Sẽ không còn phân cấp bệnh viện các tuyến
Rút ngắn thời gian thực hành đối với bác sĩ từ 18 tháng xuống còn 12 tháng. Điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y rút ngắn thời gian thực hành từ 9-12 tháng xuống còn 6-9 tháng, quy định cụ thể nội dung thực hành.
Đây là một trong những quy định mới đáng chú ý trong Nghị định số 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, một số nội dung quan trọng khác đã được quy định chi tiết, bao gồm:
Một số quy định mới trong cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và quản lý hành nghề, cụ thể hóa các nội dung về hướng dẫn thực hành trong khám bệnh, chữa bệnh, điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề và đăng ký hành nghề trong khám bệnh, chữa bệnh…
Hồ sơ cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề đã được giảm bớt và đơn giản hóa.
Đối với cấp giấy phép hoạt động và quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, một số hình thức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được bổ sung, điều chỉnh, trong đó có một số loại hình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mới như: phòng khám bác sĩ y khoa, phòng khám y sỹ, phòng khám liên chuyên khoa, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, cơ sở kính thuốc có thực hiện đo kiểm tra tật khúc xạ, cơ sở lọc máu…
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, từ ngày 1/1, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành, trong đó có một số nội dung mới trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Thứ trưởng Thuấn cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc xếp cấp chuyên môn kỹ thuật bệnh viện. Theo ông Thuấn, trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Nghị định 96, việc xếp cấp chuyên môn kỹ thuật các cơ sở khám, chữa bệnh thành 3 cấp: ban đầu, cơ bản, chuyên sâu.
Trong khi đó, mô hình hệ thống y tế Việt Nam lâu nay được xếp theo các cấp hành chính (Trung ương, tỉnh, huyện, xã).
Ông Thuấn đề nghị cơ sở khám chữa bệnh, các sở y tế nghiên cứu kỹ và khẩn trương triển khai quy định chi tiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động y tế tư nhân, khẩn trương lên kế hoạch triển khai xếp cấp chuyên môn kỹ thuật để thực hiện xong trước ngày 1/1/2025.
“Việc xếp cấp này dựa vào năng lực chuyên môn, năng lực hỗ trợ kỹ thuật, năng lực đào tạo thực hành và năng lực nghiên cứu khoa học”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nói.
Có bác sĩ trong một giờ làm ở 4 địa điểm
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, Việt Nam được xem là một trong 3 quốc gia có điều kiện để cấp phép hành nghề đơn giản nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, tổ chức thi sát hạch chuyên môn làm cơ sở cấp giấy phép hành nghề từ lâu đã được nhiều quốc gia áp dụng.
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), thời gian tới, Hội đồng Y khoa Quốc gia sẽ thực hiện lộ trình kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh.
“Bắt đầu từ năm 2027, việc đánh giá này sẽ áp dụng với chức danh bác sĩ. Đối với chức danh y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y sẽ thực hiện từ năm 2028.
Với 3 chức danh hành nghề mới bao gồm: dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng tham dự kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề từ năm 2029″, ông Khuê cho hay.
Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh cũng nêu vấn đề nhận được nhiều ý kiến thắc mắc là thời gian hành nghề của người hành nghề.
Theo quy định, thầy thuốc được hành nghề ở khu vực công và tư nhưng không được trùng một lúc, một giờ làm ở 2 địa điểm. Hoặc làm 2 địa điểm xa nhau thì phải tính thời gian di chuyển giữa hai địa điểm này.
PGS Khuê dẫn chứng bất cập: “Thực tế, nhiều bệnh viện vừa rồi gửi báo cáo về chúng tôi thống kê, phát hiện có những thầy thuốc cùng một giờ nhưng hoạt động 2-4 địa điểm. Thậm chí, có người làm ở Cà Mau nhưng lại ghi là đang làm việc tại một đơn vị thuộc Bộ Y tế. Chúng tôi phải gửi yêu cầu rà soát lại”.