Laptop phát nổ, bé 8 tuổi bị bỏng nặng


Mới đây, các bác sĩ Khoa Ngoại, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã tiếp nhận cấp cứu cho cháu L.N.M. (8 tuổi, trú tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) bị bỏng 10% diện tích cơ thể, bỏng độ 3 vùng mặt, ngực, bàn tay 2 bên do laptop phát nổ khi đang sử dụng.

Sau khi được sơ cứu tại Trung tâm Y tế Huyện, bé M. được chuyển tuyến tới Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang.

Tại Khoa Ngoại, qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán M. bị bỏng độ 3 vùng mặt, ngực và bàn tay 2 bên, vết bỏng có dấu hiệu nhiễm trùng. Rất may vùng mắt và miệng trẻ không bị tổn thương.

Laptop phát nổ, bé 8 tuổi bị bỏng nặng - 1

Bệnh nhi bị bỏng nặng do vụ nổ laptop (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Bệnh nhi được hồi sức, chỉ định làm các xét nghiệm cấp cứu cần thiết, tiếp đó các bác sĩ tiến hành truyền dịch, tiêm kháng sinh, dùng thuốc giảm đau và theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn của trẻ.

Sau 2 ngày điều trị, bác sĩ kiểm tra thấy vùng bỏng ngực và tay trái của trẻ sưng nề nhiều, tiết dịch thấm băng, môi sưng nề nhiều hơn, ăn uống kém.

Tiên lượng tình trạng bệnh nhi có thể diễn biến nặng hơn nên các bác sĩ Khoa Ngoại đã xin ý kiến chỉ đạo của giám đốc bệnh viện và quyết định cho bé chuyển tuyến Trung ương để điều trị. 

Theo BSCKI Nguyễn Văn Lâm, đây là trường hợp bị bỏng nặng nhất (trong số 20 bệnh nhi bị bỏng) mà Khoa Ngoại tiếp nhận điều trị từ đầu năm 2024 tới nay, vì liên quan tới vùng mặt, ảnh hưởng thẩm mỹ và các chức năng của trẻ.

Ước tính mỗi năm, Khoa Ngoại tiếp nhận điều trị cho hàng trăm trẻ bị bỏng do các nguyên nhân như: bỏng do nổ sạc pin điện thoại, nổ sạc laptop; bỏng do điện; hóa chất; lửa; nước sôi hay bỏng do nổ bóng bay bơm khí Hydro.

Đa số trường hợp trẻ bị bỏng là do sự bất cẩn của người lớn trong quá trình chăm sóc trẻ. Nhiều trường hợp trẻ bị bỏng tới 20% diện tích cơ thể, vết bỏng sâu làm biến dạng chi thể (co quắp tay, chân thậm chí làm hoại tử xương), không chỉ để lại di chứng nguy hiểm về thể chất có thể khiến trẻ tàn phế suốt đời mà còn đặc biệt ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ sau này. 

Trước đó, một bé trai 13 tuổi ở Hải Dương cũng đã bị thương nặng dẫn tới tử vong sau khi laptop phát nổ trong lúc bé đang học bài.

Trong thời đại công nghệ hiện nay, laptop hay điện thoại thông minh đã trở thành công cụ học tập, giải trí không thể thiếu.

Nhiều gia đình cho trẻ tiếp xúc với những thiết bị điện tử này từ rất sớm nhưng không lường trước được nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra. Đã có rất nhiều trẻ bị bỏng nặng do điện thoại phát nổ khi vừa sạc pin vừa sử dụng gây thương tích nghiêm trọng như dập nát bàn tay, mù mắt…

Bỏng là tai nạn sinh hoạt thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ 3-10 tuổi. Không chỉ gây đau đớn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý, tai nạn bỏng ở trẻ em còn có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Do vậy, việc phòng tránh các trường hợp có thể gây bỏng ở trẻ em sẽ giúp hạn chế được những rủi ro đáng tiếc ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. 


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *