Những ngày qua, tại TPHCM và các tỉnh Nam Bộ nắng gắt, nhiệt độ có lúc lên đến 36-37 độ C. Theo Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, năm nay do ảnh hưởng của tình trạng El Nino, các đợt nắng nóng được dự đoán có thể bùng phát diện rộng, kéo dài với cường độ mạnh hơn những năm trước.
Hàng loạt người vào viện vì bệnh mùa nắng nóng
Thống kê từ đầu tháng 2 đến nay, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, một bệnh viện ở TPHCM ghi nhận số ca mắc các bệnh da liễu liên quan đến nắng nóng (như viêm da cơ địa, viêm da tiết bã, mẩn ngứa, mề đay, mụn, nhiễm nấm, thủy đậu…) đến khám gia tăng.
Theo đó, trung bình mỗi ngày có 50-70 người thuộc nhóm bệnh này, gồm cả trẻ em và người lớn đến “cầu cứu”, chiếm 60-70% tổng số lượt khám của khoa và tăng khoảng 30% so với thời điểm trước.
Như trường hợp của anh H. (26 tuổi), từ quê Lào Cai trở lại TPHCM làm việc ngày 19/2 sau kỳ nghỉ Tết. Vừa đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, anh thấy choáng váng vì không khí oi bức, chênh lệch lên đến 15 độ C so với ở quê. Ngày đầu tiên đi làm lại, trên da chàng trai bỗng xuất hiện các nốt sần như vết muỗi đốt, phát ban, ngứa ngáy khắp người.
Bác sĩ Trần Nguyễn Anh Thư, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da cho biết, qua thăm khám, anh H. được chẩn đoán nổi mề đay cấp tính, do cơ thể chưa kịp thích nghi với thay đổi nhiệt độ. Bệnh nhân được kê thuốc histamine nhằm giảm các triệu chứng gây viêm, khuyến cáo hạn chế ra ngoài khi trời nắng nóng. Sau điều trị và tái khám một tuần, các triệu chứng đã hết.
Còn anh L.V.C. (35 tuổi, ngụ TPHCM) bắt đầu nổi những mụn nước đầu tiên trên lưng sau 2 ngày sốt nhẹ, nhức đầu và mệt. Công việc mỗi ngày trong công trường xây dựng phải làm dưới nắng khiến người đàn ông đổ nhiều mồ hôi, gãi nhiều hơn vì ngứa ngáy. Thêm một ngày, những mụn nước trên lưng đã lan khắp mặt, thân mình, tứ chi kèm ngứa, đau rát.
Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán anh bị thủy đậu thời kỳ toàn phát. Người bệnh được điều trị ngoại trú với thuốc kháng virus đường uống, giảm ngứa và bôi thuốc xanh methylen. Đồng thời, bác sĩ cũng hướng dẫn anh C. tắm các loại xà phòng hoặc dung dịch sát trùng, hạn chế gãi, chà xát mụn nước để tránh các biến chứng như bội nhiễm.
Bệnh nhân được yêu cầu nghỉ ngơi khoảng 10 ngày cho tới khi da bong hết vảy tiết và tránh tiếp xúc với người xung quanh.
Điều trị trễ có thể thành bệnh mạn tính
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu chia sẻ, khi thời tiết thay đổi đột ngột, nắng nóng, độ ẩm cao gây nhiều ảnh hưởng và làm tăng nhiệt độ da, thay đổi độ pH, tăng tiết mồ hôi và bã nhờn. Từ đó dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông, dễ viêm da, rối loạn hệ vi sinh vật trên da, khiến da nhạy cảm hơn.
Thời tiết nóng còn khiến lỗ chân lông giãn nở, khiến cho bụi bẩn dễ dàng xâm nhập và tích tụ lại bít tắc lỗ chân lông tạo thành mụn. Xét về đối tượng, trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh nền, tình trạng miễn dịch yếu sẽ đề kháng kém trước sự thay đổi của môi trường bên ngoài. Đặc biệt, những người mang bệnh da mạn tính (như viêm da cơ địa) càng dễ tái phát.
Với trẻ nhỏ, việc đổ mồ hôi nhiều nhưng thiếu vệ sinh càng dễ gây nguy cơ nhiễm nấm, rôm sảy, mụn, chốc, viêm da. Khi ngứa ngáy, trẻ gãi nhiều hơn là yếu tố nguy cơ làm nặng thêm tình trạng bệnh, như bội nhiễm, hoặc khiến bệnh lan ra các vùng khác của cơ thể.
Bác sĩ khuyến cáo, các bệnh da liễu không gây nguy hiểm tới tính mạng nên dễ bị bỏ qua. Nhưng nếu không được điều trị kịp thời, một số bệnh có thể trở thành mạn tính, như mề đay, viêm da cơ địa… ảnh hưởng tới chất lượng sống người bệnh.
Do đó, khi có các triệu chứng bất thường trên da (như ngứa nhiều, phát ban, mẩn đỏ, nổi mụn nước kéo dài hoặc có dấu hiệu nặng hơn), người bệnh cần tới bệnh viện có chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Tránh tự điều trị tại nhà bằng các loại lá cây, thuốc gia truyền gây biến chứng.