường, vừa tham gia công tác vận chuyển, cấp cứu cho F0.

Xuyên suốt 2 năm, anh em luôn trong tình trạng quá tải. Sau ngày trực 24 tiếng, chúng tôi thường xuyên phải tăng ca thêm 8 tiếng.

Tuy nhiên, khi nhìn lại, chúng tôi luôn cảm thấy tự hào vì đã góp sức vào chiến thắng Covid-19 của Thủ đô”.

Cứ có cuộc gọi cần cấp cứu là chạy. Vậy nên việc ăn cơm trưa lúc 14-15h hay ăn tối lúc nửa đêm là chuyện thường với lực lượng 115.

“Tất cả ưu tiên cho việc cứu người nhanh nhất có thể nên mọi việc của chúng tôi, từ ăn uống cho đến vệ sinh cá nhân đều phải trong tâm thế tranh thủ và khẩn trương”, nữ bác sĩ chia sẻ.

Trở về sau 24 tiếng trực, BS Yến thường tranh thủ tạt qua chợ, rồi về nhà sửa soạn, ăn cơm trưa mới đi ngủ lấy sức, cho một cuộc chiến mới bắt đầu vào ngày tiếp theo.

“Đặt lưng xuống là ngủ”, cô hóm hỉnh chia sẻ về một kỹ năng đặc biệt khác của mình và đồng đội, tiết lộ thêm rằng, một năm đầu vào nghề bị sút đến mấy cân vì chưa có kỹ năng này.

Tết không có ngoại lệ. 10 năm qua, Tết đối với blouse trắng này chỉ là một buổi tranh thủ về quê ở Ninh Bình. Cô cho biết rằng, mình may mắn khi bố mẹ và con trai luôn thông cảm cho công việc đặc thù.

Bữa cơm nguội ngắt giữ trái tim nóng

12h30, phòng điều phối cấp cứu, Trung tâm cấp cứu 115, đường dây nóng đổ chuông liên hồi.

– Alo! Cấp cứu 115 xin nghe!

– Bệnh nhân bị làm sao cần cấp cứu vậy chị?

– Tình trạng hiện nay của bệnh nhân như thế nào, có bệnh nền không ạ?

Vừa hỏi, nhân viên điều phối cấp cứu vừa nhanh chóng ghi lại thông tin quan trọng của người bệnh vào sổ điều phối.

Lần thót tim cứu người ngáo đá và chuyện nghề của bông hồng thép 115 - 13

Chỉ 2 phút sau, trên bản đồ giám sát, xe số 3 “bật sáng”, di chuyển. Một hành trình cứu người cấp tốc của BS Yến cùng đồng đội lại bắt đầu.

Nơi gọi báo cấp cứu là một văn phòng tại phố Tràng Thi. Khi đến hiện trường, một nam thanh niên khoảng 30 tuổi hoàn toàn bất tỉnh được đồng nghiệp đặt nằm xuống sàn.

Trước đó 15 phút, người này kêu đau đầu rồi gục luôn tại chỗ.

Lần thót tim cứu người ngáo đá và chuyện nghề của bông hồng thép 115 - 14

“Bệnh nhân ngừng tim, ngừng thở”, BS Yến nhận định sau khi không bắt được mạch cảnh, không đo được huyết áp bệnh nhân.

Ngay lập tức quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn được kích hoạt. Lồng 2 tay vào nhau, nữ bác sĩ ép mạnh liên hồi lên ngực bệnh nhân. Trong lúc này, điều dưỡng trong kíp tiến hành tiêm adrenaline (thuốc trợ tim).

Bệnh nhân được đưa lên cáng và di chuyển xuống xe cứu thương. Xuyên suốt quá trình đó, BS Yến vẫn liên tục ép tim.

Sau hơn 100 nhịp, nữ điều dưỡng thay phiên để ép tim. Lúc này 2 liều adrenaline cũng đã được tiêm, thế nhưng bệnh nhân vẫn chưa có tiến triển. Xe từ Tràng Thi lao nhanh về phía Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Mọi nguồn lực đều được dành cho việc cứu lấy tính mạng của bệnh nhân. Tuy nhiên, nữ bác sĩ cũng dần nghĩ đến kịch bản xấu nhất, khi bên trong lồng ngực vẫn “lặng thinh”.

Sau 10 phút di chuyển, bệnh nhân được bàn giao cho Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức.

Nỗ lực ép tim ngoài lồng ngực tiếp tục tại viện. Bầu không khí trong căn phòng căng như dây đàn. Ngay bên cạnh, BS Yến không rời mắt khỏi màn hình máy điện tim, trông chờ phép màu từ những nỗ lực của đồng nghiệp.

“Có mạch rồi”, bác sĩ nam đang ép tim hô lớn.

37; 59; 102… nhịp tim trên màn hình tăng dần kéo theo niềm hy vọng sống của bệnh nhân. Chỉ trong hơn nửa giờ đồng hồ, người đàn ông tưởng chừng đã đi trọn một vòng sinh tử.

Trở về sau nhiệm vụ, BS Yến thưởng thức hộp cơm trưa phải bỏ dở vì chuyến đi, lúc này nguội ngắt, một cách ngon lành.

“May quá, cậu thanh niên còn quá trẻ”, cô phấn khởi kể về ca cấp cứu vừa xong cho các đồng nghiệp, niềm vui cứ thế sưởi ấm cả căn phòng.

Nơi đây những bữa ăn luôn “tranh thủ”, một giấc ngủ đôi khi chỉ là cái chợp mắt 5 phút, để hơn 100 chuyến xe cấp cứu có thể cấp tập lăn bánh trên khắp các nẻo đường của Thủ đô mỗi ngày, mang hy vọng sống đến cho người bệnh.

Lần thót tim cứu người ngáo đá và chuyện nghề của bông hồng thép 115 - 15

Ảnh: Mạnh Quân


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *