Căn bệnh làm 80 triệu người tàn phế, số ca tử vong đứng hàng đầu Việt Nam


Tại hội thảo “Hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN”, do Bộ Y tế cùng báo Tiền Phong tổ chức ngày 19/10 ở TPHCM, bác sĩ CK2 Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 đã trình bày vấn đề phát triển kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm khu vực trong điều trị đột quỵ.

Theo đó, thống kê trên thế giới cho thấy, có 12,2 triệu người bị đột quỵ và 6 triệu người tử vong/năm. Hiện có 80 triệu người đột quỵ trên toàn cầu sống trong tình trạng tàn phế.

Tại Việt Nam, mỗi năm có 200.000 ca đột quỵ mới. Tử vong do đột quỵ đã đứng hàng thứ nhất trên toàn cầu, vượt qua nguyên nhân tim mạch. Việt Nam cũng nằm trong thực trạng này.

Căn bệnh làm 80 triệu người tàn phế, số ca tử vong đứng hàng đầu Việt Nam - 1

Một bệnh nhân điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115 (Ảnh: BS).

Bác sĩ Sóng cho biết, cứ mỗi 30 phút trôi qua sẽ có một người bệnh đột quỵ được cứu sống/tử vong hoặc di chứng kéo dài do điều trị không phù hợp. Trong khi đó, nếu được điều trị ở những trung tâm có đơn vị đột quỵ hoàn chỉnh, tỷ lệ người bệnh đột quỵ có cơ hội được cứu sống cao hơn.

Do đó, việc phát triển trung tâm đột quỵ chuyên sâu là nhu cầu cấp bách. Với sự chỉ đạo từ lãnh đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế qua các thời kỳ, Bệnh viện Nhân dân 115 được giao nhiệm vụ và quyết tâm phát triển chuyên sâu lĩnh vực điều trị đột quỵ.

Từ năm 2007, Đơn vị Đột quỵ đầu tiên tại Việt Nam đã được thành lập tại Bệnh viện Nhân dân 115. Hai năm sau, đơn vị tiếp tục thành lập khoa Bệnh lý mạch máu não. Hiện nay, trung tâm đột quỵ chuyên sâu do bệnh viện phát triển đã có quy mô 180 giường.

Từ hơn 1.400 người bệnh đột quỵ nhập viện trong năm 2007, trải qua giai đoạn dịch Covid-19 căng thẳng, Bệnh viện Nhân dân 115 đã tiếp nhận điều trị, cứu chữa cho hơn 14.000 ca đột quỵ trong năm 2022.

Căn bệnh làm 80 triệu người tàn phế, số ca tử vong đứng hàng đầu Việt Nam - 2

Nhân viên y tế Bệnh viện Nhân dân 115 chăm sóc bệnh nhân (Ảnh: Hoàng Lê).

Đến nay, đơn vị trên đã làm chủ được nhiều kỹ thuật can thiệp điều trị đột quỵ, như tiêu sợi huyết qua đường động tĩnh mạch, lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học (stent, dụng cụ hút).

Đặc biệt từ năm 2019, Bệnh viện Nhân dân 115 đã triển khai phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ, giúp mở rộng cửa sổ điều trị lên 24 giờ. Cụ thể, bệnh nhân đột quỵ đến viện sau giờ vàng (từ 6-24 giờ) nhờ phần mềm trên giúp cchọn56% ca được can thiệp nội mạch. Kết quả, có hơn 51% người bệnh quay trở lại cuộc sống bình thường.

Song song đó, bệnh viện tiếp nhận cấp cứu hàng đầu TPHCM cũng thực hiện được các kỹ thuật chuyên sâu trong điều trị xuất huyết não, do vỡ dị dạng mạch máu não gây đột quỵ cấp, như: chụp mạch máu ghi nhận túi phình, vi phẫu kẹp túi phình, thả dụng cụ bít tắt túi phình.

Cũng trong năm 2019, ca u não đầu tiên được phẫu thuật thành công bằng hệ thống robot tại bệnh viện ở TPHCM. Từ đó, kỹ thuật này được triển khai cho người bệnh xuất huyết não.

Căn bệnh làm 80 triệu người tàn phế, số ca tử vong đứng hàng đầu Việt Nam - 3

Bệnh viện Nhân dân 115 đã phẫu thuật điều trị xuất huyết não thành công bằng hệ thống robot (Ảnh: BV).

Bác sĩ Sóng chia sẻ, để cấp cứu đột quỵ chuyên sâu cần có các chuyên khoa: Cấp cứu, Đột quỵ, Chẩn đoán hình ảnh, Can thiệp mạch máu thần kinh, Ngoại thần kinh, Gây mê – Hồi sức, Phục hồi chức năng.

TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TPHCM khẳng định, đột quỵ có thể xảy ra ở mọi thời điểm trong cuộc đời, không loại trừ một ai. Trong đó, phần lớn bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não tử vong là do trễ giờ vàng điều trị.

Với sự phát triển của y học hiện đại, việc ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo giúp hỗ trợ hiệu quả trong chẩn đoán sớm, tầm soát, điều trị đột quỵ.

Tại hội thảo, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, địa phương có 7 định hướng phát triển y tế chuyên sâu:

1. Phát triển xuất phát từ nhu cầu khám chữa bệnh và phù hợp với mô hình bệnh tật, tử vong của Thành phố

2. Phát triển đồng bộ mạng lưới chăm sóc chuyên khoa từ y tế chuyên sâu đến cơ sở.

3. Phát triển chuyên sâu gắn liền với tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao kỹ thuật.

4. Phát triển gắn với huy động nguồn lực xã hội, đa dạng hóa các loại hình đầu tư… đặc biệt là huy động sự tham gia của y tế tư nhân.

5. Phát triển không chỉ ở lĩnh vực khám chữa bệnh mà còn ở những loại hình khác, như tầm soát công nghệ cao, phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, sức khỏe người cao tuổi.

6. Gắn liền với không ngừng cải tiến chất lượng, phấn đấu đạt các tiêu chuẩn quốc tế theo các chuyên ngành.

7. Phát triển y tế chuyên sâu là nền tảng không thể thiếu để phát triển du lịch y tế.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *