Tân Phó giáo sư y khoa tuổi 60 và nỗi lo bác sĩ bị “trói” mình vào máy móc


Cuối tháng 1, TS.BS Võ Tấn Đức (SN 1964, quê Tiền Giang), Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã được xướng tên trong Lễ vinh danh các viên chức vừa bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư.

Đó là thành quả sau hơn 20 năm nhiệt huyết nghiên cứu và tìm tòi của ông, với hàng trăm bài báo cáo khoa học, nhiều kỹ thuật mới được công bố trong chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh (CĐHA). Càng bất ngờ hơn khi biết thời điểm mới vào nghề y, bác sĩ Võ Tấn Đức lại là một phẫu thuật viên ngoại khoa.

Phóng viên Dân trí có cuộc trò chuyện với vị tân Phó giáo sư này, để hiểu rõ hơn về con đường y nghiệp đặc biệt của ông.

Tân Phó giáo sư y khoa tuổi 60 và nỗi lo bác sĩ bị trói mình vào máy móc - 1

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Võ Tấn Đức (Ảnh: Hoàng Lê).

Nỗi trăn trở chỉ biết “nhìn, sờ, gõ, nghe” để đoán bệnh

Xin ông chia sẻ về mối lương duyên lựa chọn và gắn bó với ngành y?

– Ngay sau năm 1975, tôi bước vào độ tuổi nhận thức được các vấn đề xã hội, những khó khăn của đất nước sau khi thống nhất, trong đó, có vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe. Tôi đã chứng kiến bệnh tật của bản thân, bạn bè và những người trong gia đình, thậm chí có những mất mát đau lòng. Chẳng biết từ lúc nào, tôi tự đặt ra câu hỏi: Làm sao để khỏe mạnh, không bệnh tật, và khi đã bệnh phải biết trước, biết sớm để chữa lành?

Động cơ thi vào ngành y của tôi đơn giản như vậy. Sau khi học xong và ra trường hành nghề, các vấn đề về sức khỏe, bệnh tật lại đặt ra trước mắt tôi. Tôi lại cảm thấy chúng cần phải được tìm hiểu tận cùng, giải quyết triệt để. Nhưng y học là ngành khoa học có tiến bộ nhanh như vũ bão, nên luôn luôn phải cập nhật để tránh lạc hậu… Vậy là tôi cứ làm, cứ tìm hiểu, rồi gắn bó hơn 30 năm nay.

Được biết trước đây, ông từng là phẫu thuật viên chuyên ngành Ngoại Tiêu hóa – Gan mật, nhưng giờ lại nắm trọng trách “đầu tàu” của khoa CĐHA tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Đâu là lý do cho sự chuyển hướng này?

– Những năm cuối thế kỷ 20, y học dựa vào kinh nghiệm và thực nghiệm. Khi còn ngồi ghế sinh viên, tôi cứ luôn ham muốn biết được ngay, nhìn thấy liền gốc rễ của bệnh. Do đó, tôi chọn ngành Ngoại khoa tổng quát và may mắn đỗ bác sĩ nội trú ngành này. Quá trình là phẫu thuật viên ngoại khoa, tôi đã mổ cho hàng nghìn bệnh nhân, được tạm thời thỏa mãn mong muốn tìm hiểu và giải quyết một số vấn đề bệnh tật.

Nhưng thời điểm đó, chẩn đoán bệnh chủ yếu chỉ qua thăm khám lâm sàng, nói nôm na là “nhìn, sờ, gõ, nghe” và một số xét nghiệm, khám phá bên trong cơ thể, đằng sau sắc diện, làn da của người bệnh.

Tân Phó giáo sư y khoa tuổi 60 và nỗi lo bác sĩ bị trói mình vào máy móc - 2
Tân Phó giáo sư y khoa tuổi 60 và nỗi lo bác sĩ bị trói mình vào máy móc - 3

Phó giáo sư Võ Tấn Đức có xuất phát điểm là một bác sĩ ngoại khoa, nhưng lại chuyển hướng sang ngành Chẩn đoán hình ảnh (Ảnh: Hoàng Lê).

Lúc bấy giờ chỉ có chụp phim X-quang, nên việc chẩn đoán phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của bác sĩ. Trước mổ, chẩn đoán có độ chính xác chưa cao, còn chứa đựng nhiều tình huống bất ngờ mà khi mổ mới thấy được. Thậm chí, ngay khi mổ cũng chỉ thấy trên bề mặt các tạng mà không nhận định được bên trong tạng, nên việc điều trị gặp rất nhiều hạn chế.

Có những ca khi vào viện, bệnh nhân đau trên rốn, đau bụng thượng vị hoặc đau hố chậu phải, triệu chứng không điển hình. Ban đầu, chúng tôi chẩn đoán viêm ruột thừa, nhưng mãi đến khi mổ ra mới biết bệnh nhân thủng dạ dày.

Khi nhận định ban đầu không chính xác sẽ kéo theo đường mổ và vị trí mổ không phù hợp, phải đóng vết mổ lại, thêm đường mổ khác. Hoặc khi mổ xong, bệnh nhân không hết bệnh mà tình trạng nhiễm trùng nặng hơn, phải mở bụng trở lại để truy tìm vết thủng bỏ sót…

Sau khi tôi tốt nghiệp bác sĩ nội trú cũng là lúc những máy siêu âm, rồi sau đó là CT, MRI… có mặt ở Việt Nam, cộng thêm việc xuất hiện internet. Đối với tôi, điều đó như một cuộc cách mạng, giúp khám phá bên trong cơ thể người, giải đáp vấn đề cơ bản của bệnh tật ở mức độ rộng và sâu hơn.

Tân Phó giáo sư y khoa tuổi 60 và nỗi lo bác sĩ bị trói mình vào máy móc - 4

Sự nghiệp của vị bác sĩ ngoại khoa chuyển hướng từ nỗi trăn trở chẩn đoán điều trị bằng “nhìn, sờ, gõ, nghe” có nhiều bất cập (Ảnh: Hoàng Lê).

Giáo sư Nguyễn Đình Hối, người thầy y khoa đầu tiên của tôi, ngày ấy với tầm nhìn rộng, nắm bắt xu thế thời đại và biết được tính tình học trò đã định hướng cho tôi vào ngành CĐHA. Tôi nhớ mãi câu nói của thầy: “Cậu đã mổ nhiều, đã thấy nhiều nhưng chỉ thấy trong mổ. Bây giờ sang CĐHA, cậu sẽ thấy được cả trước khi mổ, giúp phẫu thuật viên chủ động hơn, tránh bất ngờ và giúp lập kế hoạch trước mổ”.

Việc đang là phẫu thuật viên dần khẳng định tên tuổi lại chuyển hẳn sang một lĩnh vực “thầm lặng”, hẳn là một quyết định khó khăn. Giai đoạn mới manh nha làm trái ngành, ông có gặp nhiều thách thức?

– Thực sự là có vô vàn khó khăn, vì tôi phải vừa hành nghề ngoại khoa, vừa tìm hiểu những cái hoàn toàn mới, trong thời buổi sơ khai ban đầu: từ những nguyên tắc vật lý, nguyên lý tạo ảnh, đến những “cạm bẫy hình ảnh” trong các kỹ thuật X-quang, sau đó là CT, MRI, DSA… Mỗi bệnh khi chiếu qua lăng kính của từng kỹ thuật nêu trên sẽ cho ra hay sẽ “thấy” được hình ảnh như thế nào, đều được tôi chủ động tìm tòi.

Tôi may mắn có 2 lần được tuyển vào chương trình FFI dành cho bác sĩ đi du học tại các bệnh viện ở Pháp, học về Hình ảnh học Y khoa, Điện quang chẩn đoán và Can thiệp (giai đoạn 1998-1999 và 2004-2005), giúp tiếp cận ngành CĐHA nhanh và đúng hơn, làm cơ sở cho định hướng phát triển ngành trong đào tạo, thực hành khám chữa bệnh.

Quan tâm những bệnh lý phụ nữ vì… có con gái

Theo những gì ông phân tích, CĐHA giống như “mắt thần”, giúp xác định tình trạng bệnh nhanh chóng, để kịp thời xử trí, điều trị bệnh nhân. Chắc ông đã tiếp nhận nhiều trường hợp được cứu sống ngoạn mục nhờ ứng dụng này?

– Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM còn là phòng khám, có một người đàn ông vào viện vì đau vùng hố chậu phải. Trước đó, anh ấy được một bệnh viện tuyến tỉnh chẩn đoán viêm ruột thừa, đã cắt ruột nhưng vẫn đau nặng nề sau mổ.

Dựa trên bệnh sử, tôi lập tức cho bệnh nhân làm siêu âm để kiểm tra có sót tình trạng khác hay biến chứng nặng sau mổ hay không. Và đúng như dự đoán, từ hình ảnh siêu âm, chúng tôi phát hiện bệnh nhân có khối u đại tràng bên trái, gây tắc ruột. Nhờ vậy, anh ấy được mổ cắt bỏ khối u điều trị kịp thời. Sau đó, bệnh nhân khỏi bệnh, sống khỏe mạnh thêm nhiều năm nữa.

Tân Phó giáo sư y khoa tuổi 60 và nỗi lo bác sĩ bị trói mình vào máy móc - 5

Sự phát triển của ngành Chẩn đoán hình ảnh giúp Phó giáo sư Võ Tấn Đức cứu được nhiều trường hợp bệnh nhân nặng (Ảnh minh họa: BV).

Lại có những bé gái đến độ tuổi dậy thì đến viện cầu cứu vì đau bụng dưới. Nhờ có những CĐHA như siêu âm, chụp MRI và CT, ekip điều trị mới phát hiện có bất thường, dị tật âm đạo khiến màng trinh không thủng, hay dị tật tử cung đôi. Nếu không có chụp chiếu, người điều trị hoàn toàn có thể nghĩ bệnh nhân bị tụ máu ở vùng kín bình thường, hoặc nhầm là khối u mà cắt tử cung, âm đạo gây mất khả năng sinh sản, ảnh hưởng tương lai cả đời họ.

Từ những gì tích lũy được, tôi thấy hướng phát triển ngành CĐHA hiện nay đang theo đúng xu thế phát triển thế giới, trong y học hiện đại dựa trên chứng cứ. Càng theo ngành lâu năm, tôi càng thấy tầm quan trọng của CĐHA trong việc phát hiện, điều trị sớm và phòng bệnh.

Nhưng khám chữa bệnh phải là sự phối hợp đa chuyên ngành đối với từng loại bệnh. Bác sĩ lâm sàng phải biết hình ảnh, còn bác sĩ hình ảnh phải biết lâm sàng, giải phẫu bệnh. Việc luôn luôn đối chiếu lâm sàng – hình ảnh học – giải phẫu bệnh sẽ giúp nhân viên y tế nhanh chóng học hỏi, tích lũy kiến thức cho bản thân, cho ngành và khám chữa bệnh tốt hơn.

Được biết, ông vừa nhận học hàm “Phó giáo sư” ở tuổi 60. Để có được thành quả này, bản thân ông đã cố gắng như thế nào?

– Học hàm Phó giáo sư là sự tưởng thưởng, ghi nhận những đóng góp cho ngành của Nhà nước với một giảng viên làm công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và đối với ngành y còn thêm công tác khám chữa bệnh. Tôi đã có nhiều năm tham gia công tác giảng dạy ở bộ môn CĐHA thuộc khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM. Gần 200 học trò của tôi đã trở thành bác sĩ nội trú theo ngành CĐHA, hiện nay giữ những vị trí quan trọng tại nhiều cơ sở y tế lớn.

Tôi có hơn 120 bài nghiên cứu, trong đó khoảng 20 bài báo cáo được đăng trên các tạp chí uy tín. Lĩnh vực tôi tập trung nghiên cứu là chẩn đoán, điều trị bệnh lý Gan Mật Tụy và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán hình ảnh.

Trong đó, chụp cộng hưởng từ động học sàng chậu (để chẩn đoán các bệnh sa sàng chậu thường gặp ở phụ nữ) do tôi nghiên cứu là kỹ thuật được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam từ năm 2007.

Đến nay, kỹ thuật này đã giúp hàng chục ngàn nữ bệnh nhân phát hiện bệnh lý bất thường sau các triệu chứng nhạy cảm, khó nói như đau bụng dưới, đau khi giao hợp, són tiểu, táo bón… Từ đó, bệnh nhân được điều trị sớm, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tôi đặc biệt quan tâm những bệnh lý ở phụ nữ, vì chính mình cũng có con gái…

Đối với tôi, nhận được học hàm Phó giáo sư có phần muộn màng so với đồng nghiệp khác. Nhưng tôi thấy hài lòng với con đường đi mới mà mình đã chọn, với bao trăn trở, tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng trong khám chữa bệnh hàng ngày, để có thể khai phá “miền đất mới” trong lĩnh vực y khoa này.

Lo ngại bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh tự “trói” mình vào máy móc

Sau thành quả nêu trên, ông có định hướng gì cho con đường y nghiệp của mình trong tương lai? Và hẳn tân Phó giáo sư vẫn còn những trăn trở cho ngành CĐHA?

– Định hướng tương lai trong ngành của tôi là tiếp tục giảng dạy và thực hiện những nghiên cứu trong lĩnh vực hình ảnh học ứng dụng, bao gồm tầm soát, theo dõi, dự báo, tiên lượng, dự phòng và phương pháp điều trị mới ít xâm lấn với những bệnh lý của hệ tiêu hóa, gan mật. Tôi cũng muốn theo đuổi việc xây dựng các phần mềm trí tuệ nhân tạo trong ứng dụng của CĐHA.

Trăn trở lớn nhất của tôi là làm sao các đồng nghiệp lâm sàng nhận thức đúng vai trò quan trọng của CĐHA trong công tác khám chữa bệnh, thể hiện cụ thể bằng sự phối hợp đa chuyên khoa đúng nghĩa trong chẩn đoán và điều trị cá thể hóa. Đây là xu thế tiến bộ trong y học hiện đại ngày nay).

Tân Phó giáo sư y khoa tuổi 60 và nỗi lo bác sĩ bị trói mình vào máy móc - 9
Tân Phó giáo sư y khoa tuổi 60 và nỗi lo bác sĩ bị trói mình vào máy móc - 10

Nói thật, những bác sĩ ngành chẩn đoán hình ảnh giống như “chiến sĩ thầm lặng”, vì bệnh nhân thường sẽ nhớ đến các bác sĩ điều trị lâm sàng trực tiếp. Nhưng thỉnh thoảng, vẫn có những trường hợp bị ung thư được phát hiện bệnh sớm và điều trị khỏi nhờ CĐHA, tìm đến tôi cảm ơn.

Và ngoài phát hiện bệnh, CĐHA còn có thể trực tiếp điều trị trong 1 số lĩnh vực, như tắc mạch máu nuôi u, đặt stent mạch vành, mạch máu não, lấy huyết khối ở não, bụng, chân, xử lý áp xe gan… đều là những thứ liên quan trực tiếp đến mạng sống.

Với các nhân viên y tế theo ngành CĐHA, hiện nay có tình trạng tự “trói” mình vào hình ảnh chụp của máy móc, gây hạn chế, bó hẹp trong góc nhìn. Tôi khuyên các bạn cần phải chủ động tìm hiểu, trao đổi với bác sĩ lâm sàng để nâng cao kinh nghiệm, kiến thức chẩn đoán.

Muốn thể hiện được vai trò quan trọng trong khám chữa bệnh, người bác sĩ CĐHA cần được trang bị và tự trang bị cho mình một cách thường xuyên, liên tục những kiến thức, kỹ năng, thái độ theo từng chuyên khoa sâu khi thực hành hàng ngày.

Các đặc điểm bệnh lý về hình thái và chức năng đều có thể xuất hiện qua lăng kính của mỗi kỹ thuật hình ảnh, với những đặc thù riêng mà chúng ta có thể bộc lộ, tìm cách cho nó “hiện hình”. Và khi ấy, chúng ta có nhận biết được chúng hay không, đó là cả một chân trời để khám phá!

Xin cảm ơn những chia sẻ quý báu của ông!


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *