Chị em bà Thảo và bà Trang (lần lượt 69 tuổi và 63 tuổi, tên đã thay đổi) cùng đến bệnh viện ở TPHCM khám trong tình trạng đau và biến dạng lưng, đi lại khó khăn trong nhiều năm.
Bà Thảo kể, bản thân bắt đầu đau lưng vào năm 2019, dù điều trị bằng thuốc và tập vật lý trị liệu nhưng không cải thiện. Theo thời gian, tình trạng của bà ngày càng nặng, đau nhiều và cong người xuống, nằm khó. Nặng hơn chị, cột sống bà Trang biến dạng nghiêm trọng, đốt sống lồi lên dưới da, khiến người phụ nữ không thể ngồi tựa lưng hoặc nằm ngửa suốt nhiều năm qua.
Trực tiếp thăm khám, bác sĩ chuyên khoa 1 Đào Phạm Thái Sơn, khoa Cột sống chia sẻ, cả hai bệnh nhân trên bị loãng xương lâu năm nhưng không điều trị, khiến chức năng cột sống suy giảm nghiêm trọng, dẫn đến xẹp đốt sống và gù lưng mức độ nặng (hơn 60 độ).
Các bác sĩ nhận định, cả hai người bệnh không thể tiếp tục điều trị bảo tồn, cần can thiệp phẫu thuật. Nhưng các bệnh nhân đã lớn tuổi, nếu mổ hở sẽ kéo dài thời gian phẫu thuật, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, mất máu… Do đó, ekip điều trị lựa chọn phương pháp bắt vít qua da, bơm xi măng sinh học vào thân sống, xâm lấn tối thiểu.
Toàn bộ quá trình phẫu thuật được thực hiện dưới sự giám sát của hệ thống C – Arm (hệ thống chụp X-quang liên tục trong lúc mổ), giữ cho vít, kim bơm… tiếp cận đúng vị trí và xi măng không bị rò ra ngoài, đảm bảo an toàn cho cuộc mổ.
Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 1 giờ, rút ngắn thời gian so với mổ hở (thường mất khoảng 2 giờ). Hậu phẫu ngày thứ hai, 2 bệnh nhân hết đau, đi lại nhẹ nhàng mà không cần dụng cụ hỗ trợ. Đặc biệt, tình trạng gù lưng 60 độ được khắc phục gần như hoàn toàn, giúp người bệnh có thể sinh hoạt thoải mái trong tư thế thẳng lưng, đồng thời cải thiện chiều cao. Hiện tại, 2 chị em trên bắt đầu tập vật lý trị liệu.
Bác sĩ Sơn khuyến cáo, loãng xương là một trong những nguyên nhân phổ biến gây lún xẹp đốt sống. Đối với người bệnh loãng xương mức trung bình, lún xẹp đốt sống thường do tác động lực hoặc chấn thương như té ngã, cố gắng nâng vật nặng… Còn những trường hợp loãng xương nặng hơn, các hoạt động đơn giản hàng ngày như hắt hơi mạnh, cúi người… cũng có thể gây lún xẹp đốt sống.
Bác sĩ khuyến cáo, người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi tiền hoặc mãn kinh nên chú ý chăm sóc sức khỏe xương khớp bằng cách đo mật độ xương định kỳ, đi khám khi có các dấu hiệu bất thường.
Trong sinh hoạt hàng ngày, người dân cũng cần chú ý tăng cường các thực phẩm giàu canxi, vitamin, omega 3… Bên cạnh đó, phải thường xuyên vận động với cường độ vừa phải, giúp xương chắc khỏe và cơ bắp linh hoạt hơn, hạn chế té ngã.