Bí quyết trăm tuổi từ 3 bữa cơm và làm việc nhà
Ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ, sống lạc quan và thường xuyên vận động, tập thể dục… là bí quyết chung của nhiều cụ “trăm tuổi” ở khắp các vùng miền trên đất nước Việt Nam.
Cụ bà Hải Dương 123 tuổi: Không ăn đồ nguội, thích cơm muối vừng
Theo thông tin trên căn cước cấp tháng 11/2022 và chứng minh nhân dân cấp tháng 5/1979, cụ Nguyễn Thị Cơ sinh năm 1901, nguyên quán xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.
Hàng chục năm nay, cụ sống cùng con gái út là bà Nguyễn Thị Hạt, 74 tuổi, trong căn nhà cấp bốn vừa được chính quyền và người thân hỗ trợ tu sửa. Con gái cả 76 tuổi ở xa, hàng tháng về thăm mẹ một lần.
Từ ngày cụ Cơ nổi tiếng khắp mạng xã hội, bà Hạt nói nhiều người quan tâm, gọi điện hỏi bí quyết sống thọ của cụ. Bà Hạt cho biết, bà không biết “bí quyết sống thọ” là gì, chỉ đơn giản chia sẻ lối sống hàng ngày của người mẹ 123 tuổi.
Mỗi ngày, cụ bà ăn 3 bữa, mỗi bữa gồm cơm nóng và muối vừng là chính, đôi khi thêm miếng giò, chả. Thỉnh thoảng, cụ uống sữa thay cơm hoặc ăn cháo, mì tôm…
Điều đặc biệt là cụ luôn dặn con gái làm nóng thức ăn, không ăn đồ nguội, lạnh. Phần bà Hạt cũng chỉ ăn cơm và rau xanh.
Cụ bà Đồng Nai 119 tuổi: Ngày ăn đủ 3 bữa, trăm tuổi vẫn làm việc nhà
Cụ bà Trịnh Thị Khơng (SN 1905, quê huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) đang sống tại xã Bình Lộc, TP Long Khánh, Đồng Nai cùng người con gái Đỗ Thị Ninh (82 tuổi) và con cháu.
Cụ Khơng từng nhận thiệp mừng thọ 110 tuổi của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào năm 2014. Tháng 6/2023, cụ bà nhận giấy mừng thọ 118 tuổi của UBND xã Bình Lộc, TP Long Khánh.
Theo bà Ninh, lúc cụ Khơng 108 tuổi vẫn khỏe mạnh. Bà vẫn hay quét dọn, lột hột mít, làm việc vườn quanh nhà. Năm 2018, cụ bị ngã gãy xương háng, sức khỏe yếu đi hẳn và chủ yếu ở trong nhà.
Bà Ninh cho hay, hàng ngày cụ ăn 3 bữa và chỉ ăn cháo, uống thêm nước yến.
Cụ Khơng được phục vụ ăn nhiều bữa trong ngày với khẩu phần được chia nhỏ.
Để cụ không chán ăn mà bỏ bữa, bà Ninh cùng các con đổi món liên tục. Khi đến bữa ăn, con cháu cùng quây quần ngồi bên cụ để tạo không khí vui tươi.
Cụ ông trăm tuổi xâu kim không cần kính: Xem sách là bạn, không hút thuốc
Cụ Nguyễn Duy Hòa (thôn Tiến Thắng, xã Cẩm Hà) là cán bộ tiền khởi nghĩa duy nhất của xã Cẩm Hà (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) còn sống.
Năm nay 101 tuổi, cụ vẫn minh mẫn, tự lo mọi sinh hoạt đều đặn, nề nếp, không làm phiền đến con cháu. Đặc biệt, đôi mắt của cụ Hòa còn rất tinh tường.
Cụ có sở thích đọc sách, có thể đọc rất lâu không cần mang kính. Trong gian phòng ngủ, cụ để khá nhiều sách viết về quê hương, đất nước, danh nhân trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường, có cuốn dày gần 1.000 trang.
“Tôi xem sách như người bạn già, đọc nghiền ngẫm mỗi ngày. Tôi không hút thuốc, ăn không nhiều nhưng đủ ba bữa. Với bà con lối xóm, tôi luôn sống lạc quan, vui vẻ, hòa đồng. Tôi cũng không biết đó có phải là bí quyết để trường thọ không nữa”, cụ cười hiền từ chia sẻ khi được hỏi về bí quyết sống thọ.
Ông Nguyễn Duy Bình (72 tuổi, con trai cụ Hòa) cho biết, ngoài sách, bố mình còn có sở thích xem bóng đá. Ngoài ra, cụ Hòa còn xâu kim được và tự may áo quần mà không cần mang kính.
Ở độ tuổi hiện tại, khi thức dậy vào mỗi sáng, việc đầu tiên trong ngày, cụ ngồi vào chiếc ghế mát xa toàn thân và thao tác các nút điều khiển một cách thuần thục.
Chiếc ghế đặt trong phòng ngủ, con cháu tặng cho cụ một năm nay. Trước kia, khi chưa có ghế, cụ thường tập thể dục buổi sáng ngoài sân.
Sau 15 phút ngồi ghế mát xa, cụ đi đánh răng, rửa mặt, chải tóc rồi vào ăn sáng. Bữa điểm tâm gọn nhẹ, chỉ lưng bát cơm và một ly sữa ngũ cốc. Ăn xong, cụ mang bát đũa, cốc chén đi rửa nhanh gọn, nhẹ nhàng.
Đất “trường thọ” có 25 cụ sống trăm tuổi: Sống lạc quan, tập thể dục
Nằm cách thành phố Thanh Hóa gần 50km, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân là vùng đất “trường thọ”, nơi có nhiều cụ cao niên từ 80 đến hơn 100 tuổi. Bà Đỗ Thị Lưu – Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Xuân Lập cho biết, hiện toàn xã có hơn 1.500 hội viên người cao tuổi. Trong đó, có 25 cụ cao tuổi nhất xã, đều 100-101 tuổi.
Cụ Mai Văn Tộng đã 98 tuổi có 7 người con, 18 cháu, 35 chắt và 4 chút. Dù tuổi đã cao nhưng cụ Tộng vẫn minh mẫn, có sở thích đọc sách, làm thơ mỗi ngày. Gặp cụ Tộng khi cụ đang đọc sách bên hiên nhà, ai cũng bất ngờ với hình ảnh cụ ông tuổi gần 100, nước da đỏ hồng, giọng nói vang khỏe, dõng dạc.
Chia sẻ về bí quyết sống thọ của mình, cụ Tộng cho hay, bản thân cụ không áp dụng cách thức đặc biệt nào ngoài việc sống lạc quan, ăn uống điều độ, không hút thuốc và thường xuyên tập thể dục.
“Trước kia, khi còn trai tráng, tôi cũng như người dân địa phương chủ yếu sống bằng nghề nông, trồng lúa và chăn nuôi. Ngoài ra, tôi có lối sống lành mạnh, thường xuyên tu dưỡng bản thân, sống chan hòa với bà con lối xóm, vì vậy khi về già thấy rất vui vẻ”, cụ Tộng bật mí.
Cách nhà cụ Tộng không xa là nhà cụ bà Lê Thị Thao, thôn Vũ Hạ. Cụ Thao năm nay 101 tuổi, là một trong 9 cụ cao niên trong xã thuộc diện “xưa nay hiếm”, hơn 100 tuổi. Cụ Thao tuy đã ngoài trăm tuổi vẫn bước đi nhanh nhẹn, dứt khoát, lưng không còng, tóc vẫn còn xanh, miệng thường bỏm bẻm nhai trầu.
Theo cụ Thao, bí quyết duy nhất giúp cụ sống thọ hơn 100 tuổi là tinh thần lạc quan, thoải mái. “Trước kia tôi khổ tận cam lai rồi, giờ có con cháu đủ đầy cả, không phải lo âu nhiều.
So với ngày trước đói khổ, bữa ăn chỉ có rau, lạc… giờ đủ đầy các loại đặc sản, đồ bổ dưỡng. Sinh hoạt mỗi ngày bây giờ, rảnh thì tôi ghé các cụ gần nhà trò chuyện, chiều đi thể dục. Ở quê được cái không khí trong lành, cũng không có gì độc hại”, cụ Thao hào hứng trò chuyện.
Tuổi thọ trung bình của người Việt ở mức cao so với nước cùng mức sống
Theo số liệu về tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2023 của Tổng Cục Thống kê, dân số trung bình của Việt Nam năm 2023 là 100,3 triệu người, tăng 834,8 nghìn người, tương đương tăng 0,84% so với năm 2022. Trong tổng số, nam là 50 triệu người, chiếm 49,9%; nữ 50,3 triệu người, chiếm 50,1%. Tỷ số giới tính của dân số là 99,5 nam/100 nữ.
Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2023 là 73,7 tuổi (năm 2022 là 73,6 tuổi), trong đó nam là 71,1 tuổi và nữ là 76,5 tuổi.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 10 quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và tuổi thọ phụ nữ Việt Nam đứng thứ hai.
Theo các nghiên cứu trên thế giới, có 5 nguyên tắc cần tuân thủ để giúp chúng ta sống lâu, sống khỏe:
Chế độ ăn uống khoa học và đa dạng
Chế độ ăn uống đa dạng và cân đối đã được liên kết với tuổi thọ cao và sức khỏe vững mạnh.
Một nghiên cứu công bố trong tạp chí “The New England Journal of Medicine” chỉ ra rằng, chế độ ăn uống đa dạng, bao gồm nhiều loại rau củ, trái cây, hạt ngũ cốc và nguồn protein như cá và thịt gia cầm, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch và tiểu đường.
Tăng cường vận động thể chất
Một nghiên cứu của Đại học Harvard đã chứng minh rằng, việc thường xuyên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp giảm nguy cơ tử vong sớm và cải thiện sức khỏe tim mạch. Việc vận động đều đặn cũng được liên kết với giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và béo phì.
Tập luyện thể dục, thể thao cường độ nhẹ, chẳng hạn như đi bộ nhanh có thể cải thiện đáng kể việc kiểm soát huyết áp ở những người bị tăng huyết áp, cải thiện một số thông số trao đổi chất và các yếu tố nguy cơ ở bệnh tiểu đường…
Loại bỏ các áp lực
Những người sống thọ đặt việc tránh stress là yếu tố quan trọng hơn hết thảy. Điều đó không có nghĩa là họ không có cuộc sống căng thẳng, nhưng sự khác biệt là ở chỗ những người khôn ngoan này đã học cách thích nghi.
Nghiên cứu từ Viện Tim và Phổi Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng, thiền có thể giúp giảm huyết áp và cortisol (hormone stress).
Việc giảm stress thông qua các phương pháp như thiền và yoga cũng đã được liên kết với giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Coi trọng giấc ngủ
Nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ chỉ ra rằng, việc duy trì thói quen ngủ đủ giấc và chất lượng giúp cải thiện chức năng tâm thần và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Giấc ngủ kém làm rối loạn nhịp sinh học quyết định chu kỳ thức ngủ của cơ thể. Nó ảnh hưởng đến quá trình tái tạo tế bào, cân bằng nội tiết và hội chứng chuyển hóa. Giấc ngủ ngon ngăn ngừa các tình trạng sức khỏe mãn tính như đái tháo đường, trầm cảm và béo phì, do đó rất cần thiết cho sức khỏe tốt.
Gánh nặng bệnh tật với người cao tuổi là vấn đề cần lưu tâm
Người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nếu so với các quốc gia có cùng mức sống, nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều.
Mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống với bệnh tật vì vậy ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh.
PGS.TS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, người cao tuổi Việt Nam mắc rất nhiều bệnh. Mỗi người cao tuổi trung bình chịu đựng 14 năm sau của cuộc đời với nhiều bệnh tật phối hợp.
Cụ thể, trung bình một người trên 60 tuổi mắc 3-4 bệnh, đặc biệt, những người trên 80 tuổi có thể mắc trên 6 bệnh. Đây là gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân cũng như gia đình, đặc biệt là vấn đề chăm sóc.
Bộ Y tế đưa ra 3 yếu tố quan trọng dẫn đến số năm sống với bệnh tật của người dân Việt Nam còn ở mức cao.
Thứ nhất, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý dẫn đến hạn chế phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt cũng như gia tăng bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng.
Thứ 2, sự gia tăng nhanh của gánh nặng bệnh không lây nhiễm.
Thứ 3, sự gia tăng các yếu tố nguy cơ về môi trường.