Chia sẻ tại chương trình khám, tư vấn miễn phí các vấn đề thẩm mỹ cho các chị em nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Quân, khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, ngày nào đơn vị cũng tiếp nhận các ca nhập viện vì tai biến sau khi làm đẹp da không đúng cách.
Điển hình là các trường hợp lãnh hậu quả đáng tiếc khi tiêm filler (chất làm đầy) các vùng trên cơ thể, nhẹ thì gây dị ứng, hoặc nặng hơn là nhiễm trùng, lở loét, để lại sẹo trên da, thậm chí làm mù vĩnh viễn…
Như câu chuyện của một cô gái đi tiêm filler vùng má bên trái. Sau khi tiêm, các dấu hiệu đỏ da, hoại tử bắt đầu xuất hiện. Bệnh nhân đã điều trị rất nhiều nơi nhưng không có kết quả như ý muốn. Gần đây khi đến Bệnh viện Da Liễu TPHCM, da của cô gái đã trong tình trạng có rất nhiều các hồng ban, lở loét nặng.
“Nhiều người nghĩ cứ vùng nào bị lõm là cần tiêm filler, nhưng không phải như vậy. Và để thực hiện được việc tiêm một chất làm đầy vào da, chúng tôi cần có một quá trình đào tạo rất lâu, phải hiểu hết tất cả các cấu trúc về mạch máu, thần kinh dưới da để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, nên không phải cứ lõm bao nhiêu là làm đầy bấy nhiêu.
Nếu tiêm vào những vùng nguy hiểm, khối filler có thể chèn ép mạch máu, chui vào trong lòng mạch, gây ra tình trạng tắc mạch…”, bác sĩ phân tích.
Một tình trạng cũng hay gặp là việc chị em tiêm filler với mong muốn có một bờ môi quyến rũ. Nhưng có nhiều trường hợp chẳng những không đẹp mà còn gây nhiễm trùng, biến dạng môi sau tiêm. Việc điều trị cũng rất khó khăn, không phải chỉ tiêm thuốc giải là xong như nhiều người vẫn nghĩ hay được nghe quảng cáo.
Trường hợp khác là một phụ nữ bị hoại tử nặng sau khi tiêm chất lạ vào vùng mũi và chân mày ở một cơ sở trôi nổi. Bệnh nhân sau khi nhập viện phải điều trị kháng sinh, kháng viêm rất nhiều ngày. Sau khi hồi phục, bệnh nhân vẫn để lại những vết sẹo vĩnh viễn trên mặt.
Một thủ thuật “nhẹ nhàng” hơn là tiêm meso (hay tiêm dưỡng chất), đang được thực hiện tràn lan trên thị trường. Có trường hợp còn bẻ cả viên vitamin E tiêm trực tiếp vào cơ thể. Nhưng dưỡng chất được tiêm hầu như không tan hoàn toàn, gây ra tình trạng đóng cục trên da. Những trường hợp bị biến chứng dạng này có thể điều trị kéo dài 6-12 tháng, thậm chí 2 năm sau, các nốt phù trên da có thể quay trở lại.
“Đôi khi các kỹ thuật nghĩ rất đơn giản, nhưng nếu chúng ta làm không đúng cách, không an toàn vẫn có thể để lại hậu quả lâu dài, không hồi phục. Nhiều trường hợp, chính bệnh nhân cũng không biết chất được tiêm vào người là gì”, bác sĩ cảnh báo.
Bác sĩ Huy chia sẻ, bản thân nhớ mãi một trường hợp bệnh nhân ở miền Tây, mỗi lần vào bệnh viện điều trị lại trùm kín mặt, sợ tất cả những người xung quanh nhìn thấy, đến nỗi phải đưa vào phòng riêng, đóng kín cửa để xử lý các sẹo lồi chi chít trên mặt.
Trước đó, bệnh nhân đi làm đẹp tại một cơ sở dưới quê. “Em chỉ nằm lên giường và không biết họ bắn gì trên mặt, chỉ nghe nóng.
Rồi người ta có lăn kim, thoa kem gì đó. Khi về nhà, mặt em rát, nổi bóng nước lên và để lại sẹo nặng nề trên da”, cô gái suy sụp kể với bác sĩ.
Để xử lý trường hợp này, ekip điều trị phải sử dụng hết các phương tiện đang có, với hy vọng xử lý dần dần được biến chứng. Hiện nay, bệnh nhân này vẫn đang tiếp tục trong liệu trình điều trị lâu dài.
Bác sĩ khuyến cáo, người dân khi muốn làm đẹp đừng mang tâm lý ham rẻ mà phải tìm hiểu kỹ, chọn cơ sở phù hợp, được cấp phép và có chuyên môn. Ngoài ra, không tự ý mua các mỹ phẩm trôi nổi hoặc tự ý làm đẹp theo phương pháp học lỏm tại nhà, để tránh nguy cơ tiền mất, tật mang.