Bác sĩ Mai!


Ước mơ dở dang của ông nội

“Bác sĩ Mai” là tên gọi trìu mến mà các bệnh nhân thường gọi bác sĩ chuyên khoa I Hồ Thị Mai – nữ bác sĩ nhãn khoa, người đã “đem lại ánh sáng” cho hơn 10.000 người ở Ninh Bình, Nam Định, Hòa Bình.

Năm nay 32 tuổi, dáng người nhỏ bé, cân nặng chừng hơn 40kg, lại là nữ giới nhưng cường độ làm việc của bác sĩ Mai khiến nhiều người nể phục. Mỗi ngày, bác sĩ căng mình từ sáng sớm cho đến tối khuya với khối lượng công việc khổng lồ, từ khám sàng lọc, mổ mắt, khám lại và nghiên cứu chuyên sâu…

Bác sĩ Mai! - 1

Dành chút ít thời gian hiếm hoi có được trong ngày, bác sĩ Mai tâm sự với chúng tôi về nghề y, cũng như chút riêng tư đời mình.

Bác sĩ Mai chia sẻ, theo học ngành y, trở thành bác sĩ với một lý do vô cùng đơn giản là vì yêu quý ông nội. “Ước muốn dở dang của ông là làm bác sĩ nhưng không thực hiện được. Vì thế, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, em luôn nỗ lực hết mình để thực hiện được ước mơ đó. Và em đã làm được”.

Sinh ra ở vùng đất hiếu học huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, sau khi tốt nghiệp THPT, Mai đăng kí dự thi 2 trường đại học đều liên quan đến ngành y tế là Đại học Y và Đại học Dược Hà Nội.

Ngày có kết quả dự thi, cô nhận được giấy báo trúng tuyển của cả 2 trường đại học danh tiếng tại Hà Nội. Chỉ có một sự lựa chọn, vì thế, cô đã quyết định theo học tại trường Đại học Y Hà Nội.

Bác sĩ Mai! - 2

Tốt nghiệp năm 2016 với tấm bằng bác sĩ đa khoa, Mai không vội tìm việc làm mà tiếp tục học chuyên khoa mắt tại Bệnh viện mắt Trung ương.

Sao lại chọn nhãn khoa mà không phải chuyên ngành khác? – Tôi hỏi. Không cần suy nghĩ lâu, cô tâm sự: “Đôi mắt vừa là vẻ đẹp bên ngoài, vừa thể hiện được nội tâm bên trong của một người. Ngành nhãn khoa cũng có rất nhiều điều thú vị, vừa cần tư duy nội khoa, vừa cần sự khéo léo của ngoại khoa, và đồng thời có mối liên quan mật thiết với nhiều chuyên ngành khác”.

Có tấm bằng bác sĩ nhãn khoa, bác sĩ Mai trở về quê nhà để thực hiện ước mơ dở dang của ông nội. Mai “đầu quân” cho một bệnh viện đa khoa ở thành phố Vinh. Ít năm sau, với những khát vọng và mong muốn được học tập, làm việc nhiều hơn trong lĩnh vực nhãn khoa nên bác sĩ trẻ chuyển đến làm việc tại các bệnh viện chuyên khoa mắt.

Mang lại ánh sáng cho 10.000 người

Trong những năm công tác tại quê nhà, bác sĩ trẻ Hồ Thị Mai để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người bệnh khi đã đem lại ánh sáng cho nhiều người mù. Chị cũng được đồng nghiệp đánh giá cao khi là bác sĩ trẻ nhãn khoa nhiều triển vọng.

Năm 2020, bác sĩ Mai bén duyên với mảnh đất Ninh Bình khi nhận nhiệm vụ mới, vừa làm bác sĩ điều trị và cũng là phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện mắt Hoa Lư (Ninh Bình). Mai bộc bạch, làm bác sĩ dù làm việc ở đâu thì nhiệm vụ cao cả cũng là chữa bệnh cứu người. Không được cống hiến ở quê hương, nhưng người bệnh trên khắp cả nước cần đến mình thì em lên đường. Ở đâu cũng là quê hương Việt Nam mình cả.

Bác sĩ Mai tâm sự: “Gắn bó với mảnh đất cố đô Hoa Lư, Ninh Bình, thời gian đầu em còn bỡ ngỡ. Nhưng sống ở đâu rồi quen ở đó. Nhiệm vụ chính của mình là làm sao giúp được nhiều người nhìn thấy ánh sáng”.

Với tần suất khám và điều trị bệnh với số lượng bệnh nhân khổng lồ, bác sĩ Mai cùng cộng sự của mình ở bệnh viện việc ăn cơm quá bữa hay về nhà quá giờ là “chuyện cơm bữa”. Với nữ bác sĩ, bản thân thế nào cũng được, miễn sao người bệnh được khám và điều trị kịp thời.

Là một bác sĩ nữ công tác nhiều năm trong nghề y, chị nhận thấy phái nữ thường đứng trước rất nhiều áp lực, khó khăn. Nhưng với sứ mệnh của một “chiến sĩ y tế”, buộc phải tự cân đối để hài hòa giữa gia đình và công việc chuyên môn. Với chị, động lực để vượt qua những thăng trầm đó chính là niềm vui, hạnh phúc của người bệnh sau những ca mổ thành công.

Bác sĩ Mai! - 3

Chị kể, năm 2021 từng khám cho cụ bà hơn 100 tuổi, mắt không còn thấy gì, người nhà phải cõng cụ tới viện khám, nhưng sau khi được bác sĩ phẫu thuật thay thể thủy tinh xong thì cụ có thể tự đi lại, mà không cần tới sự dìu dắt của con cháu, và đó cũng là lần đầu bà được thấy mặt cháu, chắt của mình.

“Có trường hợp cụ ông bị mù gần 10 năm, chỉ phân biệt được người thân qua giọng nói, đến khi được phẫu thuật đem lại ánh sáng, cụ không tin vợ mình đã già đến thế, chỉ khi vợ ông cất giọng nói thì nước mắt ông tự nhiên trào ra. Những kỉ niệm đó khiến chúng tôi vừa xót xa, vừa hạnh phúc vô cùng”, nữ bác sĩ nghẹn ngào.

Bác sĩ Mai chia sẻ thêm, hiện nay, còn rất nhiều trường hợp tương tự, người bệnh phải chịu cảnh mù lòa do không được khám chữa kịp thời, có thể do hoàn cảnh địa lý khó khăn, người bệnh neo đơn không có người chăm sóc. Cũng có những bệnh nhân trẻ bị bệnh Glôcôm, nhưng không được thăm khám kịp thời nên sau phẫu thuật thị lực không cải thiện nhiều.

Bác sĩ Mai! - 4

Với sứ mệnh của một cán bộ y tế, chị mong muốn mình và đồng nghiệp có thể đem lại ánh sáng cho nhiều người hơn, đặc biệt là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Cũng vì thế, bác sĩ Mai luôn cố gắng tìm hiểu thật kĩ hoàn cảnh từng ca bệnh, để quan tâm và san sẻ lo âu trước khi bệnh nhân vào phòng phẫu thuật.

Ngoài thực hiện tốt công tác chuyên môn, bác sĩ Mai còn tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, nhiều khóa đào tạo chuyên môn sâu trong và ngoài nước. Dù bận rộn nhưng hàng năm bác sĩ đều dành thời gian tham gia các hoạt động nhân đạo như khám và tư vấn mắt miễn phí cho người cao tuổi tại nhiều tỉnh thành như Ninh Bình, Nam Định, Hòa Bình…

Hạnh phúc đối với nữ bác sĩ hơn cả có lẽ chính là sự yêu quý, trân trọng mà bệnh nhân và đồng nghiệp đã dành cho chị như những “danh hiệu không tên”, vinh danh nữ bác sĩ nhỏ bé với trái tim nhân hậu và “đôi bàn tay vàng” trong phẫu thuật nhãn khoa.

Thực hiện: Thái Bá – Lê Phương


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *