Tại hội nghị sơ kết giai đoạn 1 công tác ghép thận của Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM), diễn ra ngày 24/4, Phó giáo sư Lê Đình Thanh, Giám đốc bệnh viện cho biết, đến thời điểm này, đơn vị đã ghép thận thành công, suôn sẻ 12 ca.
Đây là cơ sở, khởi đầu để bệnh viện tiếp tục ghép các bộ phận cơ thể người khác, sắp tới đây là ghép gan. Việc chuyển giao đào tạo kỹ thuật ghép thận từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho Bệnh viện Thống Nhất cũng được nâng lên mức độ A – cao nhất.
Ông Thanh nhận định, nhu cầu ghép thận ngày càng nhiều. Việc triển khai thành công kỹ thuật này của bệnh viện cũng giúp nhiều người không may mắn, cần ghép thận có thêm cơ hội sống. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề pháp lý về nguồn thận ghép, quy trình hiến tạng cần được bàn luận.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Việt, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, sau 32 năm, đơn vị đã ghép thận 1280 ca, cùng nhiều ca ghép các bộ phận cơ thể người khác, biến quy trình ghép tạng nơi này trở thành thường quy.
Song song đó, có một hoạt động rất cần thiết, là vấn đề vận động hiến ghép mô – tạng, nhất là ở người cho chết não. Đến nay, Bệnh viện đã vận động được 46 trường hợp hiến tạng từ người cho chết não. Ngoài ra, có những trường hợp chuyển tạng từ nơi hiến đến bệnh viện ghép cách xa hàng trăm cây số bằng máy bay dân dụng, một hoạt động mà hiếm nơi đâu trên thế giới thực hiện.
Bệnh viện Chợ Rẫy mong Bệnh viện Thống nhất xem đơn vị như chỗ dựa tinh thần trong hoạt động hiến ghép các bộ phận cơ thể người, để mang lại nhiều hơn sự sống cho người dân.
Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định, 12 ca không phải con số nhiều nhưng là bước ngoặt chuyên môn của Bệnh viện Thống Nhất trong công tác ghép thận và chăm sóc sức khỏe người dân. Đây là nỗ lực phi thường, khi những năm trước bệnh viện có rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, Bệnh viện Thống Nhất cũng thực hiện rất nghiêm túc, đến nay chưa có phản ánh gì về vấn đề pháp lý, chuyên môn. Điều này rất đáng mừng, trước thực trạng mua bán thận được phản ánh nhiều trong thời gian qua, vì “cầu” rất nhiều mà “cung” thì ít.
Ông Khuê chia sẻ, ở nước ngoài, người dân đã có nhận thức rất cao về việc hiến tạng cứu người. Trong khi đó tại Việt Nam, kể cả bệnh viện tuyến cuối cũng chỉ có vài chục ca ghép tạng từ nguồn hiến là người chết não.
“Ghép tạng không phải là vấn đề lớn của ngành y tế Việt Nam, nhưng sẽ nâng cao các kỹ thuật điều trị của bệnh viện, như vi phẫu, hóa sinh, miễn dịch… Tôi tin tưởng bệnh viện sẽ đạt được thành tựu to lớn trong những năm tiếp theo”, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nói.
12 bệnh nhân được ghép thận đều còn sống
Báo cáo tại hội nghị, Phó giáo sư Đỗ Kim Quế, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ, suy thận mạn là gánh nặng y tế toàn cầu. Tại Việt Nam, có khoảng 30.000 trường hợp cần điều trị thay thế thận, trong đó ghép thận là phương pháp tốt nhất.
Ông Quế cho biết, hầu hết ca ghép thận của Việt Nam từ năm 1992 đến nay là từ người cho sống, dẫn đến có nhiều vấn đề về điều kiện pháp lý và vấn đề an toàn của cả người hiến lẫn người nhận. Đến nay, nước ta chỉ có hơn 170 ca hiến tạng từ người cho chết não, con số rất ít ỏi so với những nước trên thế giới.
Thống kê tại Bệnh viện Thống Nhất cho thấy, mỗi năm có 12-15 trường hợp điều trị tại đây cần ghép thận. Ngoài ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật ghép với Bệnh viện Chợ Rẫy, đơn vị cũng phải chuẩn bị vấn đề hạ tầng, trang thiết bị y tế, ký hợp đồng với bác sĩ tâm lý, bác sĩ pháp y.
Phân tích 11 cặp ghép thận đầu tiên từ người cho sống thực hiện tại Bệnh viện Thống Nhất (tính từ năm 2022), các bệnh nhân được ghép trong khoảng 19-61 tuổi, đồng thời có 2 cặp hiến – ghép không cùng huyết thống. Tất cả các bệnh nhân ghép thận đều còn sống.
Hôm qua (23/4), Bệnh viện đã thực hiện ca ghép thận thứ 12. Bệnh nhân mới trải qua hậu phẫu 1 ngày, sức khỏe đang trong giai đoạn phục hồi.