Một tuần trở lại đây, bé G.H. (2 tuổi, sống tại Hà Nội) có biểu hiện ngứa, khó chịu ở vùng hậu môn nên thường xuyên cho tay xuống gãi.
Thấy con có biểu hiện bất thường, mẹ bé H. kiểm tra và phát hiện hậu môn con có nốt sùi to bằng hạt đỗ. Ban đầu gia đình nghĩ con bị ngứa gãi mới xuất hiện nốt như vậy nên chỉ vệ sinh, không cho đi khám.
Sau một tuần, nốt sùi vẫn không đỡ và có xu hướng to lên, qua tìm hiểu, mẹ bé H. lo lắng con mắc bệnh sùi mào gà.
Tuy nhiên, người mẹ vẫn “bán tín, bán nghi” vì bệnh sùi mào gà lây qua đường tình dục, xuất hiện ở bộ phận sinh dục, trong khi con trai chị mới 2 tuổi và bị tổn thương ở hậu môn. Trước đó, bé trai thường xuyên ở với người bác gái và được bác gái trực tiếp chăm sóc hàng ngày.
Quyết định đưa con đi khám, gia đình bàng hoàng khi bé H. được bác sĩ chẩn đoán mắc sùi mào gà.
Theo ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành (thành viên Hội Da liễu Việt Nam), bệnh nhi có khối sùi màu hồng nhạt ở mép hậu môn với đường kính gần 1cm. Qua thăm khám lâm sàng, làm xét nghiệm PCR định type HPV, BS Thành chẩn đoán bé trai này mắc sùi mào gà.
“Để xác định nguồn lây, chúng tôi có hỏi bố mẹ cháu bé xem gia đình có ai mắc bệnh sùi mào gà hay không. Tuy nhiên, bố mẹ khẳng định không ai mắc bệnh.
Chỉ đến khi khai thác tỉ mỉ thông tin để từ đó làm cơ sở chẩn đoán, điều trị bố mẹ mới thừa nhận rằng, gia đình có một bác gái ở cùng và thường xuyên chăm sóc, vệ sinh, tắm giặt cho cháu bé. Được biết, trước đó người bác này có mắc bệnh sùi mào gà”, BS Thành cho hay.
Từ những thông tin khai thác được, BS Tiến Thành nhận định, có thể nguồn lây HPV gây bệnh sùi mào gà từ người bác.
“Trường hợp tay người bác dính dịch tiết chứa virus gây bệnh sùi mào gà (HPV), hoặc dùng khăn vệ sinh vùng kín sau đó không giặt sạch lại tiếp tục lau vùng hậu môn cho cháu bé cũng có thể lây bệnh”, BS Thành cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, cháu bé cần được điều trị sớm nếu để kéo dài khối sùi có thể lây sang các vị trí khác, thậm chí lan vào trong hậu môn thì việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn.
Theo BS Thành, bệnh sùi mào gà bắt đầu bởi biểu hiện tổn thương sẩn mềm màu da, hồng hoặc màu nâu, đường kính khoảng một vài milimet. Sau vài tuần đến vài tháng, các tổn thương to dần, có thể hợp lại thành mảng lớn hơn, tổn thương dạng súp lơ – mào gà.
Bệnh có thể lây truyền trực tiếp qua quan hệ tình dục không an toàn, hoặc gián tiếp qua tiếp xúc với những đồ vật cá nhân, dịch tiết có chứa HPV.
Trên 100 loại HPV đã được phát hiện. Mỗi loại lại có ái tính với các vị trí da nhất định khác nhau. Ví dụ: HPV type 1 thường gây ra bệnh hạt cơm ở lòng bàn tay – bàn chân, trong khi HPV type 6, 11, 16, 18… lại là nguồn gốc chính gây ra bệnh sùi mào gà ở hậu môn – sinh dục.
Đa số (khoảng >90%) các trường hợp mắc bệnh sùi mào gà là lây qua đường tình dục, một số trường hợp còn lại là lây qua các con đường trung gian như dùng chung khăn tắm, dùng chung dụng cụ có chứa virus HPV… Với các trường hợp nhỏ tuổi như bé trai trên, nguyên nhân mắc bệnh chủ yếu là do lây truyền qua vật trung gian.
Ngoài trường hợp trên, BS Tiến Thành cho biết, thời gian gần đây số ca mắc sùi mào gà có xu hướng gia tăng. Ngoài ra, còn có rất nhiều trường hợp nghĩ mình mắc sùi mào gà nhưng khi thăm khám mới biết mình mắc bệnh ghẻ hoặc các u lành vùng sinh dục….
“Rất nhiều người mắc bệnh có tâm lý hoảng sợ, thậm chí là trầm cảm vì nghĩ bệnh không chữa được, ảnh hưởng đến việc sinh sản sau này. Tuy nhiên, sùi mào gà hoàn toàn có thể chữa khỏi, không ảnh hưởng đến quan hệ tình dục, sinh sản nếu điều trị sớm và đúng phương pháp”, BS Thành nhấn mạnh.