TS.BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E cho biết, mới đây đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam hơn 60 tuổi (sống tại Phú Thọ) đã phải cắt bỏ một quả thận. Đáng chú ý, nguyên nhân xuất phát từ sai lầm mà nhiều người Việt mắc phải.
Qua khai thác tiền sử, cách đây 5 năm, bệnh nhân bắt đầu cảm thấy đau lưng. Sau khi đi khám, ông được chẩn đoán mắc bệnh sỏi thận nhỏ, cần được theo dõi.
Bệnh sỏi thận là hiện tượng bị lắng cặn muối và khoáng chất bên trong thận. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra và có thể thấy trong đường tiểu từ thận đến niệu quản và ở bàng quang.
Tuy nhiên, do chủ quan, bệnh nhân quyết định tự mình uống các loại thuốc nam với niềm tin rằng sỏi sẽ tự được đẩy ra ngoài.
Sau 3 tháng uống thuốc nam, bệnh nhân cảm thấy đau nhiều hơn và khi đi khám phát hiện rằng sỏi đã di chuyển từ thận xuống niệu quản. Thay vì lo lắng, bệnh nhân lại cảm thấy vui vì nghĩ rằng, phương pháp mà mình áp dụng đang dần dần đẩy sỏi ra bên ngoài.
“Bệnh nhân vẫn tiếp tục kiên trì uống thuốc nam, tình trạng đau lưng cũng giảm đi. Tuy nhiên gần đây, bệnh nhân lại cảm nhận được một khối lớn ở mạn sườn phải. Quá lo sợ nên bệnh nhân quyết định đi khám”, BS Liên chia sẻ.
Tại Bệnh viện E, kết quả khám chỉ ra rằng, một thận của bệnh nhân đã mất hoàn toàn chức năng, ứa nước và có kích thước lớn bằng một chiếc bát tô. Trong trường hợp này, bác sĩ chỉ định bệnh nhân phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ một thận.
“Vì sự chủ quan, bệnh nhân đã phải cắt bỏ một thận. May mắn là thận còn lại của bệnh nhân vẫn hoạt động bình thường, giúp cơ thể duy trì chức năng”, BS Liên chia sẻ.
Từ trường hợp này, BS Liên nhấn mạnh, hiện nay có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh sỏi thận tự ý sử dụng các phương pháp dân gian, điển hình là mách nhau uống thuốc nam với hy vọng sỏi sẽ tự tiêu ra khỏi cơ thể, mà không cần phẫu thuật.
“Đối với sỏi thận lớn, khi đã bị canxi hóa sẽ trở nên rất cứng, ngay cả đổ axit cũng không thể tan ra được. Do vậy, thuốc nam, thuốc lá không thể loại bỏ được sỏi thận khi bệnh nhân đã có chỉ định can thiệp”, BS Liên phân tích.
Chuyên gia này thông tin thêm, có nhiều nguyên nhân gây ra sỏi thận như: dị dạng đường tiết niệu, rối loạn chuyển hóa dẫn đến tăng canxi máu, canxi niệu, thay đổi pH nước tiểu…
Trong đó, tiền sử gia đình, cơ địa, trong một số trường hợp là môi trường, chuyển hóa, nhiễm trùng, chế độ dinh dưỡng không cân đối, thiếu nước và thiếu vận động là những yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận.
Sử dụng nước cứng (chứa nhiều khoáng chất như canxi và magiê) cũng là một trong những yếu tố gây ra sỏi.
Bên cạnh đó, theo BS Liên, việc tiêu thụ nhiều muối cũng làm tăng nguy cơ tạo ra sỏi thận bởi nước tiểu trở nên đặc hơn.
Để phòng ngừa sỏi thận, người dân cần giảm lượng natri trong chế độ ăn; hạn chế thịt đỏ, nên bổ sung các loại protein từ các loại gia cầm; tránh các loại nước ngọt, nước giải khát; giảm lượng đường trong các bữa ăn; duy trì chế độ tập luyện thể dục nhẹ nhàng như: đi bộ, đạp xe để có sức khỏe tốt, loại trừ các nguy cơ gây bệnh.
“Khi có dấu hiệu bất thường cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời. Người dân cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, không áp dụng các phương pháp truyền miệng, không được kiểm chứng để tránh tiền mất tật mang”, BS Liên khuyến nghị.